Phải trả lời nhiều câu hỏi
Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu đề xuất xây dựng 5-7 đập dâng trên sông Hồng nhằm nâng mực nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy, xử lý môi trường, tăng mực nước ngầm... nhưng không ảnh hưởng đến thoát lũ.
Nhiều năm qua, mực nước sông Hồng ngày càng suy kiệt |
Đánh giá về đề xuất này, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, trước khi làm đập dâng trên sông Hồng, Bộ NN&PTNT phải trả lời được hàng loạt các câu hỏi liên quan đến mục đích xây dựng, tác động đến hạ lưu và môi trường sinh thái... Cụ thể:
Thứ nhất, việc đề xuất xây đập dâng trên sông Hồng nhằm mục đích gì, phục vụ lợi ích của ai? Nếu nhằm phục vụ cho nông nghiệp thì ở đây sẽ chỉ có lợi cho các tỉnh vùng thượng du, còn vùng hạ du phải giải quyết quyền lợi cho người dân ra sao?
"Nên nhớ rằng dòng sông Hồng nằm trong hệ thống sông Hồng- sông Thái Bình, là cả nguồn nước sống cho Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Nếu làm các đập dâng như thế chủ yếu phục vụ cho thượng du, trong khi mực nước ở hạ du sẽ bị thay đổi. Người dân ở hạ du sẽ lấy nước ở đâu, đặc biệt vào mùa nước kiệt?
Kinh nghiệm khi Đồng Nai lấp sông là Sài Gòn bị ảnh hưởng. Cho nên việc làm đập dâng phải tính rằng ở hạ lưu cần bao nhiêu nước và phải bảo đảm nước cho người dân ở đó thì mới có thể xây dựng", ông Hồng chỉ rõ.
Thứ hai, sông Hồng là dòng sông cổ, độ dốc gần bằng 0. Con người nạo vét cát đã làm cho dòng sông bị thấp xuống. Các nhà khoa học từng chứng minh, những hạt cát, hạt lơ lửng đã bị hồ chứa Hòa Bình, Sơn La giữ mất, giờ lại thêm mấy đập dâng ở giữa sông, cát không xuống được nữa, dòng sông Hồng sẽ xuống thấp không phải 1m mà là 2m.
Như vậy, sự ổn định của bờ sông không còn, tất cả các trạm bơm dọc sông Hồng xuống tận Thái Bình, Nam Định coi như chết. Riêng Hà Nội không còn là Thủ đô nữa vì bờ sông Hồng sẽ bị ăn sâu vào và Hà Nội gần như kiệt quệ nguồn nước. Liệu Nhà nước có bỏ tiền của ra để khắc phục chỉ vì mấy cái đập dâng? Không lẽ khi hạn hán Nhà nước phải phá đập, mà như vậy có nghĩa là phá bao nhiêu ngàn tỷ/ Chưa kể công trình trên sông Hồng liệu có ổn định hay khôn? Đó là nền cát trên dòng sông cổ, ai dám khẳng định nếu khoan sâu xuống không phá vỡ nền sông?
Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đặt câu hỏi: Khi đề xuất làm các đập dâng liệu Bộ NN&PTNT đã tính được sự thay đổi mực nước chưa?
"Ngày xưa khi làm đập Hòa Bình, Liên Xô đã sợ rằng dòng sông Hồng sẽ không đủ độ dốc chảy ra biển vì chặn mức nước ở phía trên đập và khi ấy người ta tính là vẫn còn đủ. Nếu bây giờ làm đập dâng tức là biến sông Hồng thành dòng sông bị chết và nó sẽ phá xung quanh. Liệu Nhà nước có đủ tiền để tu sửa, bảo vệ các đê chỉ vì mấy đập dâng thay vì dùng giải pháp khác. Ví dụ, các trạm bơm có thể dùng các máy tiên tiến đưa sâu xuống dòng sông để lấy nước, không cần làm đập dâng.
