Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống PCCC trên xe khách giường nằm |
THỰC TRẠNG AN TOÀN CỦA XE GIƯỜNG NẰM
Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ cháy xe khách giường nằm, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như vụ cháy 2 xe khách giường nằm tại Km 1730+300 trên QL1 đoạn qua huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận vào ngày 22/5 khiến 12 người chết cháy, 24 người bị thương. Gần đây nhất là vụ xe khách giường nằm chở hơn 30 hành khách bất ngờ phát tiếng nổ rồi bùng cháy trong đêm 6/6 tại QL51 đoạn qua huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Những vụ tai nạn này đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi lớn về mức độ an toàn của những chiếc xe giường nằm vốn đang rất được hành khách tin dùng hiện nay. Đặc biệt, những chiếc xe giường nằm luôn chở số lượng hành khách rất lớn thì điều kiện an toàn và khả năng thoát hiểm khi gặp sự cố của những chiếc xe này ra sao? Liệu những vấn đề này có đang bị buông lỏng?
Ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Các doanh nghiệp vận tải hành khách nên có hướng dẫn thoát hiểm như hàng không đang làm; phải nói cho hành khách biết lối thoát hiểm, búa thoát hiểm, dây thắt an toàn nằm ở đâu? Nhiều khi, hành khách không biết cái búa ở trên xe để làm gì và bố trí ở vị trí nào. Ngoài ra, phải giám sát chặt chẽ hơn thời gian cầm lái của lái xe bởi đa số xe giường nằm chạy đêm, các lái xe làm việc nhiều giờ dẫn đến căng thẳng, buồn ngủ, tiềm ẩn sự nguy hiểm cho hành khách. Vì vậy hiện nay, các xe giường nằm đều có thể quản lý thông qua camera, GPS để nắm bắt hoạt động trên chuyến xe đó, nếu doanh nghiệp làm được như vậy, tôi nghĩ tai nạn sẽ không xảy ra nữa”.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng khẳng định: “Từ trước đến nay, việc mở các lớp tập huấn cho lái, phụ xe biết cách hướng dẫn thoát hiểm cho hành khách chưa có và chưa có văn bản pháp luật nào quy định về việc này”. Lý giải cho việc này, ông Thanh cho rằng, trước đây khoảng chục năm, Nghị định 110-CP có quy định rõ, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với chứng chỉ ATGT, tuy nhiên sau đó quy định này bị bỏ đi, thay vào đó là trao quyền cho doanh nghiệp tự tổ chức tập huấn.
“Vì lẽ đó mới xảy ra lỗ hổng trong ATGT, bởi không doanh nghiệp nào chịu bỏ tiền, thời gian mà gọi nhân lực của mình về tập huấn. Thế nên, tình trạng cứ hết hai năm là doanh nghiệp gọi các lái xe đến đóng dấu “phập” một phát vào chứng chỉ mới, thế là xong. Tôi từng được nghe một chủ doanh nghiệp taxi chia sẻ rằng, cứ 500 nghìn đồng là trọn gói hai cái chứng chỉ, một về nghiệp vụ PCCC, một là tập huấn phục vụ hành khách. Như vậy, nếu có tổ chức tập huấn cho lái xe, phụ xe biết cách hướng dẫn thoát hiểm an toàn khi xe khách gặp sự cố thì cũng phải có cho ra có, chứ kiểu hình thức thì có cũng bằng không mà thôi!”, ông Thanh chia sẻ.
DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NHÀ XE SAO VIỆT
Từ góc nhìn thực tế, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (Nhà xe Sao Việt) đã thẳng thắn nhìn nhận: Việc hướng dẫn, giáo dục lái xe, phụ xe biết cách hướng dẫn thoát hiểm cho hành khách là rất tốt và nên làm. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng một chuyến xe khác một chuyến bay. Khi xảy ra sự cố, máy bay vẫn bay trên không, tức là còn thời gian để tìm cách thoát hiểm. Nhưng đối với ô tô thì lại là một chuyện khác. Bởi lẽ, khi xảy ra va chạm thì hầu hết hành khách và lái xe đều hoảng loạn hoặc ngất lịm, tức là mất khả năng suy nghĩ để tìm cách thoát hiểm.
