Xe 'Hồ vồ' chở xi măng quá tải trên 150% bị bắt giữ trên đường gom Pháp Vân-Cầu Giẽ vào đêm ngày 8.1.2020 (Ảnh: Lê Minh) |
Theo quan sát của PV Tạp chí GTVT, trong các ngày gần đây, các dòng xe “hổ vồ” quá khổ, quá tải đã được hạn chế hoạt động trên tuyến đường gom Pháp Vân - Cầu Giẽ. Hầu hết các xe tải chở đất, đá, xi măng, gạch..., xe quá tải đã giảm 60 - 70% so với trước. Trong số đó, nhiều xe đã bị cắt phần cơi nới.
Một người dân sinh sống tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cho biết: “Thời gian gần đây, thấy ít xe lưu thông hơn, không còn cảnh hàng đoàn xe nối đuôi nhau đi và cũng không thấy nhiều xe cơi thành lên như trước”.
Có được như vậy là nhờ sự “mạnh tay” của Sở GTVT Hà Nội cùng với các lực lượng chức năng thuộc các quận, huyện - nơi tuyến đường đi qua.
Cải trang, mật phục, bắt tại trận
Đúng 20h tối 8/1, khi dòng người tham gia giao thông trên tuyến đường gom Pháp Vân - Cầu Giẽ trở nên thưa thớt và thiếu vắng sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Phát hiện điều này, những đoàn xe bốc hàng quá tải từ một điểm tập kết xi măng trên địa bàn huyện Thường Tín tranh thủ chạy vào tuyến đường gom dân sinh để "né" trạm thu phí, mặt khác trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng CSGT chốt chặn trên tuyến QL1.
Bất ngờ khi lực lượng liên ngành gồm Thanh tra giao thông quận Hoàng Mai, Công an quận Hoàng Mai, do ông Ngô Quốc Cường - Đội trưởng Đội TTGT trức tiếp chỉ huy, tổ chức đón lõng ngay tại cổng chào khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, chiếc xe tải chở xi măng BKS 29H - 008.72 do lái xe Đàm Văn Hùng (SN 1983, Thường Tín, Hà Nội) điều khiển không kịp phản ứng. Thấy Tổ công tác ra hiệu lệnh, tài xế chấp hành cho xe đi chậm lại, nhưng không xuống xuất trình giấy tờ mà ngồi trên cabin gọi điện nhờ “cứu viện”.
Đích thân Đội trưởng Đội TTGT quận Hoàng Mai Ngô Quốc Cường xuống đường, chỉ đạo Tổ liên ngành "vây ráp" và xử lý xe quá tải "né" trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (Ảnh Lê Minh) |
Tổ công tác tiếp tục ra hiệu lệnh yêu cầu tài xế xuống xuất trình giấy tờ để kiểm tra nhưng tài xế vẫn cố tình chốt cửa ca-bin. Khi TTGT hướng dẫn cho xe chạy vào vị trí cân trọng tải, tài xế này tắt máy, khóa cửa chây ì, có biểu hiện chống đối.
Sau nhiều giờ thuyết phục, tài xế mới chấp hành đánh xe đi cân. Dù quãng đường di chuyển từ vị trí phát hiện vi phạm tới trạm cân tải chỉ khoảng 2km, tuy nhiên lái xe di chuyển theo kiểu “câu giờ” hơn 1 tiếng đồng hồ mới tơi nơi. Kết quả kiểm tra, chiếc xe tải “hổ vồ” BKS 29H-008.72 điều khiển chở quá tải gần 150%. Đặc biệt, lái xe Hùng không xuất trình được GPLX do bị Phòng CSGT Hà Nội tạm giữ.
Với tinh thần xử lý quyết liệt, Tổ công tác đã phân tích sự nguy hiểm của hành vi chở hàng quá tải trọng, sau đó tiến hành tạm giữ phương tiện, lập biên bản vi phạm hành chính tổng số tiền 41,5 triệu đồng đối với lái xe và Công ty TNHH TMVT Thành Long vì đã giao phương tiện cho người làm công điều khiển xe vi phạm tải trọng.
Ông Ngô Quốc Cường, Đội trưởng Đội TTGT quận Hoàng Mai kể: “Khi chúng tôi yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ, lái xe còn chưa hiểu vì sao lực lượng chức năng lại có mặt nhanh như thế. Lái xe cố tình kéo dài thời gian, nên phải mất tới gần 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới áp tải được xe về trạm cân để kiểm tra tải trọng”.
