Nhưng ít ai biết được rằng, Elon Musk cũng đang có mặt ở một lĩnh vực có nhiều triển vọng: điện mặt trời. Và sân chơi này đang trở nên cực kỳ hấp dẫn khi xuất hiện một đối thủ xứng tầm. Đó chính là Warren Buffet, người đàn ông giàu thứ hai thế giới.
Được thành lập vào năm 2006 bởi Elon Musk cùng 2 người anh em họ là Lyndon và Peter Rive, SolarCity đã mang năng lượng tái tạo phủ rộng hơn 15 bang, đem về doanh thu 350 triệu USD hàng năm. Công ty này thiết kế, lắp đặt và cho thuê các hệ thống điện mặt trời ở mức giá cho phép người dùng tiết kiệm tiền điện hàng tháng và chống chọi được với sự biến đổi thời tiết.
SolarCity bắt đầu hoạt động ở Nevada vào năm 2014 và nhanh chóng trở thành nhà cung cấp tấm thu năng lượng mặt trời hàng đầu ở đây.
Thành công này có được một phần là do chính quyền bang có chính sách hỗ trợ, theo đó SolarCity sẽ nhận được khoản tài trợ 400 ngàn USD mỗi năm nếu đạt các mục tiêu tuyển dụng nhân lực địa phương. Ngoài ra họ còn áp dụng chính sách “net metering” (định lượng tĩnh) cho phép những ai có hệ thống điện mặt trời được bán lại lượng điện mà họ không sử dụng, và tiền này sẽ bù vào hóa đơn tiền điện.
Cũng như hơn 40 bang khác ở Mỹ, Nevada buộc các công ty dịch vụ công cộng (cụ thể là cung cấp điện) phải mua lại phần năng lượng thừa này với giá bằng mức mà họ thu của khách hàng. Net metering không được các công ty này ủng hộ, và NV Energy – công ty dịch vụ công cộng lớn nhất Nevada, được Warren Buffet mua lại với giá 5,6 tỷ USD – đang làm mọi việc có thể để chống lại.
Ban đầu, NV Energy vận động hành lang để giới hạn tổng lượng điện một người/doanh nghiệp nhỏ được phép tạo ra chỉ ở mức 3% dung lượng đỉnh của mọi công ty điện.
Vào tháng 12 vừa rồi, NV Energy giành được thắng lợi quan trọng: Ủy Ban Tiện Ích Công Cộng (PUC) Nevada ban hành các quy định khiến việc sử dụng điện mặt trời trở nên đắt đỏ hơn. Chẳng hạn, với cách tính giá mới, một người dùng cả điện mặt trời và điện lưới ở Nevada sẽ phải trả mức phí tăng dần hàng năm từ 12,75 USD lên 38,51 USD vào năm 2020. Trong cùng thời điểm, số tiền người này nhận được từ việc bán điện mặt trời sẽ giảm 75% và chỉ được hưởng mức giá rẻ hơn một chút nếu sử dụng điện lưới.
Chỉ một ngày sau khi quy định này được đưa ra, SolarCity tuyên bố sẽ ngừng kinh doanh ở Nevada, và công ty sẽ sa thải 550 nhân viên trong bang.
Cuộc chiến về điện ở Nevada không phải là một trường hợp cá biệt. Sử dụng điện mặt trời đang nở rộ trên khắp nước Mỹ nhờ giá các tấm bảng thu năng lượng mặt trời giảm đáng kể. Điều này khiến cho hơn một nửa các bang ở Mỹ phải xem xét lại hoặc thay đổi chính sách net metering vào quý 3 năm 2015. Và ở đâu có sự xuất hiện của các công ty điện mặt trời, ở đó có sự ủng hộ của phần đông người dân.
Mặc dù các công ty điện lưới không có được sự ủng hộ này nhưng họ cũng đang phát triển các dự án năng lượng tái tạo của riêng mình để bắt kịp với xu hướng mới. Ở North Carolina, Duke Energy đã đầu tư 900 triệu USD vào điện mặt trời. Công ty của Buffet cũng cam kết chi 15 tỷ USD trong suốt năm 2014 cho mọi hoạt động liên quan đến năng lượng tái tạo.
NV Energy cũng tỏ ra lắng nghe công chúng và vào ngày 25/01 vừa rồi, công ty này tuyên bố sẽ yêu cầu PUC cho phép các khách hàng net metering đã đăng ký tiếp tục áp dụng hệ thống tính giá cũ trong 20 năm nữa. Nhưng ngay cả khi đề xuất này được chấp nhận, điều đó cũng chưa đủ để làm vui lòng những người trong ngành điện mặt trời.
Cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ và khiến rất nhiều người lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Chẳng hạn như Dale Collier, người đã chi 48.000 USD để trang bị một hệ thống gồm 56 tấm thu năng lượng mặt trời vào năm 2011, khi đó đã giảm được hóa đơn tiền điện từ 330 USD xuống còn 80 USD/tháng. Anh cho biết: “Khi ấy, đó là điều sáng suốt nhất mà tôi từng làm. Bây giờ hóa ra đó lại là điều ngu ngốc nhất”.
Collier dự định sẽ bỏ nghề phi công lái máy bay chở hàng nhỏ nhưng vẫn chưa thể thực hiện được cho đến khi giải quyết vấn đề tiền điện êm xuôi. Theo lời Collier, nếu điện mặt trời không có hiệu quả, anh sẽ xem xét sử dụng pin mặt trời: “Tôi muốn hoàn toàn không phải sử dụng điện lưới một chút nào”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.