Vượt “sóng gió” Covid-19, Hàng hải tăng trưởng cao

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Sự kiện 16/02/2021 08:12

2020 là một năm nhiều biến động với đại dịch Covid-19 và thiên tai. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành Hàng hải Việt Nam vẫn vượt qua “sóng gió”, duy trì tăng trưởng.

 

Screen Shot 2
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang thị sát luồng hàng hải

Thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho biết, dù trải qua hai đợt dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên đến nay ngành Hàng hải không có người nhiễm bệnh và không có trường hợp nào lây nhiễm Covid-19 từ thuyền viên ngành Hàng hải. “Đây là kết quả đặc biệt quan trọng bởi nếu chỉ 1 - 2 trường hợp hoa tiêu, công nhân bốc xếp hàng hóa hoặc cán bộ ngành Hàng hải bị nhiễm sẽ lập tức tác động đến cả đội ngũ người lao động và ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền ra, vào cảng”, Cục trưởng cho biết.

Theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được Cục Hàng hải Việt Nam triển khai từ rất sớm và linh hoạt với những biện pháp mạnh như cương quyết không cho phép thuyền viên đi vào bờ, một loạt biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho thuyền viên, hoa tiêu, công nhân bốc xếp lên tàu thuyền nước ngoài, cho cán bộ kiểm tra giám sát trực tiếp của các cảng vụ... Với những giải pháp này, các đơn vị ngành Hàng hải đã ứng phó tốt với đại dịch.

Bên cạnh việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Cục Hàng hải Việt Nam đã thay đổi các phương thức làm việc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải, thuyền viên, cảng vụ triển khai và duy trì các hoạt động hàng hải nhằm giữ vững đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Cục đã chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc về chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên trong giai đoạn đang xảy ra dịch. Trong đó, một trong những khó khăn mà chủ tàu gặp phải là việc thay thế, bổ sung thuyền viên cho tàu biển do chính sách đóng cửa biên giới, phong tỏa, cách ly phòng chống dịch bệnh của hầu hết các nước trên thế giới. Đồng thời, Cục đã phối hợp với các hiệp hội, đơn vị liên quan nhằm cắt giảm chi phí dịch vụ, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải biển.

Với sự chỉ đạo kịp thời và linh hoạt, dù tình hình dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực hàng hải nhưng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn giữ được đà tăng trưởng. Theo đó, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2020 ước đạt 689,07 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2020 ước đạt 22,14 triệu Teus, tăng 13% so với năm 2019.

Các khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao như khu vực Thái Bình tăng 42%, khu vực Quảng Trị tăng 39,04%, khu vực Quảng Ngãi tăng 31,8%. Ngoài ra, một số khu vực cảng biển khác như Mỹ Tho, Thanh Hóa có mức tăng tương đối cao từ 22 - 42% so với năm 2019.

HH
 

Đảm bảo an toàn hàng hải, kịp thời ứng phó với thiên tai

Năm 2020, toàn quốc đã xảy ra 14 vụ tai nạn hàng hải, so với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn hàng hải giảm 4 vụ, số người chết và mất tích giảm 4 người. Để có kết quả này, trong năm qua, công tác đảm bảo an toàn hàng hải từ kiểm tra, giám sát đến xử lý các vi phạm được thực hiện nghiêm. Theo đó, các cảng vụ hàng hải đã tổ chức kiểm tra 1.649 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện mang cấp VR - SB, kiểm tra 299 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế và kiểm tra 2.252 lượt tàu biển nước ngoài.

Năm 2020 là một năm có thiên tai khắc nghiệt khi thời tiết trên biển thường xuyên xuất hiện gió cấp 6, cấp 7. Các cơn bão năm nay tăng đột biến gây sóng to gió lớn trên biển thường xuyên, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải của đội tàu biển Việt Nam cũng như tàu thuyền của nước ngoài có hành trình ngang qua vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, với những giải pháp thiết thực, sự chuẩn bị chu đáo, ứng phó linh hoạt của ngành Hàng hải và sự dũng cảm của lực lượng cứu hộ hàng hải chuyên nghiệp đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của các hình thái thời tiết đến hoạt động hàng hải. Do đó, thiệt hại về tàu thuyền hàng hải do bão là rất ít và hầu như là không có.

Cục Hàng hải Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực phòng chống thiên tai. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam thường xuyên duy trì lực lượng và phương tiện để sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu. Trung tâm Thông tin An ninh hàng hải bố trí trực 24/24h để kịp thời theo dõi tình hình các cơn bão trên biển và sẵn sàng tiếp nhận thông tin cứu nạn. Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam phát bản tin về diễn biến các cơn bão để các phương tiện hoạt động trên biển nắm bắt thông tin, chủ động phòng tránh, ứng phó. Cục cũng chỉ đạo phòng chuyên môn nghiên cứu phương án trang bị xuồng cao su để bố trí cứu hộ, cứu nạn, trong đó tập trung rà soát tàu thuyền để hướng dẫn các phương tiện tránh, trú bão và tăng cường kiểm tra thuyền viên trên tàu.

Cùng với đó, các cảng vụ hàng hải tiến hành thống kê tàu thuyền trong khu vực có khả năng tham gia phòng chống thiên tai của các cơn bão; lên phương án và tổ chức thực hiện phương án điều động tàu thuyền neo đậu tránh trú bão hoặc đi tránh, trú bão tại các khu vực khác.

Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nhiều do bão, ông Trịnh Thế Cường - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng chia sẻ, trong các loại phương tiện vận tải biển, tàu VR - SB là một trong những phương tiện dễ bị ảnh hưởng và tác động trong những cơn bão hay các đợt biến đổi khí hậu bởi khi vận hành khai thác phương tiện VR- SB có mạn thô thấp hơn tàu biển, neo tàu VR- SB không có độ bám bằng tàu biển. Chính vì vậy, khi neo đậu trú bão, các phương tiện này vẫn phải duy trì điều kiện hoạt động của máy tàu, điều này rất quan trọng. Hầu hết sự cố của loại phương tiện này khi trú bão đều do không duy trì được hoạt động của máy hoặc máy hỏng. Chính vì vậy, để khắc phục những hạn chế này, tại Đà Nẵng, trong thời gian qua đã thiết lập một lực lượng sửa chữa lưu động hàng hải. Lực lượng này đã kịp thời khắc phục những sự cố về máy móc cho đội tàu. Trong thời gian xuất hiện những cơn bão vừa qua, đội tàu neo đậu tránh bão đều duy trì được hoạt động của máy, không tàu nào xảy ra sự cố, góp phần giảm thiểu tai nạn, giảm thiểu thiệt hại về cả người và hàng hóa dù thời tiết có khắc nghiệt hay thiên tai.

Ý kiến của bạn

Bình luận