Việc "áp tải" xe vi phạm đi cân trọng tải được các lực lượng thực hiện nghiêm ngặt (Ảnh: Lê Minh) |
"Sau khi tiến hành lập biên bản, chiếc chiếc xe vi phạm đã được Tổ công tác đưa về tạm giữ tại bến xe tải phía Nam Hà Nội. Ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, chúng tôi sẽ đề xuất lãnh đạo Thanh tra Sở có một buổi làm việc với doanh nghiệp này về những vi phạm chở quá tải có hệ thống”, ông Cường cho biết.
Đủ chiêu trò “khủng bố”
Được biết, sau 20 ngày mở đợt cao điểm trên địa bàn quận Hoàng Mai và tuyến đường gom Pháp Vân - Cầu Giẽ, các Đội TTGT chuyên ngành thuộc Sở GTVT Hà Nội đã phát hiện và xử lý 20 trường hợp vi phạm, các lỗi chủ yếu như: chở hàng vượt tải trọng, phương tiện chở hàng không che chắn rơi để vãi ra đường, lỗi dừng đỗ xe tại nơi có biển cấm... Qua đó, xử phạt gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, yêu cầu một số DN cắt thành, thùng theo quy định.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh TTGT Hà Nội, trực tiếp chỉ đạo Tổ liên ngành xử lý xe quá tải, quá khổ trên tuyến đường gom Pháp Vân - Cầu Giẽ nói riêng và đian bàn quận Hoàng Mai nói chung, cho biết: khi bắt đầu mới triển khai (từ ngày 26/12/2019), lực lượng gặp rất nhiều khó khăn, mà xuất phát chủ yếu từ sự đối phó của cánh lái xe, chủ xe.
Cứ mỗi lần tổ chuẩn bị xử lý một xe nào đó thì y như rằng, lái xe sẽ đóng cửa bỏ đi hoặc tìm cách "câu giờ" chờ "cứu viện". Vài phút sau, sẽ có người gọi điện "can thiệp".
Với mức chở quá tải gần 150%, phạt tiện lên tới 41,5 triệu đồng, chủ xe liên tục gây sức ép và đề nghị Tổ công tác bỏ qua vi phạm, tuy nhiên đều không mang lại tác dụng. (Ảnh: Lê Minh) |
"Một ngày tôi phải nghe cả chục cuộc điện thoại để nhờ vả, xin cho xe A, nhẹ tay với xe B nhưng chúng tôi đã quán triệt từ trước, xử lý mạnh tay, không có trường hợp nào được "ưu tiên".
Khi "xin" không được, có nhiều người chuyển qua đe dọa các anh em trong tổ và có những phản ứng thái quá. Tuy nhiên, những lúc như vậy, anh em Thanh tra đã phân tích để lái xe cũng như chủ DN ý thức được hành vi vi phạm của mình, từ đó nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật.
"Chúng tôi sẽ mạnh tay xử lý tới khi nào thực sự hết xe quá tải, quá khổ mới thôi. Chứ không phải theo chuyên đề hay ra quân. Trong quá trình xử lý, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thuộc chính quyền địa phương để tăng cường công tác xử lý, đảm bảo tính hiệu quả trong công việc", ông Tiến nói.
Trước đó, Đội TTGT Cơ động (Sở GTVT Hà Nội) làm nhiệm vụ trên đường Trần Thủ Độ (Q. Hoàng Mai) đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp các xe vi phạm lỗi chở hàng quá tải, không có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường. (Ảnh: Lê Minh) |
Trước đó, Tạp chí Giao thông vận tải đã có loạt bài phản ánh về tình trạng xe quá tải lộng hành trên đường gom Pháp Vân - Cầu Giẽ gây mất ATGT và ảnh hướng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt khiến người dân bức xúc Đặc biệt, đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) do xe quá tải gây ra.
Đại diện Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (đơn vị quản lý đường gom trên) cho rằng, tuyến đường gom song hành trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ là hạng mục hoàn trả lại đường gom trước đây nhằm phục vụ việc đi lại thuận lợi của người dân ở các địa phương có tuyến cao tốc đi qua. Theo thiết kế, đường gom được xây dựng phục vụ các phương tiện vận tải có tải trọng thấp như xe tải có tải trọng dưới 18 tấn và xe khách dưới 30 chỗ ngồi lưu thông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.