Xây dựng phát triển đường cao tốc: Mô hình nhìn từ VEC

Tác giả: việt cường

saosaosaosaosao
Doanh nhân 30/04/2016 13:51

Không ít những khó khăn mà Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ “mở đường cao tốc”. Mỗi mét đường hoàn thành lại thêm một kinh nghiệm, mỗi con đường mới được mở lại thêm kỳ vọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Thế Cường đã có cuộc trao đổi với Tạp chí GTVT về chặng đường đã trải qua cũng như định hướng trong tương lai để nối dài thêm những con đường cao tốc.

PV: Đảm nhận vai trò đơn vị đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam, ngay từ những ngày đầu thành lập, VEC đã bắt tay thực hiện công việc còn rất mới mẻ như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Cường: 11 năm trước, ngày 6/10/2004, Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, tiền thân của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), được thành lập và đi vào hoạt động theo mô hình học tập mô hình của các Tổng công ty Đường cao tốc của Hàn Quốc và Nhật Bản (KEC và NEXCO) nhằm thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn vốn kém ưu đãi hơn vốn ODA để đầu tư xây dựng, khai thác và hoàn vốn các dự án đường cao tốc.

1
Ông Nguyễn Thế Cường Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam

Vốn điều lệ của VEC khi đó rất hạn chế, chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng; bộ máy nhân lực có 22 người với 4 phòng, ban nghiệp vụ, vừa phải khẩn trương xây dựng định hình tổ chức, vừa chuẩn bị triển khai đầu tư dự án đường cao tốc đầu tiên là dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình. Mặc dù hoạt động theo mô hình hoàn toàn mới mẻ, cả cơ chế chính sách lẫn tổ chức thực hiện đều phải vừa làm vừa xây dựng. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, bằng tinh thần trách nhiệm và cầu thị, VEC đã từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức, thu xếp và huy động được trên 125.000 tỷ đồng để đầu tư 5 dự án đường cao tốc trọng điểm với chiều dài chiếm 50% tổng chiều dài đường cao tốc quốc gia.

PV: Vậy theo ông, đâu là nhân tố quan trọng làm nên VEC ngày hôm nay, đặc biệt là vấn đề thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc trong điều kiện ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp?

Ông Nguyễn Thế Cường: Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, trong hơn 11 năm qua, VEC luôn nhận được sự ủng hộ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành liên quan khác. Định hướng mô hình phát triển đúng đắn và sự chỉ đạo kịp thời, trực tiếp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn có hiệu quả của Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan là đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công của VEC.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước cho hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng GTVT ngày càng hạn hẹp, đồng thời một thực tế là chỉ số tín nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, do đó, việc các doanh nghiệp tự đứng ra huy động nguồn vốn lớn từ các chính phủ, tổ chức tín dụng nước ngoài, phát hành trái phiếu công trình trong nước và quốc tế là rất khó khăn. Đối với VEC, từ khi thành lập đến nay, VEC đã được Chính phủ bảo lãnh cho phát hành trái phiếu công trình và nhận vay lại nguồn vốn vay ODA và vay thương mại từ Chính phủ - đây là sự bảo lãnh quan trọng để VEC có thể huy động vốn thành công cho đầu tư xây dựng 5 tuyến đường cao tốc từ các nguồn vốn ngoài ngân sách như hiện nay.

2
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương (nay là Bộ trưởng Bộ GTVT) Trương Quang Nghĩa thăm công trường thi công Gói 4 - hầm qua núi Eo cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Về phía VEC, Đảng ủy, HĐTV, ban lãnh đạo Tổng công ty là tập thể đoàn kết, thống nhất, luôn sát sao trong chỉ đạo điều hành; đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực và tâm huyết với sự phát triển của Tổng công ty; kết hợp thường xuyên kiện toàn bộ máy tổ chức cùng với nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, Tổng công ty đã từng bước phát triển theo hướng bền vững và phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý khai thác các tuyến đường cao tốc quốc gia.

