Dầm cầu số 2 bị chìm dưới lòng sông khiến công tác trục vớt tốn rất nhiều chi phí |
Chi phí “khủng” để sửa chữa cầu
Trước tình hình cầu Ghềnh bị đổ sập do sà lan đâm phải khiến giao thông đường sắt bị tê liệt, Bộ GTVT đã thành lập tổ công tác đặc biệt để tiến hành khắc phục sự cố trên.
Qua nhiều cuộc họp với ngành đường sắt và chính quyền địa phương, hiện Bộ GTVT đã có kế hoạch xây cầu mới thay thế cầu Ghềnh do các trụ còn lại của cầu hiện đã hư hỏng. Con số dự tính được đưa ra cho việc khắc phục và sửa chữa cầu Ghềnh là từ 250 đến 300 tỉ đồng. Trong đó, chi phí trục vớt dầm cầu Ghềnh để đảm bảo giao thông đường thủy ước tính hơn 10 tỉ đồng.
Ông Ngô Anh Tảo, Phó tổng GĐ Tổng cty đường sắt việt nam cho biết: Hiện nay đã có 3 đơn vị đưa ra các phương án để trục vớt dầm cầu đang bị chìm dưới sông. Quá trình này sẽ được thực hiện nhanh nhất là 10 ngày và chậm nhất là 15 ngày. Trong đó bao gồm quá trình cắt rời liên kết các nhịp cầu với nhau, đưa nhịp chìm số 3 vào bờ hoặc sử dụng các cần cẩu treo giữ một đầu dầm cầu và cắt trên không. Tuy nhiên, kinh phí để thực hiện trong vòng 10 ngày ước tính khoảng 12,5 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo địa phương, việc xây dựng cầu mới sẽ giải quyết nhanh chóng về vấn đề thời gian và sớm khắc phục hậu quả cũng như giảm thiệt hại cho ngành đường sắt. Tuy nhiên, việc sửa chữa cầu Ghềnh và di dời các thuyền dưới 500 tấn đi qua luồng sông Cái Bé ( nhánh sông Đồng Nai) nếu không tính toán kĩ cũng sẽ gây thiệt hại cho người dân nơi đây. Hiện tại, khu vực luồng sông này có rất nhiều hộ dân đang nuôi bè cá, nếu tàu thuyền di chuyển vào khu vực sẽ tạo ra sóng lớn va đập vào chúng. Chưa kể đến việc đi lại sẽ tạo ra chất thải, váng dầu gây ô nhiễm.
Thiệt hại nặng nề cho ngành đường sắt
Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về thiệt hại của sự cố sập cầu Ghềnh đối với ngành giao thông nói chung và ngành đường sắt nói riêng.
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Sau khi xảy ra vụ việc sập cầu Ghềnh chúng tôi đã vận chuyển an toàn cho hơn 5.000 hành khách. Về việc di chuyển hàng hóa hiện nay ga Sóng Thần đang đảm nhiệm vai trò là ga trọng điểm xếp dở.
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ GTVT với chính quyền tỉnh Đồng Nai vào chiều 21/3 |
Tuy nhiên riêng chi phí để trung chuyển hơn 5.000 hành khách chỉ trong 2 ngày xảy ra sự cố đã lên tới gần 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn chi phí lớn cho việc trung chuyển hàng trăm tấn hàng hóa đang ùn ứ tại ga Sóng Thần đến ga Hố Nai, Trảng Bom cũng sẽ gây tổn thất rất nhiều.
Nếu ngành đường sắt không làm tốt thì việc hành khách quay lưng trả vé, các doanh nghiệp hủy bỏ hợp đồng là khả năng rất cao sẽ xảy ra. Hiệ tại, việc sửa chữa cầu Ghềnh dự kiến sẽ đến ngày 17/5 khiến các lãnh đạo ngành đường sắt bày tỏ quan ngại về nguy cơ mất khách khi một lượng không nhỏ khách hàng có thể sẽ rời bỏ loại hình vận tải này trong gần 4 tháng chờ xử lý sự cố sắp tới.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng nhấn mạnh: Vụ tai nạn xảy ra đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, đặc biệt là hai ngành đường sắt và đường thủy. Theo quan điểm của Bộ là chọn phương án hoàn thành sớm nhất để rút ngắn thời gian thi công và giảm bớt những thiệt hại cho các bên liên quan.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.