Ám ảnh những tiếng rên la nạn nhân TNGT
Một trong những kỷ niệm tác nghiệp đáng nhớ nhất của tôi là một lần theo đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia thăm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau vụ tai nạn thảm khốc, hơn 10 nạn nhân được chuyển về đây cấp cứu, điều trị. Dù chỉ là một lần tác nghiệp đơn thuần như bao lần khác, nhưng hôm đó vô cùng đáng nhớ bởi cáng cấp cứu, giường bệnh kê chật chội từ sảnh cấp cứu tới khắp mọi hành lang. Bầu không khí nơi đây thống thiết tiếng rên rỉ ai oán của các nạn nhân do TNGT, thậm chí có một nam thanh niên to khỏe giãy giụa, la hét trong cơn hoảng loạn, trong khi người thân thì đau đớn gồng mình ôm chặt anh. Những âm thanh và hình ảnh đó khiến tôi bị ám ảnh mãi tới sau này.
Phóng viên Vũ Thành tác nghiệp
Dù đang tác nghiệp nhưng tôi không thể giữ được sự bình tâm vì nỗi đau đớn tột cùng của bao con người phút chốc không còn lành lặn, cùng những suy nghĩ cho chính bản thân mình. Tôi từng có lần “tắm máu” vì TNGT và sống trong cảm giác sợ hãi khi nghĩ mình chỉ còn sống được vài phút nữa, trong khi người thân của mình đứng ngồi không yên. Lần tác nghiệp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm ấy khiến tôi mới thực sự ngộ ra, dù chỉ là một giây nông nổi khi lái xe sẽ có thể phải trả giá rất đắt bằng cả cuộc đời.
Những trải nghiệm quý giá khi làm PV theo dõi mảng ATGT giúp tôi hiểu ra được nhiều giá trị của cuộc sống và sự bình an để lan tỏa tới mọi người. Những hình ảnh của buổi tác nghiệp hôm ấy đã trở thành một lời nhắc nhở thường trực trong tâm trí rằng, từng giây phút lái xe phải luôn có thái độ nghiêm túc nhất có thể.
Tết năm 2019 và 2020, thật đáng mừng khi số lượng bệnh nhân nhập viện tuyến cuối cấp cứu và điều trị TNGT đã giảm rõ rệt, những âm thanh ghê rợn tại đây cũng không còn nặng nề. Đó là minh chứng cụ thể nhất cho nỗ lực giảm TNGT của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chỉ tiếc rằng, các ca nhập viện thường rất nặng, chủ yếu là do lái xe sau khi sử dụng rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm, cố tình coi thường mạng sống... Ở đâu đó ngoài kia, Tết vui lắm. Còn ở đây, những giọt nước mắt, những nỗi đau đã và sẽ mãi còn dai dẳng.
Cảm xúc trên đỉnh trụ tháp
Những năm qua, PV Tạp chí GTVT đã theo dõi sát sao, phản ánh hoạt động của rất nhiều dự án trọng điểm phía Nam, là người bạn đồng hành cung cấp thông tin cho người dân, cùng sẻ chia với đơn vị lúc buồn, vui.
Tại những công trình như: Dự án kết nối vùng đồng bằng Mê Kông, trong đó có hai cây cầu lớn là Vàm Cống và Cao Lãnh; tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; mở rộng tuyến tránh Tân An; QL91 đoạn Cần Thơ - An Giang; mở rộng QL60 từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên; nâng cấp tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp... nơi đâu cũng đã từng có dấu chân của PV Tạp chí GTVT đồng hành.
Phóng viê Mỹ Lệ (áo đen) phỏng vấn các kỹ sư
Trong vô vàn những chuyến công tác ấy, điều in đậm mãi trong tâm trí tôi là hình ảnh những chuyến phà đêm Vàm Cống hối hả, những ngày lễ, tết người dân đôi bờ vất vả đợi hàng giờ đồng hồ bởi kẹt xe, ùn tắc. Thời điểm ấy, trong đôi mắt người dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang..., giấc mơ có một chiếc cầu bắc qua lúc nào cũng khắc khoải.
Còn nhớ những ngày cuối năm 2015, tôi được thị sát công trường xây dựng cầu Vàm Cống, khi đó đôi bờ sông vẫn còn ngăn cách bằng dòng sông Hậu tĩnh mịch. Giữa lòng sông rộng lớn ấy xuất hiện sừng sững hai trụ tháp như một tín hiệu vui cho người dân đôi bờ.
Khi đó, công trường còn rất ngổn ngang, để lên được trụ tháp, tôi phải đi trên cầu tạm dẫn ra cano, rồi từ từ tiến lại gần chân trụ. Sau nhiều vất vả, tôi mới trèo lên tới trụ tháp và toàn thân được bảo vệ bằng dây đai. Phải đi lên đỉnh trụ tháp mới hiểu được nỗi vất vả của những công nhân đang thi công trên công trình. Nắng gay gắt, gió lồng lộn thổi. Với cao độ ấy nếu không phải là những công nhân có nghiệp vụ bài bản hẳn không thể trụ lại trên công trường quá 3 ngày. Giữa bao gian lao vất vả như vậy, những công nhân trên công trường vẫn luôn vui vẻ, tiếng cười nói râm ran. Nhiều công nhân là người dân khu vực này và mùa xuân năm đó họ tình nguyện đăng ký thi công cả những ngày nghỉ tết. Trong sâu thẳm những người con đồng bằng sông Cửu Long..., ai ai cũng nô nức mong cây cầu lớn này sớm được hoàn thành, kết nối, thông thương.
Trong những lần tác nghiệp, chuyến “rong ruổi” cùng các đơn vị đi thực tế tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn còn nguyên cảm xúc. Những ngày đầu thi công, để đi hết toàn tuyến, anh em chúng tôi phải di chuyển bằng cả đường bộ, đường thủy, vượt qua nhiều con sóng lớn... Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua nhiều đồng ruộng và đầm lầy, rừng đước hoang sơ. Thậm chí, có những gói thầu không có đường đi, tôi phải đi bộ, đi xe máy ba, bốn chặng mới vào tới khu vực thi công. Tháng 4/2019, trong dịp thị sát tuyến, đoàn chúng tôi gặp một trận mưa to, vì vậy xe không thể di chuyển ra bên ngoài. Phải mất gần nửa ngày chúng tôi mới có thể mon men ra QL51 để trở về nhà.
Trong tương lai gần sẽ có nhiều dự án giao thông phía Nam lớn hơn được đầu tư xây dựng để giúp tháo gỡ những khó khăn cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực. Đó cũng là nguồn tin, nguồn cảm hứng cho những người làm báo chúng tôi.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.