"Xe dù Limousine" tung hoành tại Hà Nội- Bài 3: Buông lỏng kiểm tra, xử lý

Tác giả: Nhóm PV Điều tra

saosaosaosaosao
Vận tải 19/10/2022 08:04

Việc hàng loạt doanh nghiệp, nhà xe Limousine công khai vi phạm, hoạt động vận chuyển khách trá hình xe hợp đồng trên địa bàn Hà Nội như Tạp chí GTVT đã đề cập ở những bài trước khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng lượng chức năng Thủ đô đang buông lỏng quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm?

Bài cuối: Do buông lỏng kiểm tra, xử lý xe Limousine trá hình xe hợp đồng - Ảnh 1.

Xe Limousine "Phiệt Học" thường xuyên đón khách tại "bến cóc" khu vực Công viên Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Vi phạm tràn lan, không ai xử lý

Trong nhiều ngày khảo sát và thực tế hoạt động vận chuyển khách của xe Limousine, DCar được cấp phù hiệu "xe hợp đồng", PV Tạp chí GTVT nhận thấy phổ biến tình trạng phương tiện hoạt động như xe vận tải khách tuyến cố định, đơn vị vận tải vi phạm quy định hiện nay về vận tải bằng xe hợp đồng song không bị lực lượng chức năng xử lý.

Có thể dẫn chứng, tại khu vực Công viên Cầu Giấy, Bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa, khu đô thị Royal City, khu đô thị Văn Quán (Hà Nội) hàng ngày xuất hiện các xe Limousine, DCar mang phù hiệu "xe hợp đồng" của nhà xe chạy tuyến Thái Bình, Ninh Bình mang thương hiệu X.VN, Phiệt Học, Quang Trung, Bình An, Xe Thời Đại… đón, trả khách, biến các đường phố, ven công viên, hình thành các "bến cóc" của xe Limousine. Hoạt động này diễn ra hàng ngày song không thấy sự xuất hiện kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.

Cùng với sự "tùy thích" hoạt động của phương tiện trên các đường phố, văn phòng đại diện của các đơn vị vận tải công khai trở thành "bến cóc" đón, trả khách của xe Limousine chạy dọc tuyến và xe trung chuyển khách (loại 7 chỗ trở xuống). Sự thờ ơ, buông lỏng kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi lập "bến cóc" ngay tại văn phòng đại diện diễn ra cả ở Hà Nội và các địa phương nơi đơn vị vận tải mở tuyến.

Đơn cử, trên tuyến vận chuyển Hà Nội – Hà Nam của Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Thời Đại, văn phòng đại diện của Chi nhánh công ty này tại Hà Nam được đặt tại số 36 phố Trần Phú, TP.Phủ Lý, Hà Nam. Khi đi theo xe này để đến đường Đinh Tiên Hoàng (TP.Phủ Lý) theo đặt chỗ với nhà xe qua điện thoại, PV được nhà xe trả tại số 36 Trần Phú. 

Tại đây, xe trung chuyển BKS 30F-774.55 đưa PV cùng một số khách (xuống từ xe Limousine) khác đến các địa điểm trong thành phố. Đáng lưu ý, xe trung chuyển mang biển số màu trắng (xe không kinh doanh vận tải), không có phù hiệu vận tải, không niêm yết thông tin, số điện thoại của đơn vị vận tải theo quy định hiện hành.

Trước vi phạm này, PV Tạp chí GTVT liên hệ, đặt lịch là việc với Giám đốc Sở GTVT Hà Nam Đặng Trọng Thắng thì được hướng dẫn làm việc với Văn phòng Sở, thế nhưng một Phó chánh văn phòng của Sở này sau khi nhận chỉ đạo của Chánh Văn phòng hẹn PV chờ để báo cáo lãnh đạo Sở GTVT. Nhiều ngày sau, PV liên lạc với Giám đốc Sở GTVT và vị Phó văn phòng trên nhưng vẫn không nhận được thông tin.

Trong khi đó, theo một cán bộ quản lý về an toàn giao thông tại địa phương, hoạt động vận tải của xe Limousine tại địa phương đang vi phạm các quy định liên quan về vận tải xe hợp đồng, gây mất công bằng vận tải và mất trật tự ATGT.

Điều này phần nào cho thấy sự thờ ơ với công luận, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương đối với hoạt động vận tải của xe Limousine trá hình hợp đồng tại tỉnh Hà Nam.

Bài cuối: Do buông lỏng kiểm tra, xử lý xe Limousine trá hình xe hợp đồng - Ảnh 2.

Không xử lý vi phạm xe Limousine đăng ký xe hợp đồng để trá hình vận tải theo tuyến cố định dẫn đến "xe dù" Limousine xuất hiện khắp nơi tại Hà Nội

Đầy đủ hành lang pháp lý, chỉ thiếu sự giám sát, xử lý vi phạm

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, sự phổ biến của xe Limousine hoạt động vận tải tuyến cố định trá hình bằng "xe hợp đồng" là một trong những nguyên nhân khiến xe khách hoạt động tuyến cố định bỏ bến ra ngoài, chạy vòng vo để đón khách, gom khách, gây mất trật tự vận tải và trật tự ATGT. Lượng khách đi xe từ bến xe giảm dần, có bến giảm 20-50% so với những năm trước, khiến cả doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định và bến xe gặp khó khăn.

