Sân bay Nội Bài. Ảnh minh họa: Xuân Hoa. |
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh hôm 8/1 đã ký văn bản gửi báo chí để xin lỗi vì Văn phòng Bộ này "dùng xe công vào đón người nhà Bộ trưởng" không đúng quy định.
Giải thích về chế độ đưa đón lãnh đạo tại các sân bay, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc cảng vụ hàng không miền Bắc cho hay, để tạo điều kiện công tác cho các bộ, ngành và địa phương, nhiều tổ chức, cá nhân và phương tiện phục vụ đã được cơ quan cảng vụ cấp thẻ ra vào sân bay.
"Khi có thẻ này thì cá nhân, phương tiện được ra vào khu vực hạn chế ở sân bay theo quy định, không phải di chuyển trong nhà ga như các hành khách thông thường khác. Thời gian qua, đơn vị đã cấp thẻ cho nhiều bộ ngành chứ không riêng Bộ Công Thương ", ông Phương nói.
Cụ thể theo ông Phương, thông tư 01/2016 của Bộ Giao thông Vận tải đã quy định cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước; người của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam..., thuộc diện có thể được cấp thẻ ngắn hạn hoặc dài hạn vào khu vực hạn chế sân bay.
Cùng với đó, phương tiện trong diện xem xét cấp thẻ phải là xe công thuộc quản lý của cơ quan Đảng, Nhà nước và phục vụ các lãnh đạo ở Trung ương, địa phương, trong đó có cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh... trở lên.
Quy định này không nêu người nhà của các chức danh đó thuộc diện được cấp thẻ hoặc được sử dụng thẻ để ra vào khu vực hạn chế sân bay.
Về quy trình cấp thẻ, đơn vị chủ quản người và phương tiện gửi hồ sơ đến Cảng vụ hàng không, xét duyệt trong 7 ngày với thẻ dài hạn; còn giấy phép ngắn hạn thì cơ quan quản lý thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép sau 60 phút nếu hồ sơ hợp lệ.
"Khi người, phương tiện có thẻ hoặc giấy phép cần vào khu vực hạn chế sân bay thì phải báo cho lực lượng an ninh để kiểm soát tại cổng ra vào. Xe vào sân bay sẽ có phương tiện của cảng hàng không dẫn đường để đi theo đúng luồng tuyến đến vị trí máy bay đậu", ông Phương nói.
Theo ông, hiện chưa có quy định lực lượng an ninh phải "nhận biết người được đón là ai?".
"Lực lượng an ninh thường chỉ kiểm tra người và phương tiện ra vào sân bay có mang theo vật phẩm nguy hiểm hay không, giám sát để đảm bảo đón đúng số hiệu chuyến bay. Còn trách nhiệm sử dụng phương tiện vào khu vực hạn chế và đón đúng người thuộc về cơ quan xin cấp phép", ông nói.
Theo một số chuyên gia hàng không, quan chức được ưu tiên ở sân bay là do tính gấp gáp của việc công, song quy định này có kẽ hở dẫn đến tình trạng đưa đón không đúng quy định. Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải nên nghiên cứu siết chặt theo hướng thu hẹp diện được đưa đón tại khu vực hạn chế sân bay, chỉ áp dụng chế độ này cho một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Ông Lê Thanh Vân - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, cơ quan nhà nước "dùng xe công đón người trong gia đình lãnh đạo ở sân bay" là thực hiện không đúng quy định pháp luật về sử dụng tài sản công và thực thi công vụ, nhất là trong bối cảnh Trung ương vừa ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Vị đại biểu cũng đề nghị hạn chế hoặc bãi bỏ chế độ ưu tiên đối với lãnh đạo cấp bộ trưởng, chủ tịch tỉnh... trong việc đưa đón tại sân bay, đi vé hạng thương gia.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các chế độ đưa đón, phương tiện phục vụ quan chức nên được khoán vào lương thay vì phân bổ trực tiếp như lâu nay.
Bà nhấn mạnh, đây là cách thức nhiều nước đã áp dụng và qua đó tiết kiệm đáng kể cho ngân sách cũng như tạo sự minh bạch trong sử dụng tài sản công.
"Trước đây, có lần tôi được đi trong đoàn của một lãnh đạo Chính phủ sang thăm Nhật Bản mới biết Bộ Ngoại giao nước bạn không có xe biên chế đón lãnh đạo mà thuê xe để phục vụ từng sự kiện", bà Lan nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.