Tình trạng ô nhiễm không khí, chủ yếu do ô tô và xe máy gây ra, đã trở nên trầm trọng hơn ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM trong những năm gần đây. - Ảnh TTXVN/VNS |
Theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Việt Nam hiện đang có khoảng 50 triệu xe máy - cao gấp 5 lần Nhật Bản. Doanh số bán xe máy đã giảm 17% vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch, nhưng vẫn đạt khoảng 2,71 triệu chiếc.
Nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng, cho phép một số người sở hữu hai xe máy trong đó một chiếc để đi lại và một để đi chơi. Ngoài ra, xe máy là phương tiện phổ biến nhất Việt Nam bởi sự linh hoạt của nó và đặc biệt thích hợp để di chuyển vào các con phố nhỏ hẹp.
Ô tô vẫn là mặt hàng xa xỉ phải chịu thuế cao, khiến nhiều người không thể tiếp cận được. Chỉ có khoảng 400.000 chiếc xe bốn bánh được bán vào năm 2020, Nikkei Asia nhận định.
Người tiêu dùng Việt Nam cũng không thường xuyên nâng cấp xe máy lên các mẫu xe mới, mà chạy một chiếc xe trong thời gian dài, đồng nghĩa với việc đường phố tràn ngập những chiếc xe máy xả thải hàng giờ. Tỷ trọng xe điện hoặc xe hybrid thân thiện với môi trường tham gia vào thị trường vẫn còn thấp.
Ông Hồ Quốc Bằng, một chuyên gia môi trường tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã chỉ ra xe máy và các phương tiện giao thông khác là nguyên nhân gây ra 99% lượng khí thải carbon dioxide của thành phố. Ông Bằng cũng lo ngại về ô nhiễm không khí từ khí thải và bụi lốp.
Các tuyến đường sắt trên cao tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm nay. Nhưng cũng chưa chắc điều đó đã khiến mọi người bỏ đi xe máy.
"Nếu phải đi bộ hàng trăm mét đến ga tàu thì thà chọn xe máy", một nhân viên văn phòng sống tại Hà Nội cho Nikkei biết.
Văn hóa xe máy đã ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam. Việc sản xuất xe đạp điện hoặc đánh thuế nặng đối với các mẫu xe đã lỗi thời sẽ là điều cần phải làm. Các "nhà máy phát thải khí nhà kính hai bánh" này là một vấn đề thậm chí còn cấp bách hơn các nhà máy đốt than.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.