Nhìn lại quá trình hình thành cho thấy, loại hình vận tải bằng xe hợp đồng xuất hiện từ khoảng năm 2015-2016 và phương thức vận tải mới mẻ này đặt ra yêu cầu về bổ sung quy định về quản lý vận tải khách bằng xe hợp đồng, xe trung chuyển khách nhằm phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng nhu cầu thực tế và bảo đảm công bằng, trật tự vận tải và ATGT.

Và tại Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 47/2022) bổ sung một số quy định cụ thể, rõ ràng đối với hình thức vận tải khách theo hợp đồng. Đây là hành lang pháp lý để quản lý hoạt động vận tải bằng xe hợp đồng, trong đó có xe Limousine và là căn cứ để kiểm tra, xử lý đơn vị vận tải vi phạm.

Về số lượng phương tiện, theo Bộ GTVT, từ cơ sở dữ liệu kiểm định cho thấy, tính đến ngày 12/8/2022, toàn quốc có 106.511 xe ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên đăng ký kinh doanh vận tải. Trong số đó, trên cả nước xuất hiện loại xe trên 10 chỗ ngồi (kể cả người lái) có nguồn gốc từ xe trên 16 chỗ, được cải tạo giảm bớt số chỗ nhằm lắp đặt ghế ngồi rộng hơn, khoang hành khách rộng hơn, song kích thước tổng thể (chiếm đường) không thay đổi.

Một số quy định tại Nghị định số 10/2020 (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô) đối với đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe:

- Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết;

- Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau;

- Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh;

- Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị.

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác quản lý nhà nước là sau khi cấp phép hoạt động vận tải khách bằng ô tô theo hình thức "xe hợp đồng" nhưng không tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm; trong đó có việc khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe hợp đồng để phát hiện và xử lý vi phạm của xe hợp đồng hoạt động như xe vận tải tuyến cố định. Cấp phép văn phòng đại diện của đơn vị vận tải nhưng không có sự kiểm tra, giám sát xem văn phòng hoạt động có đúng chức năng hay không.

"Sự phát triển mạnh mẽ của xe Limousine khiến xe đăng ký phù hiệu vận chuyển hợp đồng phát triển mạnh mẽ, hiện xe đăng ký phù hiệu xe hợp đồng cao hơn 9 lần so với vận tải khách cố định. Trong đó, loại phổ biến và không kiểm soát được việc hoạt động theo hình thức vận tải hợp đồng là xe Limousine được cải tạo từ loại 16 chỗ xuống còn 10-12 chỗ. Thực chất hoạt động của hầu hết xe này là vận tải theo tuyến cố định, kết nối với hành khách qua mạng, phương thức điện tử", đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nêu ý kiến.

"Trước thực tế trên, doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định có xu hướng bỏ bến xe ra thành lập văn phòng đại diện để hoạt động, dẫn đến "xe dù, bến cóc" tăng cao. Cơ quan quản lý không ngăn chặn được vi phạm, thậm chí còn có tình trạng bảo kê cho "xe dù, bến cóc" hoạt động như một số cơ quan báo chí đã nêu", vị đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nói thêm.

Bài cuối: Do buông lỏng kiểm tra, xử lý xe Limousine trá hình xe hợp đồng - Ảnh 4.

Buông lỏng quản lý, xử lý vi phạm của hoạt động xe hợp đồng Limousine còn vô tình thúc đẩy các đơn vị vận tải khách cố định bỏ tuyến để mở văn phòng, chi nhánh đại diện để "chạy dù" theo hình thức mới, gây mất trật tự vận tải và ATGT

Thí điểm giải pháp quản lý, tổ chức hoạt động

Nêu nguyên nhân phổ biến tình trạng xe Limousine trá hình xe hợp đồng để vận tải tuyến cố định, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN cũng cho rằng, lý do chính là việc thực thi của lực lượng có chức năng trực tiếp kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. 

Bởi, điều kiện và phương thức hoạt động của xe hợp đồng, xe trung chuyển đã được quy định đầy đủ tại Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Nghị định số 47/2022 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2020).

Nhằm giải quyết vấn đề trên, theo Chủ tịch Hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, nên triển khai một số giải pháp để giải quyết tình trạng xe Limousine trá hình xe hợp đồng để vừa đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội, đảm bảo công bằng vận tải và trật tự ATGT.

Đó là, quy định trách nhiệm của chính quyền cấp phường, xã khi để xảy ra tình trạng "bến cóc, xe dù" và đón, trả khách trái phép tại văn phòng đại diện của đơn vị vận tải khách trên địa bàn.

Nghiên cứu giải pháp tổ chức quản lý đối với xe hợp đồng Limousine và loại 16 chỗ đưa, đón khách từ nhà, điểm đón cố định theo hướng thí điểm phạm vi hoạt động; điểm đầu xuất phát tại bến xe; đăng ký hành trình hợp lý và số điểm tối đa được đón khách; phương thức xác định tính thuế, hóa đơn...

"Cơ quan quản lý cần sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera gắn trên xe khách để quản lý chặt chẽ hình thức kinh doanh vận tải này, xử lý các vi phạm theo quy định. Xử lý thu hồi phù hiệu xe hợp đồng đối với đơn vị vận tải không gửi hợp đồng vận chuyển và danh sách hành khách về Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng", Hiệp hội Vận tải ô tô đề xuất.

(Còn nữa)