Chia sẻ với PV, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết, việc điều chỉnh giảm giá cước vận tải là hoạt động thường xuyên theo văn bản Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính. Vì thế, khi có bất kỳ biến động về thị trường xăng dầu, cơ quan chức năng cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ có đánh giá để đề ra phương án điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp.
Theo đánh giá của hiệp hội, khi giá xăng giảm xuống dưới 15.000 đồng mỗi lít, 2 loại hình cần cấp tốc giảm giá cước là taxi và xe chạy tuyến cố định. Riêng loại hình thứ hai cần giảm theo chu kỳ.
Ông Liên cho biết, trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt cũng như sức cạnh tranh khốc liệt về giá cước taxi, các đơn vị vận tải đã có một số điều chỉnh giá tương đối. Tuy nhiên, mức giảm chưa đáng kể.
Nhiều chuyên gia cho biết, nhiều khả năng giá cước vận tải, đặc biệt cước taxi sẽ giảm mạnh. Ảnh: Lê Hiếu. |
“Tôi nhớ trong một cuộc họp thường kỳ, các anh kinh doanh taxi từng nói, khi nào giá xăng xuống 15.000 đồng mỗi lít, họ chắc chắn sẽ điều chỉnh giá cước xuống. Song, hiện giá xăng xuống còn hơn 13.700 đồng một lít mà tôi thấy vẫn chưa có điều chỉnh gì đáng kể. Có chăng mức giảm chỉ rất nhẹ chứ chưa có đột phá nào!”, ông Liên cho hay.
Ông Liên cho biết, hiện giá cước taxi được dư luận quan tâm hơn cả. Do đó, việc các đơn vị taxi chậm trễ trong giảm giá cước là một thực tế mà nhiều người không đồng tình. Ông cũng chính là nạn nhân của giá cước taxi khi cho biết trước đây, ông khi đi từ cơ quan tới Sở GTVT chỉ trả có 72.000 đồng mà hiện giờ mất tới hơn 100.000 đồng.
"Đi 1 km, taxi mất có 1.200-1.500 đồng tiền xăng mà hãng thu tới 11.000 đồng là điều vô lý vô cùng! Giá cước của các hãng taxi hiện nay hoàn toàn không phù hợp với thu nhập của người dân", ông Liên nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, khi giá xăng giảm xuống thấp hơn cả 14.000 đồng một lít, các đơn vị kinh doanh vận tải buộc phải cân đối, điều chỉnh giá cước, càng sớm càng tốt.
Hiện nay, Nhà nước cần phải vận động các doanh nghiệp điều chỉnh lại giá cước, đặc biệt là giá cước taxi. Với bản thân các doanh nghiệp, khi giá cước cao hành khách sẽ dần không chấp nhận. Do đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng cần phải hỗ trợ khách hàng cũng như có ý kiến về vấn đề này.
Chia sẻ với Zing.vn về vấn đề này, Tổng thư ký hiệp hội taxi TP HCM - Nguyễn Thái Bình - cho biết, trước Tết, các doanh nghiệp taxi đã đồng loạt giảm giá cước, với mức giảm thấp nhất là 500 đồng/km. Đợt xăng giảm 730 đồng mỗi lít đầu tháng 2 rơi vào sát Tết nên không doanh nghiệp nào kịp điều chỉnh. Nếu cộng với đợt giảm này, tổng cộng mỗi lít xăng đã giảm hơn 1.600 đồng - mức thấp nhất trong 6 năm qua.
Việc tính toán giảm giá cước taxi như thế nào sẽ tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, bởi mỗi đơn vị sẽ đặc thù riêng. Song chuyện giảm giá cước là không thể không làm.
Cũng theo ông Bình, cần nói thêm rằng, giá xăng về mức bằng với 6 năm trước, nhưng các chi phí khác lại tăng chứ không phải đứng yên. Từ tháng 1/2016, mức đóng bảo hiểm cho người lao động, cụ thể là tài xế, tăng theo quy định mới, kéo theo các tiêu chí hình thành giá thành gói cước taxi cũng tăng.
"Do vậy, việc giảm hay không và giảm bao nhiêu thì doanh nghiệp phải tính toán hợp lý theo thực tế, không thể cứ nói xăng giảm là cước phải giảm ngay được", ông Bình cho hay.
Anh Ngọc Dũng, tài xế của hãng Vinasun chia sẻ, năm 2015, hãng có 5 lần giảm giá cước. Với 2 đợt giảm giá xăng trong tháng 2, anh chưa biết công ty có giảm giá cước không, nhưng theo anh biết, mỗi xe cân chỉnh lại đồng hồ mất khoảng 400.000-500.000 đồng, và do công ty chi trả. Với 1 đơn vị có hơn 6.000 đầu xe như Vinasun thì số tiền này là không nhỏ.
Những tài xế như anh vẫn luôn mong giá cước giảm để khách hàng hưởng lợi, nhưng thực tế khi cước giảm, công ty hưởng lợi còn tài xế rất lại vất vả hơn. Theo giải thích của tài xế này, thường thì công ty sẽ khoán doanh thu cho tài xế.
Ví dụ mức khoán của anh mỗi ngày nộp về công ty tối thiểu 1,5 triệu đồng. Nếu giá cước mở cửa là 12.000 đồng anh sẽ phải chạy 12 cuốc xe để đảm bảo chi phí, thì nay nếu cước giảm về 11.000 đồng anh phải chạy thêm đến 15-16 cuốc mới đủ.
"Giá xăng tăng hay giảm, cước phí cao hay thấp thì mức khoán cho tài xế vẫn không thay đổi", anh Dũng cho biết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.