Xây dựng lộ trình để thu hẹp khác biệt giữa Luật GTĐB và Công ước quốc tế

Giao thông 24h 04/03/2015 09:27

Trong 2 ngày (3 và 4/3), tại khách sạn Grand Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra Hội thảo quốc tế về “Công ước giao thông đường bộ và Công ước biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968″. Tham dự và chỉ đạo có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ; ông Fedor Kormilisyn và bà Thanattaporn Rasamit, Đại diện của Ủy ban Kinh tế xã hội Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc.


Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội Nghị

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội Nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, trong tiến trình phát trển và hội nhập thế giới, Việt Nam luôn ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Việt Nam đã xây dựng và nâng cấp các tuyến đường bộ nằm trong hệ thống đường bộ Châu Á, đường bộ ASEAN và tiểu vùng Mekong mở rộng. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua biên giới, thúc đẩy và thực hiện các hiệp định song phương và đa phương với các nước trong khu vực, như Hiệp định Vận tải đường bộ song phương với Trung Quốc, Lào, Campuchia, các hiệp định đa phương ASEAN để tạo thuận lợi cho hàng hóa, hiệp định IMMS. Vào năm 2014, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của 2 Công ước quốc tế : Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 và công ước Biển báo hiệu và tín hiệu đường bộ 1968.

“Hội thảo lần này sẽ tạo ra một cơ hội lớn để chúng ta hiểu rõ hơn 2 Công ước này thông qua các tham luận của các chuyên gia UNESCAP cũng như những chuyên gia trong nước và ngoài nước về mặt nội dung cũng như những điểm khác biệt giữa Luật Giao thông đường bộ Việt Nam với 2 công ước trên và tập trung vào khía cạnh ATGT đường bộ, và từ rút ra các kiến nghị và ý kiến về lộ trình xây dựng các văn bản pháp quy phạm pháp luật của Việt Nam”. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cám ơn UNESCAP về sự hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam.

Ông Fedor Kormilisyn – Chuyên gia của tổ chức UNESCAP cho biết ATGT đường bộ hiện nay đang là một trong những vấn để nhức nhối tại nhiều quốc gia đang phát triển, gây nhiều hậu quả lớn đối với người và tài sản và đặc biệt là đối với nền kinh tế nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia thuộc khu vực Châu Á, Thái Bình Dương. Hiện tại, Liên Hiệp quốc đã hoàn thành văn bản quốc tế liên quan đến việc nâng cao chất lượng cũng như ATGT đường bộ.

Ông Fedor Kormilisyn – Chuyên gia của tổ chức UNESCAP

Ông Fedor Kormilisyn – Chuyên gia của tổ chức UNESCAP

Ngoài ra, ông cũng cho biết mục tiêu của Chương trình hợp tác giữa Bộ GTVT và UNESCAP lần này là giảm số lượng người tử vong do TNGT đường bộ tại Việt Nam. Ông cũng đánh giá cao về sự chấp hành tuân thủ luật đội mũ bảo hiểm của người đi xe máy khi tham gia giao thông, với tỷ lê 90% số người chấp hành khi tham gia giao thông.

Theo Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch cho biết, Việt Nam hiện đang là 1 trong 32 quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Đường bộ Châu Á. Bên cạnh đó, với đa phần các tuyến đi ASEAN đều trùng với các tuyến đường bộ Châu Á và phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp 3. Ông Thạch cũng cho biết, hiện tại giữa Luật GTĐB 2008 và Công ước GTĐB 1968 còn tồn tại nhiều điểm khác nhau liên quan đến sử dụng các thiết bị khi tham gia giao thông, trang bị dây an toàn, lái xe tập trung chú ý vào những đối tượng đi bộ đặc biệt như người già, trẻ em.

Ông Thạch cũng kiến nghị về việc cần làm rõ những khác biệt giữa Luật GTĐB 2008 và Công ước giao thông đường bộ thành 2 loại: Những khác biệt cần phải thay đổi ngay vì có ảnh hưởng lớn đến ATGT và Những khác biệt có thể chờ tới khi sửa đổi Luật GTĐB. Đối với những văn bản thay đổi ngay cần phải xây dựng cụ thể lộ trình để sớm áp dụng vào thực hiện.

Lê Đức Anh

Ý kiến của bạn

Bình luận