WIPO tăng cường hợp tác các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Khoa học - Công nghệ 24/03/2017 04:51

Ngày 23/3/2017, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry đã có buổi thăm và làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là cơ hội để hai bên tăng cường hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới và tăng cường sự hỗ trợ tích cực của WIPO dành cho Việt Nam nói chung và Cục Sở hữu trí tuệ nói riêng.

 

IMG_3453
Toàn cảnh Làm việc tại Cục SHTT

Tham dự có ông Francis Gurry, Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); đồng chí Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Geneva; lãnh đạo các đơn vị có liên quan của Cục SHTT.

Tại buổi làm việc, ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhấn mạnh tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia và Việt Nam không là ngoại lệ. Thực tế việc xử lý đơn sáng chế, sở hữu công nghiệp cho thấy tính cạnh tranh khốc liệt, do đó càng cần nâng cao sự cạnh tranh để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

IMG_3470

Bên cạnh đó, công việc về sở hữu trí tuệ liên quan nhiều đến sự biến đổi của nền kinh tế, đặc biệt thông qua công tác xử lý đơn có thể thấy xu hướng biến đổi đang diễn ra về mặt công nghệ, sự thay đổi về công nghệ nhanh chóng trong xã hội. Ông Francis Gury cho rằng, mối quan hệ giữa WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Việt Nam đang rất tích cực và tin rằng, sự hợp tác song phương giữa hai bên được tăng cường hơn nữa để đạt được mục tiêu hai bên đề ra. WIPO cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong công tác xử lý đơn để góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Giám đốc Francis Gurry, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang định hướng đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ để sở hữu trí tuệ thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí khẳng định, để đạt được những kết quả ấn tượng nêu trên, bên cạnh sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp và có hiệu quả của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Cục còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn và quan trọng từ WIPO, đặc biệt về các vấn đề liên quan đến xây dựng chính sách và pháp luật, đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi thông tin SHCN và nâng cao nhận thức của công chúng.

Trên cơ sở hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua và mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ đề xuất WIPO hỗ trợ triển khai các hoạt động kỹ thuật dành thông qua Chương trình phát triển của WIPO; hỗ trợ Việt Nam gia nhập, thực thi các Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý; hỗ trợ nâng cấp cơ sở dữ liệu, công cụ tra cứu, phục vụ công tác xử lý đơn, khắc phục tình trạng tồn đọng đơn; tạo điều kiện để Việt Nam tham gia tích cực hơn vào tổ chức, hoạt động của WIPO...

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam, sau lễ ký kết ghi nhớ hợp tác ngày 22/3 giữa hai bên về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, thời gian tới các chuyên gia quốc tế sẽ sang Việt Nam cùng phối hợp với nhóm chuyên gia trong nước triển khai các bước tiếp theo trong xây dựng Chiến lược, để trình Chính phủ bản dự thảo Chiến lược năm 2017 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đề ra.

IMG_3659
Lãnh đạo Cục SHTT chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn WIPO

Kết thúc buổi làm việc, ông Đinh Hữu Phí chúc WIPO ngày càng phát triển bền vững và tiếp tục xây dựng những định hướng phát triển hiệu quả cho hệ thống sở hữu trí tuệ toàn cầu, đồng thời tin tưởng rằng quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam - WIPO ngày càng bền chặt./.

Sáng cùng ngày, ông Francis Gurry, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, và lãnh đạo Cục SHTT đã có buổi nói chuyện với sinh viên trường Đại học Ngoại thương và tham dự một sự kiện đặc biệt do trường tổ chức. 

IMG_3726
Tổng Giám đốc WIPO nói chuyện với sinh viên Đại học Ngoại thương

Sau khi làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường, ông Francis Gurry đã dành thời gian của mình để trao đổi và chia sẻ với giới trẻ những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo theo chủ đề của ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm 2017 thông qua tọa đàm “Innovation – Improving lives”. Theo ông Francis Gurry “Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên mà ở đó đổi mới sáng tạo ảnh hưởng đến cách chúng ta sống, làm việc và kinh doanh. Đổi mới sáng tạo vẫn còn mới mẻ với tất cả mọi người không chỉ ở Việt Nam mà thậm chí các nước phát triển. Đối với những đất nước có thu nhập trung bình muốn thoát khỏi tình trạng đó, nâng cao vị thế cạnh tranh, đổi mới sáng tạo đóng góp rất lớn vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, là chìa khóa nâng cao vị thế cạnh tranh, là con đường đến với công việc tốt hơn”.Để chào mừng Tổng Giám đốc WIPO, trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức một chuỗi các hoạt động về vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ theo chủ đề của năm 2017: INNOVATION – IMPROVING LIVES (Sáng tạo – Cải thiện Cuộc sống) như tọa đàm “Innovation – Improving lives”, triển lãm IPDay, con đường IPWalk… Điểm nhấn đặc biệt của chuỗi hoạt động này là “Bức tranh dấu ấn IP” và ông Francis Gurry chính là người tạo nên mảng ghép đầu tiên của bức tranh và khởi động Gameshow Vietnam IPChallenge© mùa 2017 – cuộc thi có quy mô toàn quốc dành cho sinh viên về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm từ 21-23/3/2017, Tổng Giám đốc WIPO đã đến chào xã giao Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Bộ Kh&CN Chu Ngọc Anh, Ngài Tổng Giám đốc đã bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với chúng ta về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Việc ký kết Thỏa thuận hợp tác về xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và WIPO là bước đầu tiên trong việc hiện thực hóa cam kết của Ngài Tổng Giám đốc. Trong thời gian tới, các chuyên gia WIPO sẽ phối hợp với Nhóm công tác trong nước để dự thảo các nội dung của Chiến lược nhằm định hướng cho sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam nói chung và sự phát triển của Cục Sở hữu trí tuệ nói riêng trong thời gian tới, với mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.  

Ý kiến của bạn

Bình luận