Để giảm bớt tình trạng này, từ năm 2013 Bộ GTVT và Sở GTVT Hải Phòng đã có quyết định ngừng cấp phép cho chuyến mới chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội.
Thế nhưng, vừa qua Sở GTVT Hải Phòng lại đồng ý cho một doanh nghiệp mở thêm 13 chuyến xe/ngày chạy trên tuyến này.
Nhà xe “choảng” nhau trên đường
Hải Phòng hiện có 4 bến xe chính là Niệm Nghĩa, Cầu Rào, Lạc Long, Thượng Lý và 5 điểm từ các huyện ngoại thành có xe chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội. Bình quân khoảng 10/15 phút có một chuyến xe xuất bến nhưng vì mỗi bến chỉ cách nhau vài kilômet nên các xe thường chạy san sát nhau. Lượng xe nhiều nên vào những ngày thường khách vắng, mỗi xe xuất bến chỉ có khoảng 10 khách.
Theo báo cáo của Công an TP Hải Phòng, vì cung vượt quá cầu nên thời gian qua đã xảy ra tình trạng tranh giành khách không lành mạnh, các xe đi chèn ép nhau, tài xế bị gọi điện đe dọa và một số lần các doanh nghiệp trình báo tài xế bị đánh trên đường bởi bảo kê của một số nhà xe khác. Và sau khi chạy xe xong, các tài xế về nhà còn bị nhiều đối tượng lạ mặt đón đầu hành hung...
Lượng xe tại các bến từ Hải Phòng đi Hà Nội quá nhiều trong khi lượng khách đi xe chỉ đạt 40% số ghế (Ảnh: Tiến Thắng) |
Đầu năm nay, Công ty xe khách Hoàng Long đã có đơn trình báo về việc tài xế của công ty bị một số đối tượng bảo kê đánh phải nhập viện khi đang trên đường về nhà. Công an TP Hải Phòng đã thực hiện nhiều đợt ra quân để chấn chỉnh hoạt động cạnh tranh không lành mạnh trên tuyến xe khách Hải Phòng - Hà Nội. Cụ thể, lực lượng công an đã kiểm tra, nhắc nhở 550 lượt xe và xử lý 64 trường hợp vi phạm.
Một phó giám đốc công ty vận tải tại Hải Phòng cho biết các doanh nghiệp vận tải đã nhiều lần kiến nghị, nhiều lần họp với Sở GTVT TP Hải Phòng, Công an TP đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng “côn đồ hóa trong kinh doanh vận tải tuyến Hải Phòng - Hà Nội”.
“Thời gian gần đây tình hình không quá phức tạp, tài xế không bị hành hung thường xuyên nhưng chuyện tài xế bị gọi điện đe dọa vẫn xảy ra. Tài xế chỉ là người làm công ăn lương nên khi bị đe dọa họ sợ và không dám chạy vượt mặt những xe có mác bảo kê. Bây giờ, Bộ GTVT và Sở GTVT Hải Phòng lại cấp thêm mỗi ngày vài chục lượt xe chạy tuyến này thì tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều” - vị này nói.
Cấp thêm chuyến vì quyền lợi của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Quang Hiếu, trưởng phòng quản lý vận tải Sở GTVT Hải Phòng, cho biết tuyến Hải Phòng - Hà Nội hiện có gần 230 đầu xe với tần suất xuất bến gần 600 lượt/ngày cho cả hai chiều. Vào ngày thường khách ít, lượng xe dư thừa, nhưng vào cuối tuần khách đông cũng đạt 80-90% hệ số ghế.
Ông Hiếu cho biết vì hoạt động xe khách trên tuyến này nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, mất an ninh trật tự nên từ năm 2013, Bộ GTVT đã có quyết định tạm ngừng cấp phép thêm chuyến mới. Tuy nhiên cuối tháng 10/2015, bộ đã có điều chỉnh quy hoạch vận tải hành khách cố định, theo đó bổ sung cấp phép chuyến mới cho tuyến Đồ Sơn (Hải Phòng) đi Yên Nghĩa (Hà Nội) với lưu lượng 390 chuyến/tháng.
Ông Mai Xuân Phương, phó giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, cho biết doanh nghiệp vận tải được sở đồng ý cấp chuyến mới cho xe chạy tuyến Đồ Sơn - Yên Nghĩa là Công ty vận tải Gia Bảo Linh. Công ty này đã đầu tư vốn xây dựng bến xe Đồ Sơn, mua xe từ vài năm trước nhưng chưa thể hoạt động do quyết định ngừng cấp phép chuyến mới của Bộ GTVT. Sau nhiều lần kiến nghị vượt cấp, mới đây Bộ GTVT đã đồng ý cho đơn vị này được mở thêm chuyến mới chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội.
Trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp vận tải rằng vì sao xe nhiều, khách ít mà vẫn cấp phép cho doanh nghiệp chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội, ông Phương nói: “Bộ đã cho phép, công ty có nhu cầu thì chúng tôi không thể cấm được, bắt buộc phải chấp nhận. Quan trọng là các ngành từ thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng công an kiểm soát hoạt động, hành trình của các nhà xe để có các biện pháp quản lý và xử lý sai phạm”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.