Xe đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh: Lợi bất cập hại

Ý kiến phản biện 29/07/2015 12:12

Trên địa bàn Thủ đô có hàng trăm chiếc xe đưa đón cán bộ, CNV đi làm, chủ yếu vào giờ cao điểm và việc dừng đỗ gây cản trở giao thông

tapchigtvt-đua-don
Ảnh minh họa.

Một hình ảnh không khó bắt gặp tại nhiều cổng trường quốc tế trên địa bàn Thành phố Hà Nội là vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều là thường có cả chục chiếc xe chở học sinh dừng, đỗ chiếm hết cả đoạn đường dài gây khó khăn cho giao thông. Tại một số điểm nút giao thông trên địa bàn nội đô, phần đường ưu tiên rẽ phải đôi khi biến thành điểm dừng đỗ đón trả học sinh của một số trường học. Tại những điểm dừng đỗ này, từ trước đó rất lâu, gần chục phụ huynh học sinh đã dựng xe máy trên vỉa hè, đứng ra sát lề đường trông ngóng. Khi chiếc xe chở học sinh dừng lại, các phụ huynh xúm xít ở cửa xe chờ đón con em mình. Khi học sinh đã xuống hết, xe ô tô dời đi cũng là lúc hàng loạt xe máy đang đỗ trên vỉa hè của phụ huynh túa ra đường theo các hướng khác nhau, tạo ra sự xung đột giao thông tức thì.

Việc “biến” phần đường ưu tiên rẽ phải thành điểm dừng đỗ chỉ là một trong nhiều cách để các tài xế xe chở học sinh phải sử dụng để có thể đón và trả hành khách. Những điểm dừng, đỗ này vì thế trở nên lộn xộn và mất An toàn giao thông.

Bên cạnh hoạt động của các xe đưa đón học sinh tới trường, trên địa bàn Thủ đô còn có sự tham gia lưu thông của hàng trăm chiếc xe đưa đón cán bộ, công nhân viên đi làm. Những chiếc xe cũng hoạt động chủ yếu vào giờ cao điểm và việc dừng đỗ gây cản trở khá lớn tới dòng phương tiện trên đường.

Anh Nguyễn Hữu Hưng, lái xe hãng taxi Mai Linh phản ánh về những phiền toái khi gặp xe đưa đón học sinh hoặc cán bộ, công nhân viên dừng đỗ: “Hàng ngày tôi di chuyển trên đường, tôi thấy nhiều xe chở học sinh dừng đỗ tràn lan trên đường gây ảnh hưởng lớn tới các phương tiện khác. Các tuyến đường như Đại Cồ Việt, Nguyễn Chí Thanh và các trục đường lớn, việc dừng đỗ càng gây ảnh hưởng lớn. Nhiều xe hiện nay dừng đỗ ngay tại các điểm quay đầu xe hoặc ngã ba, ngã tư nên dễ xảy ra ùn tắc giao thông”.

Không chỉ ảnh hưởng tới giao thông của các tuyến đường nội đô nhỏ hẹp mà ở tại các tuyến đường vành đai như Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, việc các xe đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên tuy được phép dừng đỗ nhưng không có điểm cố định cũng khiến giao thông ở các tuyến đường này gặp nhiều khó khăn. Cá biệt có những trường hợp xe khách “núp bóng” các loại xe này để dừng đỗ đón trả khách trái quy định gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng và làm tăng nguy cơ xảy ra ùn tắc và va chạm giao thông.

Thượng uý Đào Việt Long, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an Hà Nội) cho biết về thực trạng này: “Số lượng xe đón trả cán bộ, công nhân viên từ nội thành tới khu công nghiệp Thăng Long khá lớn. Các xem này thường dừng đỗ ở các nút giao thông đông đúc gây cản trở giao thông và khiến lực lượng Cảnh sát giao thông thêm vất vả để xử lý. Chúng tôi đề nghị đơn vị chủ quản của các phương tiện này cần có tập hợp và đề xuất một vị trí đỗ xe phù hợp trong thời gian tới”.

Trong quá trình di chuyển, nhu cầu dừng đỗ của các loại xe đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên là tất yếu. Nguyên nhân thiếu hoặc không có bến, điểm dừng đỗ cố định cho các xe này xuất phát từ việc thiếu quy hoạch và phương án bố trí điểm dừng, đỗ xe. Thiết nghĩ, đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần quan tâm và có biện pháp cụ thể để bố trí những điểm dừng đỗ sao cho phù hợp. Có như vậy thì dịch vụ vận tải này mới phát huy hiệu quả tốt nhất, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân mà không làm ảnh hưởng đến An toàn giao thông và trật tự đô thị.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội. Ông Liên sẽ chia sẻ nhưng góp ý đối với việc lập quy hoạch và xây dựng phương án bố trí điểm dừng, đỗ cho các xe đưa đón cán bộ công nhân viên và học sinh trên địa bàn Hà Nội.

PV: Có một thực tế là các xe đưa đón cán bộ công nhân viên và học sinh trên địa bàn Hà Nội đang thiếu hoặc chưa có các điểm dừng, đỗ phù hợp. Quan sát của ông về thực trạng này như thế nào?

Ông Bùi Danh Liên: Việc ùn tắc do các phương tiện chở học sinh, cán bộ công nhân viên hiện vẫn đang tồn tại. Buổi sáng, có nhiều xe chở học sinh của các trường tiểu học, trung học khi dừng đỗ đã gây ra ùn tắc. Đây là một bài toán nan giải mà chưa có nghiên cứu mạng lưới cho các loại xe đưa đón dừng, đỗ. Trên các trục đường ở khu vực nội đô chỉ có điểm dừng, đỗ cho xe buýt chứ chưa có điểm dừng đỗ cho các xe này. Bản thân các cơ quan, đơn vị và các nhà trường cũng muốn thuận lợi cho cán bộ và con em mình nên dừng đỗ tùy tiện gây ảnh hưởng lớn tới giao thông.

PV: Vậy ông có những góp ý gì đối với việc lập quy hoạch và xây dựng phương án bố trí điểm dừng, đỗ xe cho các loại xe này một cách phù hợp?

Ông Bùi Danh Liên: Vấn đề này phải bắt đầu từ xây dựng kế hoạch, chúng ta phải tính toán cụ thể với những tuyến đường cụ thể trong giờ cao điểm có bao nhiêu xe đưa đón và theo hướng tuyến nào để bố trí các điểm dừng, đỗ cho phù hợp, giảm bớt gánh nặng ùn tắc cho các tuyến phố. Chúng tôi không nghĩ là không giải quyết được mà cần quan tâm giải quyết. Ví dụ với một đơn vị trường học, họ sẽ có đề xuất cụ thể về lộ trình của mình, từ đó cơ quan quản lý phải nghiên cứu và cấp phép điểm dừng đỗ cho họ một cách phù hợp. Để giải quyết vấn đề này, chắc chắn cơ quan quản lý gaio thông phải vào cuộc, đưa thành chủ trương yêu cầu các cơ quan, đơn vị có nhu cầu để tiến hành lập quy hoạch, bố trí điểm đỗ. Từ phía các doanh nghiệp và nhà trường cũng cần có sự thông cảm đối với hạ tầng và mật độ giao thông ở khu vực nội đô để chấp nhận các điểm đỗ xa hơn nhưng giảm tránh ùn tắc. Nếu có sự phối hợp giữa các đơn vị, nhà trường và Sở Giao thông vận tải, dần dần chúng ta sẽ giải quyết được khó khăn này.

PV: Cám ơn ông Bùi Danh Liên!

Ý kiến của bạn

Bình luận