Giảm toàn diện TNGT trong dịp Tết Mậu Tuất 2018
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất, toàn quốc xảy ra 218 vụ TNGT (chưa bao gồm 78 vụ va chạm giao thông), làm chết 195 người, bị thương 199 người (chưa bao gồm những người bị xây xát nhẹ trong các vụ va chạm); so với 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu, số vụ giảm 150 vụ (-41%), giảm 8 người chết (-4%), giảm 218 người bị thương (-52%).
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tình hình TTATGT trên toàn quốc được duy trì ổn định, thông suốt, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với 7 ngày Tết Đinh Dậu 2017; không xảy ra TNGT đường thủy, không xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, đồng thời ít xảy ra UTGT kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính.
Kéo giảm TNGT trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân là mục tiêu quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Công tác đảm bảo TTATGT có những chuyển biến tích cực là nhờ vào sự chỉ đạo sớm, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành cùng địa phương trên cả nước.
Nhờ đó, trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân, năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định. Tình trạng chậm, hủy chuyến bay được khắc phục. Công tác quản lý giá cước vận tải, công khai niêm yết giá cước, chuẩn bị phương tiện tăng cường, ký cam kết bảo đảm ATGT; các đoàn kiểm tra được các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường.
Mặt khác, các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương thường xuyên phản ánh, đưa tin kịp thời tình hình TTATGT trên cả nước, các biện pháp phòng tránh TNGT, UTGT. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin về tình hình TTATGT trên các bản tin thời sự hàng ngày, qua đó góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông.
Giữ vững TTATGT trong mùa lễ hội xuân
Lượng khách đến Sa Pa dịp đầu năm rất đông khiến các vị trí đỗ xetrở nên quá tải, lộn xộn |
Để bảo đảm TTATGT trong các ngày sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2018 (đến hết tháng 3/2018), Ủy ban ATGT Quốc gia đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành là thành viên của Ủy ban, ban ATGT các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1882/CĐ-TTg về bảo đảm TTATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội năm 2018.
Trong đó, Bộ Công an cần chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương huy động tối đa lực lượng CSGT phối hợp với lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Công an xã và TTGT đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm TTATGT, không nể nang, không xuê xoa, đặc biệt là các hành vi có tần suất vi phạm cao và phổ biến như: Vi phạm quy định nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm; có phương án tăng cường lực lượng tại địa bàn có lễ hội.
Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ, sở GTVT các địa phương tăng cường quản lý, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành; tăng cường hướng dẫn thông tin đi lại dịp lễ hội, tuyên truyền kinh nghiệm điều khiển phương tiện ở các môi trường giao thông phức tạp: Có mật độ giao thông cao, ùn tắc kéo dài, đường đèo dốc, địa bàn mới, mưa nhiều, ban đêm, đường dài; tập trung kiểm soát hoạt động vận tải khách bằng ô tô, vận tải thủy nội địa theo hợp đồng, nhất là tuyến Bắc - Nam và hoạt động vận tải đến khu vực lễ hội tăng cao.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên phản ánh tình hình vận tải và TTATGT; hướng dẫn, vận động người dân lựa chọn dịch vụ vận tải công cộng có uy tín, hạn chế sử dụng mô tô, xe máy khi tham dự lễ hội; tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân và doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật về TTATGT; truyền tải các hướng dẫn thông tin đi lại, phổ biến rộng rãi kinh nghiệm điều khiển phương tiện và tham gia giao thông an toàn trong các môi trường giao thông phức tạp như mật độ giao thông cao, ùn tắc kéo dài, đường đèo dốc, địa bàn mới, ban đêm, vận tải đường dài…
Bộ Y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế cần tăng cường công tác cấp cứu, điều trị nạn nhân TNGT; đẩy mạnh triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị Mặt trận TQVN, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt là tham gia lễ hội xuân với tinh thần vui vẻ, an toàn.
Về phía các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo các lực lượng liên ngành phối hợp với UBND địa phương nơi diễn ra lễ hội thực hiện chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông và tuần tra, kiểm soát nghiêm trên các tuyến kết nối đến địa điểm tổ chức lễ hội và khu vực diễn ra lễ hội; tăng cường năng lực vận tải phục vụ nhân dân, chú trọng tăng cường dịch vụ vận tải hợp đồng, vận tải du lịch; nâng tần suất dịch vụ xe buýt, xe khách tuyến cố định đi và đến địa bàn lễ hội; bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ.
“Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và các giải pháp khắc phục tại các địa phương có số người chết do TNGT tăng cao; tổ chức kiểm tra phương án bảo đảm TTAGT tại các địa phương có các lễ hội quy mô lớn, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch và dự lễ hội”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.