Vụ tường đổ đè 13 ô tô: Ai chịu trách nhiệm, bồi thường thế nào?

Tác giả: Dương Khuê

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 10/07/2021 07:08

Vụ tường đổ đè nát đầu 13 ô tô ở Hà Nội, ngày 8/ 7 gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản của người dân

4
Hiện trường bức tường đổ đè nát đầu 13 ô tô.

Liên quan tới vụ 13 ô tô bị một bức tường đổ trúng gây hư hỏng nặng,  PV  Tạp chí GTVT đã trao đổi với  Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh - Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Theo Luật sư Lê Ngọc Khánh, căn cứ theo Điều 605, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trường hợp Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.

Theo quy định trên, nếu có thiệt hại xảy ra do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây nên thì tùy từng trường hợp cụ thể, trách nhiệm bồi thường được đặt cho một trong các chủ thể: chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng công trình đó. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự cũng quy định về các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại khoản 2, Điều 584.

1
Luật sư Lê Ngọc Khánh - Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) 

Xét về thời gian xảy ra vụ việc bức tường bị sập gây thiệt hại cho các xe ô tô là khi đang có mưa và gió mạnh do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới. Vì vậy, để xác định được bên nào là người phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này, cần xác định được nguyên nhân xảy ra sự việc đổ sập tường là do đâu. Nếu nguyên nhân khiến cho bức tường bị đổ sập là do bức tường đã cũ, quá lâu ngày dẫn đến kết cấu không còn vững chắc, bị xuống cấp thì trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu hoặc người quản lý vì đã không kiểm tra, cải tạo, sữa chữa công trình. Khi đó, việc trời mưa và gió mạnh không được coi là sự kiện bất khả kháng để loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà chỉ là tác động khách quan (yếu tố phụ) dẫn đến việc bức tường bị đổ sập. Ngược lại, nếu chủ sở hữu hoặc người quản lý có thể chứng minh được bức tường thường xuyên được kiểm tra, cải tạo nên kết cấu còn tốt và vững chắc, việc đổ sập là hoàn toàn do bị ảnh hưởng của yếu tố thiên tai, thời tiết lúc đó thì sẽ được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại vì lý do bất khả kháng trong trường hợp này.

3
Bức tường bất ngờ bị đổ sập đã gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản của người dân

Cũng theo luật sư, vụ việc bức tường bất ngờ bị đổ sập đã gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản của người dân, cụ thể là 13 chiếc xe ô tô con đang đỗ ở đó bị thiệt hại. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, việc xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Bên cạnh nguyên nhân chính gây ra việc bức tường bị đổ sập là gì, chúng ta cũng cần phải xác định xem việc các chủ xe ô tô đỗ xe ở vị trí đó có đúng quy định hay không? Có bên trông giữ nào đang thực hiện trông giữ xe ô tô của các chủ thể đó hay không hay là hành vi tự phát? Trường hợp vị trí đó là bãi đỗ xe hợp pháp theo quy định của pháp luật, có bên trông giữ xe ô tô của các chủ thể thì theo điểm c, khoản 3, Điều 55 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ: đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe phải bồi thường thiệt hại cho người gửi xe nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện nhận gửi. Trường hợp chủ sở hữu xe tự ý đỗ xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè thì chủ sở hữu xe phải tự chịu thiệt hại đối với tài sản của mình. 

Như vậy, trách nhiệm bồi thường ở đây tùy theo nguyên nhân, căn cứ nêu trên có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý công trình xây dựng hoặc đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe hoặc chính chủ sở hữu phải tự chịu thiệt hại do hành vi vi phạm về đỗ xe của mình.

Trước đó, sự việc xảy ra sáng 8/7, tại ngõ 245 Mai Dịch, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Lúc này, một bức tường cao 2-3m dài khoảng 50m, bất ngờ đổ sập, đè lên 13 ô tô đang đỗ trên vỉa hè.

Được biết, vụ việc xảy ra do ảnh hưởng của mưa và gió mạnh từ hoàn lưu áp thấp nhiệt đới.

Theo chỉ huy Đội CSGT-TT, Công an quận Cầu Giấy, có 13 ô tô bị ảnh hưởng do sự cố.

Ý kiến của bạn

Bình luận