Bộ Công Thương mạnh tay cắt giảm điều kiện kinh doanh. Ảnh: VNN. |
Cụ thể, Bộ Công Thương rà soát 1.216 điều kiện kinh doanh thuộc 27 ngành, nghề (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô). Qua rà soát, tổ công tác đề xuất cắt giảm 464 điều kiện, tương đương 38,15% tổng số các điều kiện kinh doanh.
Về tổng số điều kiện đề xuất cắt giảm, tổ công tác đề xuất 2 phương án. Theo phương án 1, tổ công tác đề xuất cắt giảm 464 điều kiện, tương đương với 38,15% tổng số các điều kiện kinh doanh. Riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đề xuất cắt giảm 180/350 điều kiện.
Phương án 2, mức cắt giảm lên đến 612 điều kiện kinh doanh, tương đương với mức cắt giảm 50,3% tổng số 17 ngành nghề. Trong đó, riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, số điều kiện đề xuất cắt giảm là 331 trên tổng số 350 điều kiện kinh doanh.
Cũng theo báo cáo, trong số 27 ngành nghề trong diện rà soát có 10 ngành, nghề không đề xuất cắt giảm.
17 ngành, nghề đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).
Như vậy, sau khi cắt giảm, tổng số điều kiện còn lại của ngành công thương là 752 nếu áp dụng theo phương án 1 và 604 điều kiện, nếu áp dụng phương án 2.
Trong số này, với riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm – vốn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, Vụ Pháp chế đánh giá nếu thực hiện theo phương án 2 tức là sẽ có sự thay đổi lớn về tư duy quản lý, theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Thực hiện theo phương án này sẽ tốn nhiều thời gian, không kịp thời. Do việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phải thực hiện theo quy trình của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn. Ngoài ra, không thể xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chung về an toàn thực phẩm cho các ngành sản xuất các thực phẩm khác nhau.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.