Tạo dựng nền tảng cho phát triển
Trong nhiều năm qua, Đề án “Xã hội hóa các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành” đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) liên tục đẩy mạnh thực hiện và đạt được hiệu quả tốt. Hoạt động đăng kiểm được xã hội hóa lĩnh vực kiểm định xe cơ giới ngày càng tăng, theo đúng lộ trình, quy hoạch được Chính phủ phê duyệt. Chủ trương xã hội hóa đầu tư trung tâm kiểm định xe cơ giới đã nhận được sự đồng thuận cao của doanh nghiệp và người dân cả nước.
Ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Cục ĐKVN cho biết, việc thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm định xe cơ giới đã huy động tiềm năng, nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động kiểm định, giảm sự phiền hà, bớt chi phí ngân sách nhà nước, rút ngắn về thời gian cho chủ phương tiện, lái xe khi đi đăng kiểm.
Việc doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước hợp tác đầu tư, vận hành các trạm đăng kiểm đã san sẻ tình trạng quá tải, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phương tiện giao thông, các trung tâm đăng kiểm ngày một khang trang với những thiết bị hiện đại… Cơ quan quản lý nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong khâu kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa. Vì vậy, chất lượng đăng kiểm thời gian qua được nâng lên rõ rệt.Từ khi triển khai xã hội hóa công tác đăng kiểm đến nay, toàn quốc có 76 trung tâm và chi nhánh đăng kiểm do doanh nghiệp đầu tư, chiếm gần 54% tổng số trung tâm. Dù vậy, các trung tâm được thành lập mới phù hợp với quy hoạch tổng thể đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tính đến giữa tháng 7/2018, toàn quốc có 14 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới là đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở GTVT hoặc UBND cấp tỉnh đã hoàn thành chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Cùng với đó, có 8 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm ở các địa phương khác đang triển khai phương án cổ phần hóa và dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian ngắn gồm: Hải Dương, Kon Tum, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên.
Mặt khác, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 63 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới nhằm tạo cơ chế thông thoáng, tối ưu hóa lợi ích và đặc biệt là tạo ra “sân chơi” bình đẳng cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kiểm định xe cơ giới. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 Quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới thay thế Nghị định số 63/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016.
Theo đó, dự kiến từ năm 2019, điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (đang lấy ý kiến các bộ, ngành) sẽ lược bỏ quy định việc thành lập trung tâm đăng kiểm mới phải phù hợp với quy hoạch tổng thể mạng lưới các đơn vị và dây chuyền kiểm định. Đây là điều kiện được chú ý nhất trong số 30 điều kiện kinh doanh được bỏ bớt và 13 điều kiện được sửa, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư và đồng thời không giới hạn số lượng trung tâm đăng kiểm.
Nếu như trước đây, ở một khu vực chỉ có một đơn vị đăng kiểm thì đến nay, sự ra đời của hệ thống trung tâm đăng kiểm xã hội hóa được đầu tư theo tiêu chuẩn đã xóa bỏ tư tưởng độc quyền, chủ phương tiện có thể lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định theo mong muốn của mình; không còn tư duy “xin - cho” trong dịch vụ đăng kiểm. Nhờ xã hội hóa, người mang xe đến đăng kiểm đã trở thành “khách hàng”.
Mục tiêu an toàn phải là số 1
Đối với kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, mâu thuẫn giữa lợi nhuận và đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật là một thách thức lớn.
Cục trưởng Trần Kỳ Hình nhìn nhận, trong thời kỳ “trăm hoa đua nở” thì sự cạnh tranh giữa các trung tâm đăng kiểm nhằm thu hút phương tiện có thể tạo ra tình trạng kiểm định không đảm bảo tiêu chuẩn, khó quản lý chất lượng đăng kiểm.
Tuy nhiên, lĩnh vực này cần nhà đầu tư có trách nhiệm và kiên nhẫn, không đặt mục đích lợi nhuận lên trên mục tiêu an toàn kỹ thuật phương tiện và bảo vệ môi trường. Dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải tuân thủ quy trình và có giới hạn năng suất tối đa. Vì vậy, các trung tâm đăng kiểm không thể cạnh tranh, tạo lợi nhuận bằng cách rút ngắn thời gian, “ăn bớt” công đoạn kiểm định nhằm thu hút số lượng phương tiện đến kiểm định.
Cục ĐKVN đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để kiểm soát cũng như mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo chất lượng đăng kiểm. Thực tế thời gian qua, chất lượng hoạt động đăng kiểm đã tạo được hàng rào kỹ thuật ngăn các phương tiện, thiết bị không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp đưa vào lưu thông, loại bỏ phương tiện hết hạn sử dụng. Chất lượng phương tiện đang lưu hành được cải thiện, không có phương tiện bị TNGT, tai nạn lao động liên quan đến lỗi an toàn kỹ thuật đăng kiểm kỹ thuật.
Hiện nay, toàn quốc có 155 đơn vị, chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt động với 311 dây chuyền kiểm định đã được nối mạng thiết bị. Toàn bộ các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đã trang bị hệ thống camera IP giám sát. Cục ĐKVN đã tăng cường kiểm tra, giám sát qua công tác phúc tra, hậu kiểm cũng như dùng các phần mềm nối mạng trực tuyến, camera giám sát từ xa hoạt động của các trung tâm đăng kiểm nhằm đảm bảo các khâu dịch vụ phải tuân thủ đúng quy trình, tiêu chuẩn, quy định…
Dịch vụ kiểm định xe là dịch vụ hành chính công với sự khắt khe trong hệ thống quy trình tiêu chuẩn nhằm đảm bảo an toàn. Cục ĐKVN đã và đang nỗ lực từng ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển nhưng cũng đồng thời áp dụng nhiều giải pháp chấn chỉnh, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh kiểm định phương tiện cơ giới văn minh, hiện đại, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.