Vụ xả thải trên sông Hồng: Lực lượng Cảnh sát đường thủy có "vấn đề"?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 16/11/2016 15:09

Nghi án lượng chất thải ném xuổng sông Hồng có phải là loại bùn Bentonite, một loại bùn chất thải VLXD cực độc chứa nhiều hóa chất nguy hại


 

DSC04552
Việc đổ chất thải xuống sông Hồng là hành vi “bức tử” môi trường, tàn phá hạ tầng giao thông đường thủy.  

Chưa có trong tiền lệ

Liên quan tới công tác truy tìm tung tích chiếc tàu “khủng”, vận chuyển hàng trăm tấn chất thải đổ xuống sông Hồng, diễn ra vào chiều ngày 14/11. Mới đây, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Hồng Giang – Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ( Bộ GTVT) cho biết: “Dựa vào tính chất nghiêm trọng của vụ việc, đích thân tôi đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường thủy, phối hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa 2 rà soát lại đường đi của chiếc tàu P.T0677, từ địa điểm xuất bến, cho tới vị trí neo đậu… Đồng thời tích cực phối hợp với các đơn vị trực thuộc Công an thành phố Hà Nội ráo riết truy tìm “tác giả” của vụ xả thải nói trên”.

“Phải khẳng định rằng, việc đổ chất thải xuống sông Hồng là hành vi “bức tử” môi trường, tàn phá hạ tầng giao thông đường thủy. Đặc biệt là việc lượng chất thải lớn sẽ gây ra hiện tượng bồi lắng, thay đổi luồng lạch, tác động trực tiếp tới việc lưu thông của tàu thuyền trên tuyến”, ông Giang nhấn mạnh.

Cũng theo ông Giang, từ trước đến nay, trên sông Hồng chưa bao giờ xuất hiện tình trạng đổ chất thải cỡ lớn như vậy.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên: chiếc tàu mang số hiệu P.T0677 được xác đinh là thủ phạm gây ra vụ xả thải trên sông Hồng có lộ trình xuất phát từ bến Tr.K.– một bến không được cấp phép hoạt động, nằm sát khu vực cầu Thanh Trì. Tính từ điểm tàu “ăn hàng” cho tới vị trí đổ thải trong bán kính khoảng 1km.

Thời gian gần đây, chủ bến này liên tục có hành vi tự ý nạo vét luồng lạch, tận thu khoáng sản trái phép và liên quan trực tiếp tới vụ “đáp” hàng trăm tấn chất thải xuống sông Hồng.

Được biết, bản thân “bến chui” này từng bị các cơ quan chức năng là Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 2, Cục ĐTNĐ Việt Nam nhiều lần lập biên bản với các lỗi vi phạm trong việc mở bến trái phép.

Tái khẳng định quyết tâm của Cục ĐTNĐ Việt Nam trong việc “truy” ra hành trình của chiếc tàu P.T0677 trước khi tiến hành việc xả thải ra sông Hồng, ông Giang hạ “lệnh” sẽ cho kiểm tra lực lượng kiểm tra hoạt động của bến Tr.K.

DSC04576
Vị trí đổ thải cách chân cầu Thanh Trì khoảng 100m

Lực lượng Cảnh sát đường thủy có “vấn đề”?

Đó là câu hỏi nhức nhối mà hiện nay dư luân đang đặt ra đối với lực lượng Cảnh sát đường thủy – CA thành phố Hà Nội. Bởi, theo tài liệu ghi lại của Tạp chí GTVT cho thấy: Vào khoảng 16h30 phút, nhận thấy chiếc tàu P.T0677 đang thực hiện hành vi dùng máy xúc quăng chất thải xuống sông Hồng, thì đồng thời lúc này có một tổ công tác của Đội TTKS số 3 ( thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy – CA TP.Hà Nội) bước lên tàu “kiểm tra” và nhanh chóng rút đi trong chốc lát, bỏ lại chiếc tàu với màn xả thải độc nhất vô nhị.

Một thực tế khác, sau gần 2 tiếng thực hiện hành vi đổ thải xuống sông Hồng, chiếc tàu này vẫn “bình an vô sự”, mặc cho những váng dầu loang óng ánh dài hàng trăm mét trôi theo dòng nước về phía hạ nguồn sông Hồng.

Bên cạnh đó, quy trình xả thải của chiếc tàu trăm tấn này diễn ra công khai giữa “thanh thiên bạch nhật” dưới sự điều hành từ một số đối tượng “bặm trợn” làm nhiệm vụ cảnh giới. Do vậy, nhiều người đặt nghi vấn có yếu tố “bảo kê” từ lực lượng làm nhiệm vụ?

Image9
Cảnh sát đường thủy "kiểm tra" tàu vi phạm trong chớp nhoáng rồi bỏ đi, mặc cho hàng trăm tấn chất thải được đổ xuống sông Hồng

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Cương – Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy Hà Nội cho biết: Sau khi phát hiện việc xả thải từ tàu T.P0677, phía lực lượng có đến nhắc nhở và yêu cầu chiếc tàu này di chuyển đi nơi khác đổ thải. Sau đó lực lượng rời đi và không có biên bản nào được lập”.

Giá như ngay lúc đó, các chiến sĩ Phòng Cảnh sát đường thủy Hà Nội cương quyết trong việc xử lý vi phạm thì hàng trăm tấn chất thải kia đâu có thể nghiễm nhiên được đổ thẳng xuống sông Hồng.

Trong khi chờ kết quả cuối cùng từ phía các cơ quan chức năng TP.Hà Nội, thì mỗi giờ qua đi, hàng nghìn người dân Thủ đô vẫn canh cánh nỗi lo: Liệu rằng số chất thải ném xuổng sông Hồng có phải là loại bùn chất thải vật liệu xây dựng Bentonite, một loại bùn cực độc chứa nhiều hóa chất nguy hại? Và hiện tại nguồn nước sông Hồng liệu có an toàn khi sử dụng? Đặc biệt, đơn vị, tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trước hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường?

Mời độc giả đón đọc bài sau./.

Ý kiến của bạn

Bình luận