Xử lý tội phạm cướp giật gây chết người thế nào

Hỏi đáp 13/07/2016 15:58

Tù chung thân là mức xử phạt cao nhất đối với tội phạm cướp giật trong trường hợp gây chết người, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.


CuopgiatSG
Một vụ cướp giật diễn ra ở trung tâm quận 1, TP HCM. Ảnh cắt từ clip.

Theo luật sư Trần Hải Đức, Trưởng Văn phòng luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP HCM) Bộ luật Hình sự 2015 (đang hoãn thời hạn thi hành) đã quy định hình phạt nghiêm khắc hơn để răn đe tội phạm cướp giật.

Tăng nặng hình phạt tội phạm cướp giật gây chết người

Cụ thể, tội danh này được quy định tại khoản 4 Điều 171. Theo đó, tội phạm cướp giật gây chết người sẽ bị phạt từ mức 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Theo luật sư Đức, ngoài phạt tù, còn có hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng. “Rõ ràng, bộ luật hình sự mới đã thể hiện nhận thức sâu sắc hơn về hậu quả nguy hiểm của tội danh này”, luật sư Đức nói.

Trước đó, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định hành vi vi cướp giật tài sản bị phạt tù từ 3 đến 10 năm đối với hậu quả làm chết một người. Nếu gây chết 2 người thì hình phạt tù từ 7 đến 15 năm. Nếu chết từ 3 người thì hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

"Theo tôi, để ngăn ngừa tội phạm này, cơ quan công an phải tăng cường tuần tra, kiểm soát những địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao. Khi bắt được nghi can, cần nhanh chóng đưa ra xét xử để trừng trị, đồng thời có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Quan trọng nhất là người dân phải tăng cường cảnh giác, không nên mang trang sức đắt tiền, hoặc mang nhiều tài sản có giá trị khi lưu thông trên đường để tránh trở thành mục tiêu cho tội phạm”, luật sư Trần Hải Đức nói.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng TP HCM nên xem việc gắn camera giám sát là một trong những giải pháp cơ bản để kéo giảm tội phạm. “Hầu hết các tuyến đường có gắn camera giám sát thì tội phạm giảm hẳn. Như khu phố tôi ở cũng vậy, trước khi gắn camera, thỉnh thoảng xảy ra trộm cắp, cướp giật, nhưng sau này thì gần như không nghe thấy", ông nói.

Theo luật sư Hưng, việc lắp đặt camera trên các tuyến đường còn là nguồn chứng để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố và xét xử. Ông cũng khẳng định, cần phải siết chặt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng. "Thông thường, tội phạm lợi dụng các địa bàn giáp ranh để hoạt động. Vì vậy, nếu có sự phối hợp này, chắc chắn tội phạm sẽ giảm".

Tuy nhiên, luật sư cũng cảnh báo, không loại trừ những băng nhóm phạm tội có tổ chức dưới sự bảo kê của lực lượng chức năng, nên Công an TP cần có những đội trinh sát đặc biệt chuyên giám sát và xử lý phòng ngừa tình trạng này.

Cần giải pháp kéo giảm tội phạm dài hơi

Theo đánh giá của thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP HCM ngày 27/6, hiện có một xu hướng chuyển dịch tội phạm về TP HCM. Không chỉ tội phạm ở các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, miền Trung mà các băng nhóm từ Nam Định, Hải Phòng cũng tập trung về đây. Bộ trưởng nhận định TP HCM là địa bàn tiềm ẩn nhiều phức tạp, "cái gì cả nước có thì TP HCM đều có".

Trong đó, tội phạm cướp giật đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân TP HCM. Như luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn Luật sư TP HCM, chia sẻ khách du lịch đến TP lần đầu đều được căn dặn phải cẩn thận dù ở nhà hay đi ngoài đường. "Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống bình thường của người dân và sự phát triển của kinh tế xã hội, đặc biệt là du lịch của TP", luật sư Hưng nói.

cuop_1
Hai tên cướp bị Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) bắt giữ.

Trong khi đó, luật sư Trần Hải Đức - Đoàn luật sư TP HCM, cũng cho rằng tội phạm cướp giật có hiện tượng tăng đột biến, thủ đoạn gây án rất táo bạo, quyết liệt, gây thiệt hại nghiêm trọng. "Thậm chí, có trường hợp nạn nhân ngã xuống đường tử vong do hành vi manh động của bọn cướp giật".

Từ góc nhìn của một luật sư, ông Nguyễn Kiều Hưng bày tỏ kỳ vọng vào sự quyết liệt của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về việc kéo giảm tội phạm. “Tôi hết sức hoan nghênh tân Bí thư Đinh La Thăng đã quan tâm và có chỉ đạo quét sạch nạn cướp giật, trộm cắp và tôi tin tưởng ông sẽ làm được điều đó”, ông Hưng nói.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng cũng lưu ý, lịch sử đã chứng minh, trước và trong chiến dịch truy quét tội phạm, ngay cả khi không có chỉ đạo, Công an TP vẫn chủ động trấn áp, số lượng tội phạm lĩnh vực này giảm hẳn, nhưng sau đó đâu lại vào đó, chúng lại phát triển trở lại.

“Điều đó, nói lên rằng ngoài việc phát động một chiến dịch, phong trào, cần phải có giải pháp kéo giảm tội phạm dài hơi, bền vững. Theo đó, cần có đánh giá, tổng kết và phân tích cái gốc cơ bản, nguyên nhân dẫn đến loại tội phạm này có đất sống ở TP. Từ đó, chúng ta mới có giải pháp triệt để, mang lại sự bình yêu cho nhân dân", ông Hưng bày tỏ ý kiến.

Ý kiến của bạn

Bình luận