Khác với quốc lộ hay đường ở đồng bằng, các cung đường đèo dốc thường đem lại những cảm xúc thú vị song cũng luôn tiềm ẩn những nguy hiểm không thể lường trước. Đối với đa số người, những gốc khuất, điểm mù tại khúc cua hay đường ôm núi luôn có những rủi ro tiềm ẩn. Bên cạnh đó, cũng không ít người có thể ước tính được độ dốc chính xác, đặc biệt là độ dốc tại những khúc cua, nên việc điều khiển xe có sai số lớn là khá phổ biến.
Vì vậy, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm lái xe trên đường đèo dốc sẽ giúp chúng ta điều khiển phương tiện tốt hơn, an toàn hơn.
Lưu ý đầu tiên và cũng là quan trọng nhất cho mỗi người trước mỗi chuyến đi, nhất là những hành trình dài và có các cung đường đèo dốc là phải đảm bảo chiếc xe ở tình trạng tốt nhất. Vì vậy, hãy luôn ghi nhớ việc kiểm tra, bảo dưỡng chiếc xe trước mỗi chuyến đi.
Một số hạng mục quan trọng cần kiểm tra và xử lý là hệ thống phanh, dầu máy, dầu phanh, tình trạng lốp xe. Các chi tiết nhỏ hơn những cũng rất quan trọng là gạt mưa, hệ thống đèn, nước rửa kính, ống xả, điều hòa nhiệt độ…
Đối với những tài xế chuyên nghiệp hay người có kiến thức sâu về ô tô thì việc kiểm tra các hạng mục nêu trên là không khó. Tuy nhiên, cách tốt nhất là hãy đưa xe đến hệ thống trạm dịch vụ, garage ô tô có uy tín để đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp thực hiện.
Đây là lưu ý mà những người cầm lái cần luôn ghi nhớ. Đặc biệt là ở các cung đường đèo dốc, việc duy trì tốc độ phù hợp là cực kỳ quan trọng để chúng ta có thể xử lý tốt nhất mỗi khi gặp những tình huống bất ngờ.
Ở các cũng đường quốc lộ hay cao tốc, tầm quan sát luôn rất tốt. Nhưng ở các vùng miền núi, tầm nhìn đôi khi rất hạn chế do khuất núi, bị các phương tiện phía trước che chắn hay sương mù bao phủ. Bên cạnh đó, điều kiện mặt đường cũng thưởng ẩm ướt hơn do mây mù, nhất là tại các cung đường trên núi cao. Vì vậy, hãy luôn đảm bảo di chuyển ở tốc độ phù hợp, đừng "gồng" mình lái xe với tốc độ mà bản thân thấy phải cố gắng điều khiển.
Có 2 nguyên tắc chuyển cấp số khi lên dốc hay đổ đèo là lên "già" xuống "non" và lên số nào xuống số đó.
Lên "già" xuống "non" nghĩa là khi leo dốc thì tăng cấp số muộn hơn còn khi xuống dốc thì giảm cấp số sớm hơn. Việc tăng cấp số muộn khi lên dốc sẽ giúp chiếc xe có đủ lực và quán tính để duy trì sức kéo trong khi việc giảm cấp số sớm khi xuống dốc sẽ hạn chế khả năng trôi xe nhờ sợ hỗ trợ của hộp số.
Nguyên tắc thứ hai là lên số nào xuống số đó. Ví dụ cùng với một con dốc, khi bạn lên dốc bằng số 2 thì khi xuống dốc cũng sử dụng số 2. Tất nhiên, cấp số phải phù hợp với độ dốc và sức mạnh của mỗi chiếc xe.
Sử dụng số phù hợp với độ dốc của đèo, nếu số thấp quá có thể sẽ làm động cơ bị quá nhiệt thì số cao quá dễ làm mất kiểm soát. Việc sử dụng cấp số phù hợp ngoài việc giúp chiếc xe có khả năng di chuyển tốt nhất, an toàn nhất thì cũng sẽ duy trì được độ bền, khả năng vận hành của mỗi chiếc xe.
Một thói quen rất nguy hiểm của không ít người khi lái xe đèo dốc là sử dụng phanh liên tục để hãm tốc độ. Nếu rà phanh nhiều ở một quãng ngắn thì không sao nhưng với một con dốc dài hay cũng đường có nhiều dốc thì việc rà phanh liên tục sẽ khiến má phanh nóng, từ đó dẫn đến nguy cơ mất ma sát phanh, cháy may-ơ, giảm tác dụng phanh. Thậm chí với những chiếc xe sử dụng phanh dầu, việc ra phanh quá nhiều khiến dầu phanh "sôi" và có thể làm cho phanh hoàn toàn mất tác dụng. Hiện tượng này không hề hiếm gặp.
Vì vậy, khi đổ đèo, hãy lưu ý nguyên tắc sử dụng cấp số phía trên. Khi đổ đèo, hãy rèn luyện kỹ năng sử dụng hộp số kết hợp với phanh, nghĩa là sử dụng cấp số thấp để hộp số tham gia hãm tốc độ cùng với việc "nhá" phanh.
Đường đèo dốc thường nhỏ hẹp và rất nhiều góc khuất khó quan sát. Vì vậy, khi lái xe trên các cung đường kiểu này, người lái cần luôn duy trì chiếc xe ở làn đường của mình, tối kỵ lấn sang làn đường ngược chiều.
