Địa bàn huyện Phúc Thọ, Hà Nội được nhận định là một trong những khu vực nóng bỏng về khai thác cát |
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về thực trạng khai thác cát sỏi, những bất cập trong quản lý cát sỏi lòng sông, ông Lại Hồng Thanh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất - Khoáng sản VN (Bộ Tài nguyên - môi trường) nói: việc lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông hiện nay thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, các tỉnh, thành phố đã cấp phép trên 700 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông. Cấp phép trên 500 giấy phép thăm dò cát, sỏi lòng sông và phê duyệt được trên 600 triệu m3 cát, sỏi. Vì thế, hàng năm các tổ chức, cá nhân hoạt động theo các giấy phép đã khai thác khoảng 60 - 70 triệu m3 cát, sỏi lòng sông.
Tuy nhiên, vẫn còn một khối lượng lớn cát, sỏi bị khai thác trái phép dẫn tới hậu quả, gây thất thoát ngân sách nhà nước, gây ô nhiễm môi trường, là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, gây mất an ninh trật tự, gây rối loạn thị trường cát sỏi.
Bộ Tài nguyên - môi trường nhận định, đến nay hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn trên 20 tỉnh, thành phố cả nước, điển hình tại các địa phương như: Phú Thọ, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, thành phố Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, KonTum, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… gây bức xúc đối với người dân và dư luận.
Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép diễn biến ngày càng phức tạp. Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, nguy hiểm, manh động khi đối phó với các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng đầu cơ, tích trữ cát để nâng giá trục lợi, gây rối loạn thị trường, gây khó khăn cho quản lý.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.