Cổ phần hóa doanh nghiệp sản xuất xe đạp nội nổi tiếng tại Việt Nam. Ảnh:Báo Đầu Tư |
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH Thống Nhất. Có 10 nhà đầu tư đã mua hết hơn 3 triệu cổ phần chào bán, trong đó một nhà đầu tư cá nhân mua hơn 90% lượng cổ phần nói trên. Giá đấu thành công 10.386 đồng một cổ phần là một mức khá thấp. Với tổng số 23,7 triệu cổ phiếu, xe đạp Thống Nhất chỉ có giá trị khoảng 246 tỷ đồng, tương đương 11 triệu USD.
Mức đấu giá thành công cũng là cơ sở để thương lượng giá với nhà đầu tư chiến lược. Theo Quyết định phê duyệt Phương án cổ phần hóa, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận Công ty TNHH Đại Hoàng Long là nhà đầu tư chiến lược, được mua 9,9 triệu cổ phiếu, tương đương 41,69% vốn cổ phần tại Xe đạp Thống Nhất.
Theo phương án cổ phần hóa, Xe đạp Thống Nhất có vốn điều lệ 237 tỷ đồng, tương đương 23,7 triệu cổ phần. Nhà nước tiếp tục nắm giữ 45% vốn (10,7 triệu cổ phiếu); cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, nhân viên là 120.000 (0,5%), đấu giá công khai hơn 3 triệu cổ phiếu (12,81%) và bán cho cổ đông chiến lược 9,9 triệu cổ phiếu (41,69%).
Mặc dù sau cổ phần hóa, Thống Nhất vẫn tiếp tục sản xuất xe đạp, phụ tùng, sản phẩm kim khí và bàn ghế, nội thất, nhưng đáng chú ý nhất là doanh nghiệp này sẽ thực hiện các dự án nhà ở, trung tâm thương mại trên các khu đất của công ty.
Thống Nhất hiện đang quản lý 6 khu đất dưới hình thức thuê đất, với diện tích lên tới 30.000 m2 tại Hà Nội. Trong đó, có khá nhiều khu đất vàng, như 800 m2 đang làm trụ sở tại số 10B Phố Tràng Thi, 330 m2 tại số 10 Tràng Thi đang thực hiện dự án Tòa nhà văn phòng, dịch vụ thương mại, 10.000 m2 ở huyện Từ Liêm làm nhà máy sản xuất và đặc biệt là gần 18.000 m2 tại số 82 Nguyễn Tuân thực hiện dự án xây dựng tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ (liên doanh với Công ty TNHH phát triển Bắc Việt).
Tiền thân là nhà máy xe đạp Thống Nhất, được thành lập từ năm 1960 của thế kỷ trước, trải qua 55 năm hoạt động, thương hiệu xe đạp Thống Nhất đã trở nên gắn bó thân thuộc với đại đa số người dân Việt Nam, đúng như slogan ‘Nghĩ đến xe đạp, nghĩ về Thống Nhất’.
Xe đạp là phương tiện gợi nhắc người Việt ký ức về những năm chiến tranh ác liệt và gắn với một thời bao cấp khó khăn. Xe đạp lúc bấy giờ là không chỉ là phương tiện mà là tài sản có giá trị, niềm mơ ước của nhiều gia đình, xe đạp được quy ngang hàng với vàng và đất.
Tuy nhiên, khi đời sống kinh tế phát triển hơn, xe đạp dần bị thay thế bởi xe máy, ôtô... thì việc duy trì và phát triển thương hiệu xe đạp Thống Nhất trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Tuy sản lượng sản xuất xe đạp và doanh thu công ty vẫn tăng đều qua các năm, như năm 2012 là 95.000 xe và doanh thu 136 tỷ đồng, năm 2015 là 120.000 xe và doanh thu đạt 250 tỷ đồng, nhưng chi phí cao khiến lợi nhuận ròng còn lại rất thấp. Như năm 2012 chỉ đạt 1,2 tỷ đồng, năm 2015 tăng lên 3,5 tỷ đồng. Điều này khiến tỷ suất lợi nhuận trên phần vốn Nhà nước tại Thống Nhất luôn dưới 3% trong vài năm trở lại đây.
Lợi nhuận thấp được lý giải do tiền thuê đất hàng năm tăng cao, giá cả vật tư, nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng, không ổn định, chi phí lương tăng, kéo theo chi phí sản xuất tăng.
Ngoài ra, Thống Nhất cho rằng, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng khiến cho thị phần của công ty ngày càng giảm sút. Thậm chí, một sản phẩm xe trong nước để tên tiếng Việt ít khi được người mua quan tâm, nhà sản xuất buộc phải đặt tên nước ngoài.
Cùng với đó, hiện tượng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường không được kiểm soát cũng là một thách thức trong việc giữ uy tín sản phẩm.
Tuy nhiên, với định hướng mới sau cổ phần hóa, lợi thế quỹ đất lớn, có nhiều vị trí đắc địa được ví như ‘đất vàng’, Thống Nhất được kỳ vọng lấy lại vị thế, đưa sản phẩm trở về thời kỳ vàng son.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.