Nhiệm vụ giai đoạn 2016–2020 của ĐTNĐ là đạt tỷ trọng 20–30% về hàng hóa, 7 – 10% về hành khách trong tổng khối lượng vận tải của toàn ngành GTVT. |
Xác định 5 yếu tố chính trong chiến lược phát triển
Sáng 8/8, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐ VN) phối hợp cùng Hội Cảng – Đường thủy – Thềm lục địa Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Quốc tế “Đường thủy nội địa Việt Nam - Hội nhập và phát triển”. Hội thảo có sự tham dự của các đối tác quốc tế đến từ Đại sứ quán Hà Lan, Đại sứ quán Bỉ, Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản, Bộ Giao thông công chính chính phủ vùng Flander (Bỉ), các chuyên gia từ Bỉ, Canada, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Hồng Giang – Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm, tăng cường ứng dụng KHCN trong quản lý chuyên ngành, đề xuất giải pháp phát triển vận tải thủy, tăng cường hội nhập quốc tế.
“Những kết quả thu được từ Hội thảo sẽ là gợi mở những giải pháp định hướng phát triển giao thông vận tải thủy nội địa (TNĐ) theo hướng hiện đại, bền vừng và hội nhập, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia” – Cục trưởng Hoàng Hồng Giang khẳng định.
Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN Hoàng Hồng Giang phát biểu khai mạc Hội thảo |
Trong khuôn khổ của Hội thảo, 7 báo cáo của các chuyên gia đã được trình bày và thảo luận tập trung vào các nội dung về giao thông thủy trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chia sẻ kinh nghiệm phát triển vận tải châu Âu và Bỉ; Nghiên cứu thúc đẩy vận tải container bằng đường thủy tuyến Hải Phòng – Hà Nội; đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện cũng như đào tạo tăng cường năng lực quản lý ngành; liệt kê thực trạng và định hướng về phát triển phương tiện vận tải và con người khu vực phía Nam,….
Trong đó, nhiều vấn đề nổi cộm được nêu ra như: chất lượng, hiệu lực pháp lý và hiệu quả của các quy hoạch, tiêu chuẩn phát triển ngành; sự hạn chế về năng lực, trình độ của cán bộ ngành; hạn chế về cơ sở hạ tầng cản trở việc vận chuyển hàng từ cửa tới cửa; định hướng về cơ chế chính sách nhằm điều chuyển hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, vận tải đa phương thức và logistics, bảo đảm ATGT; xã hội hóa về đào tạo….
Phát triển GTVT thủy theo 3 hướng “kinh tế - xã hội – môi trường được xác định là một trong 5 yếu tố chính trong chiến lược phát triển vận tải thủy |
Qua các ý kiến tham luận tại Hội thảo, chiến lược và chính phát triển vận tải thủy sẽ dựa trên 5 yếu tố chính. Thứ nhất là phát huy tính ưu việt của vận tải thủy từ vốn đầu tư ít, giá thành hạ, ít ô nhiễm môi trường nhằm tăng thị phần vận tải từ 20 đến 30% về hàng hóa, từ 7 đến 10% về hành khách, chú trọng vận tải container, đặc biệt là tuyến Hải Phòng – Hà Nội, hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải ven biển, liên vận quốc tế;
Thứ 2 là nâng cao năng lực cán bộ, nâng cao tính pháp lý và chất lượng các quy hoạch phát triển, trình Chính phủ ban hành quy hoạch sửa đổi. Thứ 3 là phát triển đồng bộ, liên hoàn giữa đường thủy và các hình thức vận tải khác tạo thành mạng lưới liên hoàn, thông suốt. Thứ 4 là xã hội hóa đầu tư về kết cấu hạ tầng, tập trung đầu tư các tuyến chính, cảng đầu mối, chú trọng giao thông vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt là phát triển GTVT thủy theo 3 hướng “kinh tế - xã hội – môi trường”, hỗ trợ cơ chế, chính sách phát triển vận tải thủy.
Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược cụ thể tại Việt Nam
Tại Hội thảo, các đại biểu quốc tế đã trình bày tham luận về Kinh nghiệm phát triển vận tải thủy của Bỉ và châu Âu. Nổi bật trong đó là Nghiên cứu khả thi về việc vận chuyển container bằng đường thủy tuyến Hải Phòng – Hà Nội – Việt Trì (phần kỹ thuật và kinh tế) của ông Jan Pellens – Công ty tư vấn Kỹ thuật Hàng hải và Vận tải Quốc tế (IMTA).
Theo chuyên gia Jan Pellens, vận chuyển container qua ĐTNĐ giữa Cảng cửa ngõ Hải Phòng và vùng nội địa Hà Nội, Việt Trì có tiềm năng lớn cho vận tải TNĐ |
Theo ông Jan Pellens, vận chuyển container qua ĐTNĐ giữa Cảng cửa ngõ Hải Phòng và vùng nội địa Hà Nội, Việt Trì có tiềm năng lớn cho vận tải TNĐ, thu hút sự chia sẻ đáng kể về vận chuyển container giữa các địa phương này. Theo các nghiên cứu của Dự án, ĐTNĐ sẽ thu hút khoảng 10% của vận tải container. Khoảng năm 2040, tổng vận tải TNĐ hàng năm sẽ đạt tới 1,25 triệu TEU.