Trên thực tế, không ít người cầm lái thường có xu hướng cắt sang làn đối diện để tận dụng đà di chuyển, tiết kiệm quãng đường và ít nhiều có thể tránh được hiện tượng xe có xu hướng nghiêng về một phía. Tuy nhiên, hành động này rất dễ dấn đến nguy hiểm khi có phương tiện di chuyển từ hướng ngược chiều bất ngờ lao đến. Khi đó, việc đánh lái để tránh sẽ rất khó khăn, thậm chí có thể khiến xe mất lái lao xuống vực hoặc vào vách núi.
Khi di chuyển trên đường đèo dốc cũng cần lưu ý nhường đường cho các phương tiện lớn hơn, sử dụng còi và đèn để báo hiệu các tình huống với xe phía trước và xe ngược chiều.
Ở điều kiện đèo dốc, bạn sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng các phương tiện khác di chuyển rất chậm. Lý do là các loại xe tải nặng, xe đầu kéo luôn phải duy trì tốc độ rất thấp. Khi đó, bạn sẽ có nhu cầu vượt lên. Tuy nhiên, việc vượt xe ở đường đèo dốc cần vô cùng cẩn trọng vì sẽ có rất nhiều mối nguy thường trực.
Nếu vượt xe, hãy chú ý quan sát, chỉ vượt khi đảm bảo được xe của bạn có đủ không gian và thời gian để vượt. Tuyệt đối không vượt nếu phía trước có nhiều phương tiện đang nối đuôi nhau; không vượt khi có xe di chuyển ngược chiều.
Trước khi vượt, hãy chuyển về cấp số thấp phù hợp với từng điều kiện khác nhau để đảm bảo xe của bạn đủ sức mạnh để vượt mà không gặp bất kỳ cản trở nào. Lưu ý không vượt cùng các xe khác mà nên tách ra. Ví dụ nếu có nhiều xe cùng muốn vượt thì hãy vượt lần lượt, xe này qua mới đến xe khác.
Ngoài các kỹ năng nêu trên, khi di chuyển trên đường đèo dốc cũng cần đặc biệt chú ý đến hệ thống biển báo. Các loại biển báo quan trọng trên đường đèo dốc có thể kể đến là biển báo độc dốc/nghiêng của mặt đường, biển báo khúc cua. Bên cạnh đó, ở nhiều khúc cua gấp và khuất, cơ quan giao thông thường lắp đặt gương cầu lồi để bạn quan sát xe ngược chiều bị khuất, hãy chú ý để tránh những va chạm đáng tiếc xảy ra.
Việc quan sát độ dốc của các đoạn đường, biển báo khúc cua hay gương cầu sẽ giúp bạn lường trước đoạn đường sắp đến và điều khiển chân ga, hộp số cho phù hợp cũng như muốn vượt xe an toàn.
Cảnh quan ở các khu vực vùng cao, miền núi luôn thay đổi và rất đẹp. Vì vậy, chúng ta sẽ thường có nhu cầu nghỉ chân, chụp ảnh, check-in ở những nơi có cảnh đẹp. Tuy nhiên, người cầm lái cần đặc biệt chú ý hạn chế phanh gấp, dừng đột ngột dẫn đến việc các phương tiện khác không kịp xử lý trong điều kiện đường đèo dốc vốn rất nguy hiểm, từ đó dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Hãy quan sát, định hình sẵn vị trí an toàn có thể dừng đỗ, tiến hành bật đèn báo rẽ trước khi tấp vào điểm đỗ và dừng lại. Vị trí dừng xe cần tránh các khúc cua tầm nhìn kém cũng như những đoạn đường hẹp gây cản trở đường lưu thông của các phương tiện khác. Bật đèn báo hiệu khẩn cấp khi cần thiết để đảm bảo tính an toàn hơn khi dừng xe trên đường đèo.
Di chuyển trên đường đèo dốc luôn rất khó khăn và chiếc xe luôn phải làm việc nặng nhọc nhiều hơn thông thường rất nhiều. Do đó, bạn hãy lưu tâm đến các chỉ số quan trọng của xe như hệ thống làm mát, dầu máy… Nếu xe quá nóng thì hãy tìm điểm dừng phù hợp nhất để chiếc xe có thể nghỉ ngơi trước khi tiếp tục hành trình.
Bản thân bạn và chiếc xe đều cần nghỉ ngơi nhiều hơn so với thông thường trên những hành trình đèo dốc. Với người lái, việc thường xuyên phải quan sát, lường trước từng tình huống có thể xảy ra sẽ dễ dẫn đến mệt mỏi. Vì vậy, hãy cố gắng dừng nghỉ để thư giãn, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho chặng tiếp theo của hành trình.
Bên cạnh đó, các vùng núi ở Việt Nam thường sở hữu những cảnh quan tuyệt diệu. Vì vậy, chẳng có lý do gì chúng ta cứ phải miệt mài di chuyển mà không dừng nghỉ để ngắm cảnh, chụp những tấm hình đẹp và lưu lại những kỷ niệm cho riêng mình.
Tất nhiên, hãy lưu ý chỉ dừng nghỉ ở những điểm dừng nghỉ hoặc nơi có chỗ đỗ xe rộng rãi, tầm nhìn thoáng để luôn đảm bảo an toàn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.