Cùng với đó, thời điểm và khoảnh khắc thì không thể “đỡ” được. Như vụ tai nạn ở Bình Thuận xảy ra trong đêm, lúc đó hành khách đang ngủ say nên khi bị va đập mạnh, hành khách hốt hoảng trong xe kín mà xe lại bốc cháy thì người khỏe cũng chỉ cầm cự được một khoảng thời gian ngắn rồi ngất vì ngạt.
Tai nạn không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở nước ngoài cũng không ngoại lệ. Vì vậy, chúng ta cần phải chú trọng đến giáo dục ý thức cho lái xe chứ không phải đánh vào xe này, đánh vào xe kia... Nó tốt hay không tốt thì đã có cơ quan chức năng kiểm định và cấp phép hoạt động.
“Trước kia mình chạy loại IFA đóng thành xe khách, chở hàng trăm người nhưng có tai nạn thảm khốc đâu...Vì sao vậy? Vì hạ tầng chưa tốt, phương tiện không thể di chuyển tốc độ cao. Như vậy, cái cần trước hết chính là ý thức con người. Bởi đôi khi, cái búa, cái bình chữa cháy cũng chỉ là công cụ hỗ trợ để thoát hiểm, trong khi chúng ta hướng tới sự an toàn chứ không phải là đối phó với rủi ro. Như thương hiệu xe Sao Việt của chúng tôi hiện nay, nếu xe hoạt động trong thời tiết xấu, mưa gió... sẽ có bộ phận kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu giảm tốc độ, bởi nhiều lúc, lái xe trên đường căng thẳng, họ dễ quên đi”, ông Bằng nhấn mạnh.
Lái xe khách giường nằm xuất trình các giấy tờ theo quy định |
CẦN SỰ QUYẾT LIỆT CỦA TẤT CẢ CƠ QUAN CHỨC NĂNG
Theo Trung tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT (Bộ Công an), lực lượng CSGT luôn coi xe khách là đối tượng cần được tập trung chú ý trong công tác đảm bảo TTATGT. Trước tình trạng liên tục xảy ra cháy xe khách, lực lượng CSGT đã tăng cường kiểm tra thiết bị an toàn, phòng cháy chữa cháy, búa thoát hiểm của xe. Thậm chí, các dây điện mà tài xế lắp thêm để phục vụ các tiện ích trên xe cũng được CSGT tích cực kiểm tra. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đang tăng cường phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra, các cơ quan quản lý giao thông và các nhà khoa học để có được kết luận chính xác về nguyên nhân, đồng thời tìm phương án khắc phục tai nạn dẫn đến cháy nổ.
Ủng hộ quan điểm về việc cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát điều kiện an toàn của xe khách giường nằm, TS. Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: “Quy định về đảm bảo an toàn đều đã có, quan trọng là tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của rất nhiều cơ quan, đơn vị liên quan như: Sở GTVT, CSGT, TTGT, chính quyền địa phương, doanh nghiệp... Để cải thiện điều này thì cần sự vào cuộc của tất cả các khâu”.
Cũng theo TS. Trần Hữu Minh, nếu thực hiện đúng các quy định hiện hành thì sẽ khắc phục được rất nhiều thiệt hại trong các vụ TNGT. Ví dụ, về việc hành khách và lái xe thắt dây bảo hiểm đầy đủ thì tỷ lệ thắt dây bảo hiểm hiện nay của Việt Nam chỉ vào khoảng 20%, trong khi thế giới là trên 90%.
Ngoài ra, việc hướng dẫn cho hành khách các kiến thức cơ bản thì phần lớn các quốc gia chỉ có thể làm được là nhắc nhở hành khách thắt dây bảo hiểm. Trong khi đó, các kiến thức này cần được trang bị trong quá trình học Luật Giao thông Đường bộ. “Ai trưởng thành cũng cần học chứ không nhất thiết là phải lái xe, bởi đi bộ cũng đã là tham gia giao thông”, TS. Minh nhấn mạnh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.