Trên thực tế, tại Hà Nội, Hải Phòng, Việt Trì hiện có 4 cảng TNĐ phù hợp gồm cảng Phù Đổng, cảng Việt Trì, cảng Cát Hải (công suất 0,7 triệu TEU, cảng Quảng Ninh (công suất 0,55 triệu TEU). Tuy nhiên, ông Pellens cũng đưa ra sự khác biệt: “Đường thủy từ Cảng Hải Phòng tới khu vực Hà Nội (142 km) sẽ mất xấp xỉ 14 giờ, trong khi đó, xe tải chỉ cần 3 giờ để đi 100km. Chính vì vậy, các cơ quan hữu quan của Việt Nam cần có những biện pháp dài hơi khi thuyết phục chủ hàng sử dụng các hành trình dài bằng việc hỗ trợ phương thức vận tải thủy”.
Ông Vũ Mạnh Hùng, – Quyền Trưởng phòng Kế hoạch – Đầu tư, Cục ĐTNĐ VN đưa ra những giải pháp cụ thể phục vụ trong chiến lược phát triển ĐTNĐ VN. |
Tham luận tại Hội thảo, ông Vũ Mạnh Hùng – Quyền Trưởng phòng Kế hoạch – Đầu tư, Cục ĐTNĐ VN cho biết, mục tiêu cụ thể của ngành ĐTNĐ trong giai đoạn hiện nay (2015 – 2020) là hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật, đảm bảo chạy tàu 24/24h các tuyến ĐTNĐ quan trọng khu vực phía Bắc như sông Hồng, sông Thái Bình; nâng cấp và xây dựng một số cảng đầu mối, bến hàng hóa như Ninh Phúc, Đa Phúc, Việt Trì, Hòa Bình, cảng Container Phù Đổng; nâng cấp, xây mới một số cảng đầu mối, bến hành khách tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Tương tự như vậy tại phía Nam, mục tiêu cụ thể sẽ chú trọng tại các tuyến ĐTNĐ từ Tp. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, các tuyến sông Tiền, sông Hậu.Tại khu vực miền Trung, chỉ trị và nâng cấp một số tuyến sông chính, chú trọng khai thác các cửa sông, tăng chiều dài các đoạn sông được quản lý.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, trong giai đoạn 2015–2020, lĩnh vực ĐTNĐ sẽ nâng cao năng lực vận tải lên 70 – 75% khối lượng vận tải hàng hóa ở Tây Nam Bộ. Tái cơ cấu đoàn phương tiện vận tải TNĐ phù hợp với đặc điểm tuyến TNĐ theo khu vực và cơ cấu về sức chở hợp lý, đầu tư đội tàu tự hành, chiếm trên 70% tổng số phương tiện TNĐ. Định hướng đến năm 2030, tỷ lệ đảm nhận vận tải hàng hóa trên toàn quốc bằng ĐTNĐ sẽ đạt 30,9% so với vận tải hàng hóa toàn ngành GTVT.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng – Trưởng phòng Dự báo và Tổ chức vận tải, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, chiến lược trọng tâm về vận tải trong lĩnh vực ĐTNĐ là phát triển vận tải container. Theo đó, chiến lược tập trung phát triển các tuyến vận tải container đường thủy kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế, bao gồm cả các tuyến ven biển, sông pha biển, trước mắt là góp phần giảm tải cho đường bộ, sau tiến tới cạnh tranh mở rộng thị phần nhờ những lợi thế về chi phí vận tải cũng như lợi thế là phương thức vận tải thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó là tăng cường kết nối vận tải thủy với các phương thức vận tải khác, phát triển vận tải đa phương thức, phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ logistic; phát triển vận tải ven biển. “Cần khuyến khích tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp logistic lĩnh vực ĐTNĐ tham gia tổ chức vận tải thủy bằng các hình thức tự đầu tư hoặc tham gia liên doanh, liên kết. Tân Cảng, Germadept… hiện nay là những ví dụ điển hình” – ông Hoàng khẳng định.
Về nhiệm vụ về xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN Trần Văn Thọ khẳng định, đây cũng sẽ là nhiệm vụ hàng đầu của lĩnh vực ĐTNĐ. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh khai thác hiệu quả tuyến vận tải ven biển Bắc Nam và một số tuyến vận tải container từ các cảng bến nước sâu đến các cảng đầu mối trong nội địa nhằm chủ động kết nối vận chuyển hàng hóa liên vận, vận chuyển container, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng bằng ĐTNĐ. Đồng thời chuyển thẳng hàng hóa từ các cảng biển nước sâu vào tận chân các công trình trọng điểm trong nội địa, hình thành mạng lưới vận tải liên hoàn giữa các phương thức vận tải.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.