Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là dự án trọng điểm, tuy nhiên đã chậm tiến độ trong thời gian dài. |
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thông quan nhanh đối với các thiết bị hệ thống thông tin nhập khẩu để thi công dự án đường sắt Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc khẩn trương xem xét, giải quyết thủ tục thông quan đối với các thiết bị hệ thống thông tin nhập khẩu phục vụ cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Các đơn vị tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa nhanh chóng, đúng quy định hiện hành nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan và Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tạo điều kiện cho phép lô hàng thiết bị hệ thống thông tin được thông quan sớm để tiến hành lắp đặt thiết bị trên tuyến. Sau khi thiết bị đã vận chuyển về đến chân công trình, Cục Viễn thông sẽ tiến hành lấy mẫu để thẩm tra cụ thể và kiểm tra xác suất.
Tuyến đường Cát Linh – Hà Đông là dự án trọng điểm, hiện Bộ Giao thông vận tải này đang quyết liệt chỉ đạo Ban QLDA đường sắt, tổng thầu và các đơn vị liên quan tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị để triển khai thi công dự án.
Hiện nay phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành. Toàn bộ 13 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt cũng đã hoàn thành kết cấu chính và cơ bản hoàn thành công tác trang trí, hoàn thiện.
Đường ray chính tuyến và đường ray đường thử tàu đã hoàn thành. Nhà thầu đang triển khai thi công đường ray kết nối khu depot và ray nhánh nội bộ đến các phân khu rà soát, sửa chữa, lập tàu…
Theo kế hoạch, cuối tháng 7/2017 dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị, tháng 10/2017 sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công xây dựng từ 10/10/2011 với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD bao gồm vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc 419 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Sau đó, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 522,86 triệu USD lên 868,04 triệu (tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu). Trong đó, Chính phủ đã vay bổ sung 250,62 triệu USD từ phía Trung Quốc nhằm để bố trí cho phần lớn tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án, phần còn lại sẽ bố trí từ vốn đối ứng của Việt Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.