Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị BUSADCO |
Với những giải pháp kĩ thuật đột phá này, cụm công trình của Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo vừa được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) lần này.
Nhân dịp này, ông Hoàng Đức Thảo - đã có cuộc trao đổi với Tạp chí GTVT về quá trình đưa những nghiên cứu của mình đi vào thực tiễn.
Cảm xúc của ông như thế nào khi biết cụm công trình của mình được đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt V?
Tôi cảm thấy rất vinh dự và bất ngờ khi được là một trong 9 cụm công trình, công trình được đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt V. Bản thân tôi khi thực hiện nghiên cứu luôn đặt mục đích phục vụ dân sinh, phục vụ phúc lợi công cộng, thiết thực với đời sống lên hàng đầu. Những gì tôi làm ra không chỉ dành cho người có tiền mà cả người nghèo cũng được hưởng lợi. Do đó, các công trình của tôi đều cung cấp những giải pháp, sản phẩm thị trường cần, chẳng hạn:
Giải pháp để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; tiêu biểu có Hệ thống ngăn mùi; Hố ga bê tông cốt thép đúc sẵn; Hào kỹ thuật bê tông cốt thép đúc sẵn; Thiết bị nạo vét hệ thống thoát nước;
Giải pháp để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông thôn; tiêu biểu có Kênh, mương hộp bê tông cốt thép, bê tông cốt sợi thành mỏng đúc sẵn;
Giải pháp để bảo vệ môi trường nước, không khí; tiêu biểu có Trạm xử lý phân tán nước thải; Trạm xử lý nước thải nhà hàng, khách sạn; Hệ thống ngăn mùi; Thiết bị nạo vét hệ thống thoát nước;
Giải pháp để chống xói lở, bảo vệ bờ biển phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động thích ứng với mực nước biển dâng; tiêu biểu có: Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển.
Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này chứng tỏ cụm công trình đã được đánh giá cao về giá trị và thành quả mà nó mang lại cho xã hội. Nó là động lực to lớn giúp các nhà khoa học, các doanh nghiệp khoa học kỹ thuật như BUSADCO tiếp tục mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất ra các giải pháp khoa học ứng dụng mới.
Ngày 27/03/2015, Bộ trưởng Nguyễn Quân cùng đoàn đại biểu Bộ Khoa học - Công nghệ đến thăm Dự án Quai đê lấn biển Đồng Châu,huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình - sử dụng sản phẩm Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển |
Điều khiến ông hài lòng và tâm đắc nhất trong cụm công trình của mình là gì?
Điều khiến tôi tự hào nhất là tất cả các công trình nghiên cứu của mình đều là 100% trí tuệ và công sức của người Việt Nam. Càng đặc biệt hơn khi cụm công trình này không dùng kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Trong tổng số 50 công trình thuộc cụm công trình, tôi cảm thấy tâm đắc nhất với công trình Nghiên cứu ứng dụng hào kỹ thuật bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn trong ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị Việt Nam”. Cụ thể, dọc theo hai bên tuyến đường đô thị sẽ bố trí hệ thống hào kỹ thuật để ngầm hóa các hạ tầng kỹ thuật như điện trung, hạ thế, viễn thông, điện thoại...; đồng thời khi các hạ tầng này đầu tư khi tuyến đường đã được nâng cấp thì tránh tình trạng phải đào bới mặt đường thi công gây mất mỹ quan đô thị cũng như chất lượng công trình đã thi công.
Hào kỹ thuật được thiết kế chia thành nhiều ngăn riêng biệt (vách ngăn theo chiều đứng), phụ thuộc vào số lượng công trình ngầm cần lắp đặt của mỗi khu vực đô thị như: ngăn cáp viễn thông, ngăn cáp điện trung thế, ngăn cáp điện hạ thế & chiếu sáng, ngăn ống cấp nước. Số lượng các ngăn của Hào kỹ thuật có thể linh hoạt, phụ thuộc vào số lượng dây cáp và dự kiến.
Hào kỹ thuật có thể tháo lắp khi duy trì, bảo dưỡng công trình ngầm mà không cần đào bới lên. Tại các hố ga hào kỹ thuật bố trí ống PVC (phía đáy hố ga) để thoát nước từ trong hệ thống hào sang hệ thống thoát nước mưa, đảm bảo Hào kỹ thuật luôn khô ráo.