PV: Chặng đường 11 năm "mở đường cao tốc", những khó khăn lớn nào mà VEC đã phải đối mặt và vượt qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Cường: Nhìn lại 11 năm qua, những khó khăn, thách thức đối với VEC là rất lớn. Do mô hình còn hoàn toàn mới mẻ, chưa có tiền lệ nên VEC luôn phải vừa làm vừa đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách để có đủ cơ sở pháp lý hoạt động. Từ đề xuất của VEC, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1202/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách áp dụng cho các dự án đầu tư, khai thác đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư. Việc Chính phủ hỗ trợ bằng các chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho VEC trong giai đoạn đầu hoạt động và đảm bảo tính chiến lược dài hạn trong việc thu phí và huy động các nguồn tài chính để đầu tư các tuyến đường cao tốc khác trên cả nước. Tuy nhiên, với việc ra đời của một số luật, nghị định trong thời gian gần đây như Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp… khiến VEC gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư thực hiện các dự án đường cao tốc tiếp theo. Để phù hợp với tình hình phát triển của VEC trong giai đoạn mới, cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong đầu tư xây dựng và quản lý khai thác đường cao tốc.

Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế chính sách, VEC còn đối mặt với khó khăn về vốn đầu tư do VEC được giao nhiệm vụ đầu tư 5 dự án đường cao tốc với tổng mức đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài. Mặc dù hiệu quả của các tuyến đường cao tốc mang lại cho xã hội là rất lớn nhưng hiệu quả tài chính mang lại cho doanh nghiệp lại không cao, khả năng hoàn vốn của các dự án đều thấp, thậm chí có dự án không có khả năng hoàn vốn như Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC. Theo đó, toàn bộ số vốn ODA tại các dự án đang thực hiện theo hình thức cho vay lại được chuyển sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án, số vốn ngân sách đã ứng được chuyển thành vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho dự án, đồng thời số vốn do phát hành trái phiếu cũng được Nhà nước tiếp nhận và chuyển thành vốn Nhà nước đầu tư cho dự án.

Theo Quyết định này, với tổng vốn đầu tư của VEC tại 5 dự án đường cao tốc là 125.572 tỷ đồng, tương đương khoảng 6 tỷ USD, thì nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp là 71.602 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 57%) và phần vốn VEC vay nhận nợ là 53.970 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 43%). Nếu so sánh với vốn chủ sở hữu của VEC là 1.000 tỷ đồng, thì tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là khoảng 54 lần - điều này khiến VEC gặp vướng mắc về cơ chế vay lại, không được bảo lãnh phát hành trái phiếu, việc huy động nguồn vốn cho các dự án là rất khó khăn. Việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc tăng vốn điều lệ cho VEC từ 1.000 tỷ lên 72.602 tỷ đồng vào ngày 30/12/2015 là một quyết định mang tính lịch sử đối với tình hình tài chính của VEC, giúp VEC có nguồn lực để tiếp tục huy động vốn đầu tư các tuyến đường cao tốc mới trong tương lai.

PV: Thưa ông, để tiếp tục phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu, doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư, khai thác vận hành các tuyến đường bộ cao tốc, năm 2016 và giai đoạn tiếp theo, VEC sẽ tập trung vào những nhiệm vụ mang tính chiến lược nào?

Ông Nguyễn Thế Cường: Mục tiêu chiến lược của VEC là trở thành đơn vị nòng cốt trong đầu tư phát triển, vận hành khai thác với 1.000km đường cao tốc đến năm 2020 và hơn 2.000km đường cao tốc đến năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu này, VEC sẽ tập trung thực hiện những giải pháp chiến lược chủ yếu về cơ chế chính sách, về đầu tư, huy động vốn cũng như quản lý khai thác đối với các dự án đã đưa vào vận hành. Về cơ chế chính sách, VEC sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hoạt động cho VEC, cụ thể như: Xây dựng Nghị định về cơ chế, chính sách trong đầu tư và quản lý khai thác các tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư và quản lý. Về đầu tư, VEC sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường cao tốc thuộc trục Bắc - Nam, kết nối giữa các thành phố lớn và kết nối với các dự án đường cao tốc do VEC đang thực hiện đầu tư và khai thác. Đối với công tác huy động vốn, tập trung huy động các nguồn vốn vay dài hạn (các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế song phương và đa phương như JICA, WB, ADB) và kết hợp với các nguồn vốn vay trong nước như vay ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu, các quỹ của Nhà nước. Về quản lý khai thác, VEC sẽ áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình quản lý, vận hành, khai thác, đồng thời hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý, vận hành, khai thác các tuyến đường cao tốc để nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả o

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn

Bình luận