MiG-31 mang theo vũ khí bí mật được hộ tống bởi tiêm kích MiG-29. Ảnh: Ship Sash/Jetphotos. |
Nhiếp ảnh gia Ship Sash, người Nga đã tình cờ chụp được bức ảnh tiêm kích đánh chặn MiG-31 Foxhound cất cánh từ trung tâm thử nghiệm hàng không Zhukovsky, gần Moscow vào ngày 14/9 với một vũ khí bí mật, Business Insider cho biết.
Zhukovsky là trung tâm thử nghiệm vũ khí chính của Không quân Nga, tương tự căn cứ không quân Edwards của Mỹ.
Bức ảnh MiG-31 với vũ khí lạ nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới phân tích quân sự. Tên lửa treo dưới bụng MiG-31 có kích thước lớn hơn so với tên lửa siêu thanh Kinzhal từng được thử nghiệm trên chiến đấu cơ này. Tên lửa có các vây lái ở đuôi có thể gập lại.
Tyler Rogoway, chuyên gia phân tích hàng không, nhận định tên lửa mới sử dụng động cơ nhiên liệu rắn hai giai đoạn. Tên lửa này có thể được chế tạo cho nhiệm vụ chống vệ tinh. Ngoài ra, nó có thể được sử dụng làm phương tiện triển khai vệ tinh nhỏ ở quỹ đạo thấp.
Những năm Chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng lên kế hoạch phát triển tên lửa chống vệ tinh phóng từ MiG-31. Chương trình phát triển tên lửa chống vệ tinh được phê duyệt vào năm 1984. Thành phần hệ thống gồm: Trạm vô tuyến-quang học mặt đất phức tạp 45ZH6, tên lửa đánh chặn 79M6 và MiG31D được sử dụng làm phương tiện mang phóng. Tuy nhiên, dự án bị đình chỉ khi Liên Xô tan rã.
Giới phân tích dự đoán Nga đang hồi sinh lại dự án tên lửa chống vệ tinh phát triển dang dở dưới thời Liên Xô. Trước đó, năm 2001, tập đoàn Mikoyan đã giới thiệu phiên bản nâng cấp MiG-31S (chữ S có nghĩa là không gian theo tiếng Nga). MiG-31S có khả năng mang theo tên lửa tải trọng lớn.
Mỹ từng thử nghiệm thành công tên lửa chống vệ tinh phóng từ tiêm kích F-15. Trung Quốc cũng bắn hạ thành công một vệ tinh thời tiết cũ. Nga tất nhiên sẽ không muốn đứng ngoài trong cuộc đua phát triển vũ khí chống vệ tinh.
Nếu vũ khí bí mật mà MiG-31 mang theo là tên lửa chống vệ tinh, nó sẽ cung cấp cho Moscow một lựa chọn hữu ích trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Với chiến trường hiện đại, việc liên lạc qua vệ tinh có vai trò sống còn đối với khả năng giành chiến thắng.
Nga sẽ cần khả năng bắn hạ vệ tinh làm gián đoạn hệ thống liên lạc, dẫn đường cho vũ khí của đối phương. Ngoài ra, Moscow cũng cần nhanh chóng thay thế các vệ tinh bị bắn hạ bằng vệ tinh mới.
Một tên lửa có thể làm cả hai nhiệm vụ nói trên là một lựa chọn kinh tế nhất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.