Thời gian qua, ở miền Trung-Tây Nguyên, thủy điện ngăn dòng chảy khiến ở dưới lao đao vì hạn hạn, xâm nhập mặn. Giờ dòng sông Hồng xây đập ngăn dòng, liệu Thái Bình, Nam Định và các vùng biển sẽ thế nào? Bộ NN&PTNT không tính được dòng sông Hồng sẽ biến đổi như thế nào, mà Bộ Tài nguyên và Môi trường mới là người quản lý. Cho nên, khi Bộ NN&PTNT đề xuất xây đập dâng tức can thiệp vào dòng sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải trả lời có cho phép hay không", GS Hồng phân tích.
Vị chuyên gia về thủy lợi rất chia sẻ với những nghi ngại rằng nếu xây các đập dâng ở sông Hồng sẽ tạo ra các hồ chứa ở đoạn sông giữa hai đập, làm hỏng dòng chảy tự nhiên của con sông. Đặc biệt, những hồ chứa ấy sẽ chứa được bao nhiêu nước vào mùa cạn, liệu có đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu châu thổ sông Hồng? Chưa kể, các dòng sông khác như sông Thái Bình, sông Cầu, sông thương, sông Đáy... sẽ ra sao khi hệ thống chi lưu của chúng nối thông với nhau?
"Sông Hồng không chỉ có một dòng sông chính mà là hệ thống sông Hồng-sông Thái Bình. Khi Bộ GTVT định chuyển nước từ sông Hồng sang sông Đuống họ làm rất cẩn thận mà các cơ quan còn phản biện, ngay Bộ NN&PTNT cũng cho rằng không được làm nhiều quá, bây giờ tự nhiên Bộ NN&PTNT lại đề xuất làm hàng loạt đập dâng, nghĩa là sẽ làm thay đổi tất cả chi lưu nước. Liệu Bộ có tính được rằng lượng nước đến được các dòng sông nhánh của sông Hồng còn đủ hay không?
Việc làm đập dâng sẽ làm tất cả các nhánh sông khác đều bị ảnh hưởng, đặc biệt vào mùa kiệt nhất, như vụ đông xuân làm thế nào đủ nước cho nông dân ở vùng hạ lưu?
Do đó, chừng nào Bộ NN khẳng định được toàn bộ hệ thống sông sẽ không bị thay đổi thì khi ấy việc có xây đập dâng trên sông Hồng hay không mới quyết định được", ông Hồng nói thẳng.
Làm ngược
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, mục đích chính của đề xuất xây đập dâng trên sông Hồng có thể là để phục vụ cho nông nghiệp nhưng hiện naynông nghiệp ĐBSH đang theo hướng chuyển đổi vì lượng nước không đủ, phải chuyển sang cây trồng khác.
"Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhưng chủ trương của Nhà nước hiện nay là nông nghiệp phải phát triển bền vững, phải tái cấu trúc, không dùng nhiều nước quá trong nông nghiệp, phải chuyển sang các loại cây trồng khác. Suốt thời gian qua, miền Nam Trung Bộ bị hạn hán và đã có rất nhiều đề nghị chuyển đổi cây lúa sang cây trồng cạn, cây màu, trừ những ruộng lúa nước đặc biệt. Bây giờ muốn làm đập dâng trên sông Hồng, phải chăng Bộ NN&PTNT đang làm ngược?
Nếu như trong đập dâng định kết hợp thủy điện thì người dân Việt Nam đã khổ vì thủy điện lắm rồi. Khi thủy điện vận hành không phải nó phục vụ cho nông nghiệp mà là cho dân sinh. Vừa qua, miền Trung-Tây Nguyên bị hạn hán, xâm nhập mặn, người dân đã kêu rất nhiều về hệ thống thủy điện cản trở dòng chảy.
Khi làm đập dâng, nước mặn sẽ xâm nhập sâu, cho nên, phía thượng lưu được nước nhưng hạ lưu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Xu hướng hiện nay người ta không muốn làm hồ chứa nữa, đặc biệt là không làm đập dâng trên sông vì quy trình vận hành đập này ảnh hưởng rất nhiều đến đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn", GS Hồng phân tích.
Ông cho biết, từ xưa đến nay chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu làm đập dâng trên sông Hồng, bây giờ nếu xây dựng như vậy, vô tình hay hữu ý chúng ta ủng hộ việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng lưu trong lúc Việt Nam đang kêu gọi các nước ở trên thượng lưu dừng bớt việc xây đập.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.