Xe Buýt Hà Nội những tín hiệu vui trước thềm mùa xuân

Doanh nhân 22/02/2015 10:59

Năm cũ Giáp Ngọ đi qua với những kết quả tích cực, chuẩn bị vào năm mới với những khó khăn và thách thức không nhỏ nhưng xe buýt Hà Nội vẫn có niềm tin vững vàng vào một bước trưởng thành mới với những tín hiệu vui trước ngưỡng cửa năm mới Ất Mùi.


kkk

Năm 2014, xe buýt tiếp tục phát huy tốt vai trò quan trọng của mình trong mạng lưới giao thông của Thủ đô Hà Nội. Thông qua nhiều giải pháp như tăng cường chất lượng phục vụ, đổi mới phương tiện, phát triển mạng lưới, tăng cường quản lý và ứng dụng công nghệ; xe buýt tiếp tục thu hút người sử dụng dịch vụ, góp phần giảm sử dụng phương tiện cá nhân, giảm UTGT và TNGT.

Bước sang năm 2015, giao thông Hà Nội vẫn phải đối mặt với những thách thức, khó khăn về áp lực giao thông và yêu cầu ngày càng cao về đảm bảo trật tự ATGT. Tính đến thời điểm hiện nay, lượng phương tiện giao thông đăng ký lên tới gần 4,2 triệu xe máy; 400.000 xe ô tô con; khoảng 17.400 xe taxi; trên 1 triệu xe đạp; gần 1500 xe buýt, hàng nghìn xe tải các loại và hàng chục nghìn phương tiện giao thông vãng lai thường xuyên ra vào thành phố mỗi ngày. Cơ cấu phương tiện tham gia giao thông đa dạng, dòng phương tiện lưu thông hỗn độn, không tách làn, trong đó xe máy là phương tiện giao thông phổ biến chiếm trên 70% số chuyến đi hàng ngày, đi lại bằng xe buýt vẫn còn hạn chế (khoảng 15%), đi lại bằng xe ô tô con chiếm khoảng 8%. Tình hình kinh tế Thành phố năm 2015 được dự báo là tiếp tục khó khăn, nguồn ngân sách giành cho trợ giá xe buýt năm 2015 vẫn tiếp tục hạn chế, đòi hỏi xe buýt cần nỗ lực hơn nữa để vừa tăng cường chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đi lại của nhân dân.

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn thách thức đang hiện hữu, xe buýt cũng tiếp nhận nhiều tin vui để tự tin bước vào năm mới 2015; đó chính là những kết quả nổi bật xe buýt Hà Nội đã gặt hái được trong năm 2014.

Trước hết, mạng lưới tuyến đã được bổ sung thêm tuyến các tuyến mới đưa tổng số tuyến trên mạng lưới lên 91 tuyến (gồm 72 tuyến trợ giá, 11 tuyến không trợ giá và 8 tuyến kế cận). Trong năm mạng lưới tiếp tục được hợp lý hóa, điều chỉnh và mở rộng với số lần điều chỉnh trong năm là 89 lần đối với 58 tuyến, tiếp tục vươn tới các khu dân cư, khu đô thị của các quận huyện ngoại thành như Sơn Tây, Láng Hòa Lạc, Đông Anh, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm… Hiện nay, mạng lưới đã bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã của Thành phố và kết nối tới các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.

Đoàn phương tiện tiếp tục được đổi mới và tăng cường chất lượng. Năm 2014 đã có gần 10% số đầu phương tiện được đổi mới, 100% số phương tiện đã được lắp thiết bị giám sát hành trình, đa số phương tiện đã được lắp thông tin tuyến bằng đèn LED và có thông tin báo điểm dừng bằng âm thanh hỗ trợ hành khách. Trong số các tuyến buýt mới được đưa vào vận đã có một tuyến buýt (tuyến số 64: Khu CN Bắc Thăng Long – Phố Nỉ) với đoàn phương tiện được lắp thiết bị hỗ trợ người khuyết tật và camera giám sát trên xe.
Năm 2014 tiếp tục là một năm sôi động với các dự án xây dựng trọng điểm nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thành phố, Thành phố tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông đô thị gồm các dự án trên đường Vành đai 1; đường Vành đai 2; đường 5 kéo dài và các tuyến đường sắt đô thị. Đồng thời, Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự ATGT. Đây là khâu quan trọng tạo điều kiện cho xe buýt tiếp tục cải thiện chất lượng phục vụ. Song hành với cải thiện hạ tầng giao thông chung, ngoài việc bổ sung gần 300 điểm dừng, nhà chờ trên mạng lưới, hạ tầng kỹ thuật cho xe buýt tiếp tục được đầu tư phát triển với những mô hình tiên tiến. Đầu tháng 1/2014 một hành lang dành riêng cho xe buýt trên trục Long Biên – Yên Phụ đã được đưa vào khai thác trong khuôn khổ Dự án tài trợ của vùng Ile de France, Paris. Đây là một mô hình hạ tầng tiên tiến với làn đường dành riêng cho xe buýt tách khỏi làn giao thông chung, điểm đầu tiếp giáp với Điểm trung chuyển Long Biên, điểm cuối kết thúc tại nút giao với đường Thanh niên có kết hợp với các điểm dừng xe buýt có nhà chờ, có hệ thống chiếu sáng, thoát nước, tổ chức giao thông và các công trình phụ trợ khác đảm bảo cho xe buýt hoạt động thuận lợi giảm xung đột với dòng giao thông chung và tạo điều kiện cho hành khách tiếp cận xe buýt an toàn. Cũng trong năm 2014, trong khuôn khổ dự án tài trợ của Vùng Ile de Frace, Paris; tại trục đường Hoàng Quốc Việt một điểm trung chuyển mới cũng đã được đưa vào khai thác. Hạng mục quan trọng này sẽ góp phần cải thiện môi trường giao thông chung và chất lượng phục vụ của xe buýt tại tuyến quan trọng cửa ngõ Thủ đô.