Dọc theo tuyến hào kỹ thuật, bố trí các lỗ chờ D90÷D114 (nút bịt bê tông) để đấu nối vào các ống nhánh hộ dân, trung bình 5m/đốt hoặc bố trí các ống chờ D90÷D114 nối từ hố ga vào sát ranh đất nhà dân. Tại đây bố trí các tủ kỹ thuật, trung bình từ 6-8 nhà dân có 1 tủ kỹ thuật. Từ tủ kỹ thuật để đấu nối cáp điện lực, cáp viễn thông… vào từng nhà dân, bố trí các đường ống nhánh đi luồn trong ống chờ hoặc đi trong rãnh kỹ thuật BxH: 200x200 nằm sát ranh đất nhà dân.
Không sử dụng ngân sách nhà nước, ông làm thế nào để giải quyết bài toán kinh phí?
Tôi dùng cách “lấy mỡ nó rán nó”. Khác với những công trình nghiên cứu mang tính khoa học, cụm công trình của tôi mang tính thực tiễn cao, cho ra được sản phẩm. Các sản phẩm này là sản phẩm kỹ thuật, không có hàng tồn kho vì chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng và phụ thuộc vào yêu cầu công năng của từng công trình cụ thể, từng điều kiện cụ thể, chứ không làm ra rồi để đó rồi chờ người tới mua.
Hơn nữa, để huy động được vốn ngân sách phải trải qua hàng trăm, hàng nghìn khâu thẩm định phức tạp. Do đó, tôi quyết định mình sẽ tự chủ về kinh tế, thậm chí đã có lúc tôi mang tiền nhà đi để nghiên cứu. Việc vừa tự chủ về công nghệ, vừa tự chủ về tài chính đòi hỏi chúng tôi phải tự trau dồi rất nhiều kiến thức, không những kiến thức của nhà khoa học mà còn kiến thức của nhà tư vấn, chủ đầu tư, chính quyền đô thị, nhà vận hành, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chức năng đó như đất đai, xây dựng, tài chính, kế hoạch, pháp lý… để có thể cho ra được sản phẩm.
Ông nhận xét như thế nào về công tác nghiên cứu KH&CN tại Việt Nam hiện nay? Ông có lời nhắn nhủ gì gửi tới những người đang làm công tác nghiên cứu khoa học?
Tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam là rất lớn tuy nhiên đa số các nhà khoa học vướng mắc ở cách tiếp cận. Tôi cho rằng hầu hết các viện nghiên cứu, trường đại học chưa thành công trong việc nghiên cứu là vì họ chưa đưa ra được sản phẩm cụ thể. Khác biệt của BUSADCO là từ quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã cho ra được sản phẩm tiêu dùng, từ đó có thể tự chủ công nghệ, tự chủ tài chính. Chưa bàn đến các nhà máy quy mô lớn, chí ít phải có một cơ sở sản xuất. Nếu không có điều kiện, các tổ chức khoa học cần phải liên kết mật thiết với các doanh nghiệp để hiện thực hóa công trình nghiên cứu của mình.
Riêng với những người làm công tác nghiên cứu khoa học, lời khuyên chân thành của tôi là khi mới làm khoa học phải vô tư, đừng vội nghĩ đến tiền, bởi “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Mình cứ kiên trì, theo đuổi nó đến cùng, ắt có lúc mình sẽ gặt hái được thành quả.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Cụm công trình "Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” do TS Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị BUSADCO phát triển từ tháng 9/2003 và kết thúc vào tháng 10/2015. Đây là một trong số 9 cụm công trình được đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt V. Cụm công trình đã thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, sản xuất ra các sản phẩm ở quy mô công nghiệp, đạt chất lượng cao tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đã tạo ra 6 giải pháp mới, 5 công nghệ mới, giảm giá thành sản xuất. Các kết quả nghiên cứu của cụm công trình đã và đang ứng dụng tại 42/63 tỉnh thành trên cả nước; trong đó có 14 tỉnh, thành phố đã ban hành chủ trương cho áp dụng rộng rãi trên địa bàn, đồng thời đã xuất khẩu sang Lào và Malaysia. Cụm công trình đã được tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); tổ chức chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương; Hiệp hội Sáng kiến Sáng chế Hàn Quốc (SIIF) và nhiều tổ chức quốc tế uy tín công nhận; Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 18 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, 10 Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; 28 kiểu dáng công nghiệp. Các sản phẩm còn lại đã làm thủ tục đăng ký sáng chế đang được Cục SHTT thẩm định. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.