Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội cho biết: “Để người dân thay đổi thói quen ngay một sớm một chiều là việc khó. Chúng tôi coi việc xử phạt đối với người đi bộ nhằm đảm bảo ATGT là một “cuộc chiến” lâu dài. Trước mắt, lực lượng CSGT vẫn triển khai vừa xử phạt, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời cũng kiến nghị các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, công an các quận, phường tăng cường xử lý nghiêm đối với những trường hợp lấn chiếm vỉa hè “đẩy” người đi bộ xuống đường”.
Mặc dù đã được quy định bằng văn bản luật rõ ràng với những hướng dẫn cụ thể song việc xử phạt đối với người đi bộ vi phạm Luật Giao thông mới chỉ được Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội thực hiện từ đầu tháng 2-2016 đến nay. Hơn 1 tháng triển khai, gần 1.000 trường hợp vi phạm đã bị xử phạt. nhưng thực tế vi phạm vẫn còn rất nhiều.
Vi phạm tràn lan
Qua ghi nhận tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm nhiều người dân ở các tuyến phố bên cạnh vẫn thản nhiên băng qua đường không đúng nơi quy định. Tại ngã tư phố Tràng Tiền - Hàng Khay, mặc dù đã có vạch sơn kẻ đường quy định rõ ràng vị trí dành cho người đi bộ khi các phương tiện đỗ dừng đèn đỏ, song thay vì chấp hành quy định, không ít người dân mặc nhiên đi dưới lòng đường hoặc chạy cắt mặt dòng phương tiện đang lưu thông.
Thành phần và độ tuổi vi phạm thì đủ cả, từ người già đến trẻ em, học sinh; từ công chức đến những người buôn bán hàng rong. Có một sự thật đối lập đó chính là trong khi những du khách nước ngoài chấp hành rất nghiêm quy định đi bộ đúng vị trí phần đường thì đa số người Việt lại vi phạm. Có những du khách nước ngoài dù phải đợi đến 2 hoặc 3 lượt đèn đỏ mới sang được đường song họ vẫn kiên nhẫn đứng đợi.
Tại các tuyến phố nằm trong khu vực 36 phố phường thuộc quận Hoàn Kiếm, việc đi bộ trái luật của người dân cũng khá phổ biến. Với đặc thù là những tuyến phổ cổ, diện tích lòng đường ngắn, vỉa hè nhỏ hẹp lại bị hàng hóa “bao vây” nên việc đi bộ của du khách, người dân gặp nhiều khó khăn. Một số tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang... có diện tích vỉa hè khá rộng nhưng người dân thay vì đi trên vỉa hè lại vô tư đi xuống lòng đường; chuyện sang đường thì tùy tiện, bất kể lúc nào có nhu cầu là chạy sang đường hoặc dừng lại mua bán, trao đổi hàng hóa ngay dưới lòng đường.
Thực tế người đi bộ vi phạm Luật Giao thông không chỉ tập trung ở các tuyến phố cổ, những khu vực vui chơi, các địa điểm danh thắng mà trên tất cả các cung đường, tuyến phố, cổng nhà ga, bến xe hay bệnh viện.
Ghi nhận trên đường Giải Phóng đoạn trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, dù cách đó không xa là một cầu vượt dành cho người đi bộ nhưng người dân lại chọn cho mình một cách “băng đường” mạo hiểm hơn rất nhiều là đi… dưới lòng đường. Với cùng một câu hỏi, khảo sát với nhiều người rằng vì sao không đi lên cầu vượt dành cho người đi bộ thì chúng tôi đều nhận chung một câu trả lời hồn nhiên và thiếu trách nhiệm: “Cho nhanh, cho tiện”. Tại các cổng trường học, vi phạm Luật Giao thông liên quan đến người đi bộ là học sinh, sinh viên diễn ra cũng “sôi động” không kém.
Xử lý kèm theo tuyên truyền
Mặc dù đã được quy định cụ thể trong Luật Giao thông nhưng từ trước đến nay, công tác xử lý đối với những vi phạm dường như đã bị lực lượng CSGT cũng như các lực lượng chức năng khác “bỏ quên”. Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội thống kê một con số đáng giật mình về những vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người đi bộ.
Cụ thể, nếu như năm 2013 trên địa bàn thành phố xảy ra 93 vụ TNGT liên quan đến người đi bộ khiến 81 người chết thì 1 năm sau đó, con số này đã tăng lên 123 vụ làm 74 người chết và hàng chục người khác bị thương. Số vụ TNGT liên quan đến người đi bộ chiếm tới 6,19% trong tổng số vụ TNGT của năm 2014. Riêng trong năm 2015, dù số vụ TNGT liên quan đến người đi bộ có giảm còn 112 vụ nhưng lại tăng số người chết. Mức độ phức tạp và đa dạng của các nạn nhân ngày càng tăng. Trong tháng 2-2016, TNGT liên quan đến người đi bộ cũng xảy ra 4 vụ làm 4 người chết và 1 người bị thương.
Trước những diễn biến khó lường của người đi bộ vi phạm Luật Giao thông, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch 09 về việc mở đợt cao điểm tập trung kiểm tra xử phạt đối với những người đi bộ vi phạm Luật Giao thông trong đó tập trung vào 12 quận nội thành. “Phải kiên quyết xử lý đối với những trường hợp đi bộ vi phạm Luật Giao thông gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên đường, đồng thời cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở đối với người dân, để nâng cao nhận thức cũng như phòng tránh tai nạn cho chính bản thân họ...”, Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định.