Năm 2014, cũng được ghi dấu ấn bằng một loạt các dự án ứng dụng công nghệ. Đó là dự án thí điểm thẻ vé thông minh (Smart Card) trên tuyến buýt số 06, dự án đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát điều hành xe buýt tập trung tại Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị và dự án đầu tư lắp đặt hệ thống chốt điện tử (Sử dụng thẻ RFID). Dự án thẻ vé thí điểm trên tuyến 06 với sự hỗ trợ của JICA Nhật Bản đã trang bị phần mềm và thiết bị phát hành, kiểm soát trên xe, đã phát hành trên 2000 thẻ vé tháng và đang chuẩn bị phương án nhân rộng ra các tuyến còn lại trong năm 2015. Trung tâm giám sát điều hành xe buýt tại Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị được thiết lập và vận hành từ đầu năm 2015 đã phát huy tác dụng trong việc điều hành giám sát mạng lưới, xử lý vi phạm và nghiệm thu sản phẩm. Riêng với việc quản lý vận tải 91 tuyến xe buýt nội đô, Trung tâm Quản lý và Điều hành GTĐT đã gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức giám sát bằng các chốt kiểm soát thủ công chủ yếu là thiếu nhân lực để rải ra các điểm chốt cần thiết. Hiện nay, với 19 điểm chốt, số lượng nhân viên tại các điểm chốt phải sử dụng tới trên 100 người. Do vậy, dự án thiết lập hệ thống chốt điện tử ứng dụng công nghệ tiên tiến đã được triển khai trong năm 2014 để sẵn sàng đưa vào thử nghiệm từ 2015. Rõ ràng các dự án ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang và góp phần tích cực vào việc tăng cường quản lý và cải thiện chất lượng dịch vụ xe buýt Thành phố.

Tổng hợp của nhiều giải pháp tích cực đã mang lại kết quả ấn tượng của xe buýt trong năm 2014. Về sản lượng, xe buýt đã vận chuyển được trên 489 triệu lượt hành khách, tăng gần 7%,  doanh thu tăng gần 20% và trợ giá/hành khách giảm 4% so với 2013. Việc đảm bảo chất lượng phục vụ, đảm bảo các tiêu chí vận hành về chuyến lượt, biểu đồ, dừng đỗ đã có những chuyển biến vượt bậc… Những nét văn hóa trong giao tiếp, hướng dẫn bảo vệ hành khách, nhường ghế cho người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật đã trở nên phổ biến. Đây là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cơ quan quản lý, của các doanh nghiệp và trên 4000 lao động là nhân viên lái xe, nhân viên phục vụ hàng ngày trên mạng lưới xe buýt Hà Nội. Trong mắt người dân, xe buýt đã trở nên sạch hơn, đẹp hơn, văn minh hơn và thân thiện hơn.

Kết thúc năm 2014, xe buýt Hà Nội chuẩn bị chặng đường mới với nhiệm vụ tiếp tục cải thiện và mở rộng mạng lưới, đầu tư phát triển hạ tầng, đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh quản lý, kiểm tra giám sát để cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, Thành phố đang chuẩn bị cho một bước chuyển đổi mới về mạng lưới và tổ chức cho việc ra đời của các loại hình mới là BRT và đường sắt đô thị trong các năm sắp tới để hình thành một hệ thống vận tải công cộng đa phương thức.
Bước vào năm 2015, những khó khăn thử thách vẫn còn không ít, đồng thời áp lực từ việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về năng lực và chất lượng dịch vụ của nhân dân Thủ đô, đòi hỏi xe buýt phải có những bước chuyển mình vượt bậc. Những tín hiệu vui từ những kết quả của năm 2014 sẽ là những động lực không nhỏ để xe buýt gặt hái những thành công mới trong năm nay góp phần tích cực hơn nữa vào việc giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, giảm un tắc giao thông, TNGT và ô nhiễm môi trường.

Ths. Nguyễn Hoàng Hải
Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô th

Ý kiến của bạn

Bình luận