Được thành lập từ năm 2004 và gây chú ý bởi chiếc siêu xe đầu tiên là ST1 vào năm 2009, tuy nhiên công ty Đan Mạch Zenvo lại để lại ấn tượng mờ nhạt từ đó tới nay. Những chiếc ST1 đã nhiều lần phát hỏa, trong khi mẫu xe thay thế cho nó là TS1 GT ra mắt vào năm 2017 trên thực tế lại chỉ là một bản nâng cấp nhẹ của ST1. Để một lần nữa thu hút Thế giới siêu xe, Zenvo đã nối bước Koenigsegg, nghiêm túc đầu tư nghiên cứu và ứng dụng những giải pháp kỹ thuật vào những siêu xe của mình. Thành quả của nỗ lực này là chiếc Zenvo TSR-S vừa ra mắt tại triển lãm Geneva.
Nằm giữa chiếc TS1 và mẫu xe đua chuyên nghiệp TSR, Zenvo tham vọng sẽ đánh bại những mẫu hypercar được phép sử dụng trên đường phố khác như McLaren P1 LM. Chiếc xe vẫn sở hữu thiết kế tổng thể quen thuộc đã có từ dòng ST1 cách đây gần 10 năm, tuy nhiên Zenvo đã làm mới lại TSR-S với các chi tiết lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Theo hãng, bộ đèn pha mới dựa trên hình ảnh một chú đại bàng đang theo dõi con mồi, hay hai bên thân xe gợi lên một chú sư tử đang nằm chờ thời điểm chồm dậy tấn công.
Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật và sáng tạo nhất của Zenvo TSR-S đó là những giải pháp khí động học mới của chiếc xe. Không chỉ có bodykit mới bằng sợi carbon khác biệt với 2 mẫu xe còn lại của dòng TS, TSR-S còn sở hữu bộ cánh đuôi đặc biệt với tên gọi Centripetal Wing. Với các bản lề linh hoạt và hệ thống tay đòn thủy lực, bộ cánh đuôi này có khả năng xoay chuyển theo cả 2 trục ngang và dọc, Sự linh hoạt này khiến nó không chỉ đóng vai trò là phanh không khí, mà còn có tác dụng ổn định thân xe theo chiều góc cua.
Thêm vào đó, với phần giá đỡ cùng bản thân cánh đuôi đều được làm bằng sợi carbon, Centripetal Wing còn đóng vai trò như những thanh ổn định chống nghiêng thân xe, khiến độ ổn định ở phần đuôi của TSR-S càng tăng thêm gấp bội. Tiếp tục lấy cảm hứng từ xe đua, Zenvo đã loại bỏ hoàn toàn các trang bị tiện nghi và thậm chí là an toàn bên trong cabin của TSR-S: dàn âm thanh, hệ thống thông tin giải trí, điều hòa, túi khí.
Gần như mọi bề mặt trong nội thất đều được làm từ sợi carbon, trong khi một số vị trí bọc Alcantara chỉ để nhằm chống ánh sáng phản chiếu gây lóa mắt cho người lái. Ngay cả bảng đồng hồ kỹ thuật số của TSR-S cũng có giao diện cực kỳ tối giản với một đồng hồ báo tua máy theo phong cách xe đua từ thập niên 80, cùng với phần hiển thị cấp số của chiếc xe. Theo Zenvo, đó là tất cả những gì mà người lái cần biết khi lái chiếc xe với tốc độ cực cao.
Nằm ở phía sau cabin của TSR-S là nơi đặt khối động cơ 5.8l V8 với 2 bộ siêu nạp, được Zenvo hoàn toàn tự phát triển với công suất 1.177 mã lực và mô-men xoắn hơn 1.100Nm. Với trọng lượng khô chỉ 1.495kg, không ngạc nhiên khi chiếc xe đạt hiệu năng cực cao: thời gian tăng tốc từ 0-100km/h chỉ trong 2,8 giây, 0-200km/h trong 6,8 giây và tốc độ tối đa giới hạn điện tử ở mức 325km/h. Đi kèm động cơ này là hộp số ly hợp kép 7 cấp với các bánh răng dạng xoắn ốc, đem tới cảm giác chuyển số mượt mà hoặc cứng cáp phụ thuộc vào chế độ lái dành cho đường đua hay đường phố.
Ngay cả phần mềm điều khiển động cơ của TSR-S cũng đáng phải nói tới với 3 chế độ: Minimum, Maximum và IQ. Trong đó ở 2 chế độ Minimum và Maximum, công suất của động cơ sẽ được cài đặt lần lượt là 700 hoặc 1.177 mã lực. Điểm đặc biệt của chiếc xe nằm ở chế độ IQ, sử dụng hệ thống điều khiển lực kéo để luôn nắm được tình trạng bám đường của các bánh sau, từ đó điều chỉnh công suất phù hợp một cách hoàn toàn tự động.
Cấu trúc thân xe của Zenvo TSR-S khá đơn giản và giống như nhiều siêu xe khác với dạng bán nguyên khối từ vật liệu thép siêu nhẹ và nhôm, kết hợp với khung phụ trước sau bằng thép cùng thân xe bằng sợi carbon. Tuy nhiên với các giải pháp kỹ thuật sáng tạo nêu trên, hãng vẫn tự tin rằng chiếc xe đem lại trải nghiệm lái gần với xe đua chuyên nghiệp nhất có thể, trong khi vẫn hội tụ đủ điều kiện để được cấp biển số một cách bình thường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.