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội cho biết, địa bàn đơn vị quản lý tập trung rất lớn lượng người đi bộ trên phố, vỉa hè. Để đảm bảo ATGT, tại các nút, ngã tư có đèn tín hiệu giao thông đơn vị đều thường xuyên kiểm tra vạch sơn, đèn báo hiệu hoạt động để đảm bảo cho người dân sang đường đúng vị trí, an toàn. Tuy nhiên, còn không ít người dân vẫn mặc nhiên vô tư vi phạm.
Nhiều trong số đó mặc dù biết quy định không được đi dưới lòng đường hoặc sang đường ở những nơi không có vạch sơn dành cho người đi bộ song vẫn vi phạm. “Đối với những tuyến đường không có vỉa hè chúng tôi tuyên truyền và yêu cầu người dân đi ở dưới lòng đường phải đi sát vào mép phải của đường và phải đi lên ngay vỉa hè khi tuyến đường, phố đó xuất hiện vỉa hè. Trong quá trình xử phạt, chúng tôi cũng lựa chọn đối tượng để xử lý.
Nếu như những người dân cao tuổi, các cháu học sinh, người lao động lỡ không may vi phạm CSGT sẽ tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền để họ biết và thực hiện. Trường hợp thanh thiếu niên ngổ ngáo cố tình vi phạm, gây nguy cơ xảy ra TNGT cho người khác đều bị lực lượng CSGT kiên quyết xử phạt”, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc nhấn mạnh. Thống kê cho thấy, trong 1 tháng triển khai Kế hoạch 09, Đội CSGT số 1 đã xử phạt hơn 100 trường hợp vi phạm.
Cần tạo hành lang thông thoáng cho người đi bộ
Cùng với việc xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông, chỉ huy Đội CSGT số 1 cũng cho biết hiện nay có quá nhiều bất cập khiến cho chính bản thân người dân, người đi bộ muốn thực hiện đúng luật cũng khó. Dẫn chứng tại khu vực trước cổng Bệnh viện Việt Đức, vỉa hè nơi đây đã bị tận dụng làm bãi trông giữ phương tiện. Ít nhất 3 hàng xe máy được xếp tràn trên vỉa hè từ ngã tư phố Phủ Doãn - Tràng Thi đến quá cổng bệnh viện đã chiếm trọn lối đi của người đi bộ. Người dân, bệnh nhân... không còn cách nào khác đành phải đi xuống lòng đường để ra vào bệnh viện mà không thể biết trước được nguy hiểm có thể xảy ra lúc nào.
“Nếu để người dân thực hiện nghiêm thì phải có cơ sở để họ thực hiện. Không thể có chuyện đường phố có vỉa hè mà người đi bộ lại không có lối đi. Các cơ quan chức năng cũng như chính quyền sở tại phải nhanh chóng dẹp bỏ các vi phạm lấn chiếm vỉa hè đang bủa vây trên rất nhiều tuyến phố để trả lại lối đi bộ cho người dân”, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc nhìn nhận. Đại diện Đội CSGT số 4 cũng đánh giá, việc xử phạt đối với người đi bộ hiện nay là khá khó khăn. Phần vì ý thức của không ít người dân về việc chấp hành quy định này của Luật Giao thông chưa cao, hơn nữa việc xử phạt họ cũng khó bởi có nhiều trường hợp không mang theo tiền cũng như giấy tờ tùy thân bên người.
Những khó khăn, vướng mắc này đã được chỉ huy Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội thẳng thắn nêu ra tại cuộc họp sơ kết 1 tháng thực hiện Kế hoạch xử lý vi phạm. Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định trên nhiều tuyến phố đã bị người dân lấn chiếm, sử dụng hè phố làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe khiến người đi bộ không còn lối đi. Một số tuyến, nút giao thông hệ thống đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn sang đường dành cho người đi bộ còn thiếu, bị mờ.
Hệ thống cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu của nhân dân. Về ý thức chủ quan, nhiều người dân mặc nhiên suy nghĩ khi đi bộ thì không phải chấp hành các quy định của Luật Giao thông, đồng thời nghĩ rằng khi xảy ra TNGT thì người điều khiển phương tiện cơ giới phải chịu trách nhiệm theo kiểu “xe to phải đền xe nhỏ, xe cơ giới phải đền người đi bộ” bất luận đúng sai thế nào. Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết: “Để người dân thay đổi thói quen ngay một sớm một chiều là việc khó. Chúng tôi coi việc xử phạt đối với người đi bộ nhằm đảm bảo ATGT là một “cuộc chiến” lâu dài.
Trước mắt, lực lượng CSGT vẫn triển khai vừa xử phạt, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời cũng kiến nghị các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, công an các quận, phường tăng cường xử lý nghiêm đối với những trường hợp lấn chiếm vỉa hè “đẩy” người đi bộ xuống đường”.
Điều 9 của Nghị định 171 quy định Khoản 1: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50-60.000 đồng đối với một trong các hành vi như đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu giao thông, biển báo, vạch kẻ đường... Phạt tiền từ 60.000-80.000 đồng đối với các hành vi vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn... Phạt tiền từ 80.000-120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, duy trì đường cao tốc |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.