Xã hội hóa đào tạo lái xe: Hướng đi "ích nước, lợi nhà"

Tác giả: Khánh An

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 29/04/2019 15:26

Xã hội hóa đào tạo sát hạch lái xe (ĐTSHLX) góp phần giảm tải cho các cơ sở đào tạo của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc học lái xe. Nhờ được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, các cơ sở tuân thủ nghiêm quy trình đào tạo, quy trình sát hạch nên trình độ chuyên môn, kỹ năng xử lý các tình huống của đội ngũ lái xe khi tham gia giao thông cũng được nâng lên.


 

IMG_9202
Trung tâm Đào tạo lái xe An toàn - Công ty Honda Việt Nam

“ích nước, lợi nhà”

Trước đây, việc quản lý, sát hạch lái xe thuộc ngành Công an nhưng đến tháng 8/1995 được bàn giao sang Bộ GTVT. Từ năm 2004, chủ trương xã hội hóa đào tạo, sát hạch lái xe thực sự là một bước đột phá quan trọng trong việc hình thành hệ thống cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên toàn quốc. 

Sau 15 năm thực hiện, công tác xã hội hóa đã huy động được nhiều nguồn lực lớn từ xã hội và từng bước đáp ứng được nhu cầu học lái xe của người dân. Đến nay, nhiều cơ sở đào tạo hiện đại được hình thành, các tiêu chí về hạ tầng được đầu tư, hiện đại hóa, khắc phục sự sơ sài, nghèo nàn về phòng học, không còn sân bãi tập chưa rải nhựa, xe tập lái cũ nát gần như đã được thay thế. Hiện cả nước có tổng số 333 cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, đồng thời mở mới 121 trung tâm sát hạch lái xe các loại.

Cả nước hiện có trên 19.714 giáo viên dạy lái xe đủ tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành, tập huấn nâng cao trình độ, trên 15.000 xe tập lái các hạng.

Trong bộ Giáo trình Đào tạo lái xe về cơ bản có 5 môn học bao gồm: Luật Giao thông đường bộ, Nghiệp vụ vận tải; Cấu tạo, sửa chữa thông thường ô tô; Kỹ thuật lái xe; Đạo đức và văn hóa ứng xử của lái xe. Giáo trình Đào tạo lái xe đã được nghiên cứu biên soạn, sửa đổi nhiều lần trên cơ sở tham khảo tài liệu của các nước như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc nhằm cung cấp cho người học hiểu biết và chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ, các kỹ năng cần thiết để lái xe an toàn, giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử của lái xe khi tham gia giao thông, kỹ năng xử lý tình huống trên đường, sơ cấp cứu người bị TNGT.

Năm 2010, trong khuôn khổ Dự án ATGT đường bộ Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Tổ chức Hợp tác Đường bộ Vicroads Internation Australia đã tổ chức khảo sát và đánh giá chương trình, nội dung và giáo trình đào tạo lái xe của Việt Nam là phù hợp, tương tự như các nước Thái Lan, Hàn Quốc.

IMG_9203

Việc xã hội hóa cũng giúp tăng tính công khai, minh bạch, giảm tiêu cực trong đào tạo, sát hạch lái xe ô tô. Người học được quyền lựa chọn cơ sở đào tạo tốt để đăng ký học và thi. Khi vào học, học viên được công khai chương trình đào tạo, mức học phí; có thể giám sát việc thực hiện hợp đồng đối với cơ sở đào tạo. Thêm vào đó, trong khâu sát hạch cũng công khai bằng hình thức mọi người đều có thể giám sát. Trước đó, việc sát hạch hoàn toàn thủ công, nay nhờ thực hiện xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trung tâm sát hạch đã đạt chuẩn nên quá trình sát hạch được hiện đại hóa bằng việc dùng thiết bị chấm điểm tự động.

Bịt “lỗ hổng” trong ĐTSHLX

Theo các chuyên gia giao thông, trong các nguyên nhân gây TNGT thì chủ yếu vẫn do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Thực tế đã chứng minh, những vụ TNGT xảy ra thời gian qua đều ít nhiều liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo, thể hiện qua sự yếu kém của lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống, qua thái độ coi thường tính mạng của hành khách và người tham gia giao thông.

Đặc biệt, hiện nay nhu cầu về ĐTSHLX cơ giới tăng cao tại các thành phố lớn. Trong khi đó, việc ĐTSHLX lái xe đã được Nhà nước cho phép mở rộng xã hội hóa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, điều này khiến chất lượng ĐTSHLX cơ giới đường bộ chưa theo kịp với quy mô, kỳ vọng của người dân.

Qua các đợt thanh tra công tác ĐTSHLX, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại các địa phương do Tổng cục ĐBVN thực hiện gần đây, thực tế cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập trong ĐTSHLX, việc trang bị kiến thức, trau dồi văn hóa, đạo đức, nghề nghiệp của người lái xe còn chưa được coi trọng.

Quá trình đào tạo lái xe ở các cơ sở đang có hiện tượng cạnh tranh gay gắt, đua nhau giảm giá, gây “loạn” về phí đào tạo, cắt xén chương trình. Công tác tuyển sinh tại nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu chặt chẽ, thậm chí có phần tùy tiện; học viên thiếu tự giác, nghiêm túc trong việc học; nhiều hồ sơ không có giấy khám sức khỏe hoặc nếu có thì cũng dễ dàng mua, không cần khám; nhan nhản thông tin về những “đường dây” chống trượt cho học viên, chất lượng giáo viên giảng dạy thấp, cấp bằng không nghiêm túc...

Trước thực trạng đó, mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký ban hành Văn bản số 2067/BGTVT-TCCB yêu cầu Tổng cục ĐBVN khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe.

Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục ĐBVN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe trong cả nước; tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại hoặc các trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại với mục đích sở hữu đồng thời nhiều Giấy phép lái xe. Ngoài ra, Tổng cục ĐBVN cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt công tác cấp lại Giấy phép lái xe đã mất theo đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại Giấy phép lái xe không đúng quy định.

Ngoài những chỉ đạo tích cực từ phía Bộ GTVT, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương cần mạnh tay xử lý các trung tâm vi phạm quy định về ĐTSHLX; có thể rút giấy phép và công khai danh sách các trung tâm này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, không chỉ xử phạt hành chính mà cần nghiên cứu quy định cấm hành nghề, thậm chí cấm hành nghề trọn đời những lái xe vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ. Có như vậy, công tác ĐTSHLX mới thực sự hiệu quả, tăng kỹ năng lái xe cho người tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu TNGT.

Ý kiến của bạn

Bình luận