23 dự án PPP "vốn khủng" sẽ triển khai trong năm 2016

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 17/02/2016 16:25

Theo Ban PPP, trong năm 2016, Ban sẽ hoàn tất việc lựa chọn Nhà đầu tư để triển khai khoảng 23 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 39.899 tỷ đồng.

cao-toc-HN---Thai-nguyen-df712
Dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đang trong giai đoạn hoàn thiện ( Ảnh vneconomy).

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban PPP cho biết hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo nghiên cứu triển khai 62 dự án, gồm 42 dự án lĩnh vực Đường bộ trong đó có 10 dự án đường bộ cao tốc trọng điểm, cần nghiên cứu triển khai sớm, 7 dự án lĩnh vực Hàng không, 6 dự án lĩnh vực Đường thủy nội địa, 5 dự án lĩnh vực Đường sắt và 2 dự án lĩnh vực Hàng hải.

Theo kế hoạch, dự kiến từ nay đến hết năm 2016 sẽ hoàn tất việc lựa chọn Nhà đầu tư để triển khai khoảng 23 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 39.899 tỷ đồng (trong đó, vốn Nhà đầu tư khoảng 39.425 tỷ đồng); dự kiến sẽ hoàn tất việc lựa chọn Nhà đầu tư để triển khai 3 dự án đầu năm 2017.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai các dự án còn gặp một số hạn chế về văn bản vi phạm pháp luật, nguồn cung cấp tín dụng, bố trí ngân sách Nhà nước để chuẩn bị và tham gia trong các dự án PPP, chính sách phí. Trong đó, hiện nay, thị trường tín dụng dài hạn trong nước khó khăn, có dự án thời gian thu xếp tín dụng mất gần 1 năm. Thậm chí, có dự án đã ký hợp đồng tín dụng lại bị dừng giải ngân, phải thu xếp và đàm phán tín dụng với ngân hàng khác. Và để tiếp tục thu hút nguồn vốn xã hội hóa cần phải tiếp cận thị trường vốn tín dụng nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp phải trở ngại rất lớn do hầu hết các tổ chức tín dụng đều yêu cầu bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh rủi ro tỷ giá và thậm chí là bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay... trong khi các cơ chế này chưa được Chính phủ chấp nhận. Chỉ một số dự án BT riêng rẽ được cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay tín dụng.

Đồng thời, nguồn vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án PPP từ ngân sách nhà nước không thể bố trí hoặc rất khó tiếp cận. Các dự án có quy mô lớn, mang tính động lực, đột phá như hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao đều cần phải có vốn góp từ ngân sách Nhà nước khoảng từ 30%-50% nhưng ngân sách nhà nước hiện nay không thể cân đối bố trí được.

Tại cuộc họp, ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban QLDA 2 cho biết về dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên theo dự kiến sẽ khởi công vào tháng 9 và hoàn thành vào tháng 12/2017. Về dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL47 tỉnh Thanh Hoá do Ban QLDA 2 phụ trách, phạm vi, quy mô đầu tư có chiều dài 30km với vốn đầu tư khoảng 2.050 tỷ đồng. Phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo NCKT dự kiến hoàn thành tháng 4 và dự kiến hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư, khởi công vào tháng 8.

Trước báo cáo của Ban QLDA 2, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã yêu cầu Ban phải nghiên cứu lại tiến độ của dự án đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, ít nhất là tháng 6 khỏi công, không để đến tháng 9 vì mọi thứ đã làm hết, nhà đầu tư cũng rất rõ ràng. Còn QL47 phải lập tiến độ cụ thể, chỉ rõ ngày tháng, nếu rút ngắn được tiến độ thì rút ngắn sau đó đưa lên Ban PPP rà soát lại.

nhung-nguoi-linh-tren-cong-truong-kenh-cho-gao-2
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến luồng kênh Chợ Gạo ( giai đoạn 2) cũng nằm trong 23 dự án PPP năm 2016. (Ảnh internet)

Cũng tại buổi họp, đại diện cho lĩnh vực đường sắt, đường thuỷ nội địa và hàng hải cùng báo cáo ngắn gọn về những dự án triển khai trong năm 2016.

Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, nhiệm vụ triển khai các dự án BOT là nhiệm vụ số 1 của Bộ GTVT sau đó mới đến các dự án ODA, còn các dự án trái phiếu, ngân sách Nhà nước là rất ít. Do đó, để triển khai được kế hoạch này, Thứ trưởng thống nhất với báo cáo của ban PPP với 2 danh sách gồm danh sách 23 dự án đường bộ và bổ sung thêm một số dự án đường sắt, đường thuỷ để đưa vào danh mục chính thức phải triển khai trong năm 2016 và đưa ra được thời gian cơ bản chính xác để triển khai dự án. Về cơ bản, các đơn vị phải hoàn thành thủ tục trong 6 tháng đầu năm 2016 để từ quý III và quý IV triển khai đủ 23 dự án. Đồng thời công bố tiếp các danh mục dự án trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

Thứ trưởng yêu cầu ban PPP bổ sung một số dự án còn thiếu đặc biệt là các dự án ngoài đường bộ như đường sắt, đường thuỷ, hàng hả triển khai trong năm 2016 này vào danh mục. Và hàng tháng tổ chức cuộc họp kiểm điểm các dự án BOT theo từng giai đoạn của từng lĩnh vực để đẩy tiến độ. Các Ban QLDA phải chủ động trong việc giải quyết vấn đề tiến độ của dự án. Ban QLDA phải báo cáo định kỳ về Bộ thông qua ban PPP, Cục Quản lý chất lượng về các dự án đang làm và các dự án chuẩn bị triển khai.

“Năm nay Bộ sẽ lấy thành tích của các dự án BOT để đánh giá Ban QLDA. Tôi đề nghị như vậy vì nó thể hiện tính năng động, sáng tạo và sự vào cuộc thực sự, quyết liệt của các Ban QLDA. Đồng thời, các Ban QLDA phải chủ động xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể cho từng dự án để có vướng mắc gì thì giải quyết ngay”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Còn đối với Ban PPP, Thứ trưởng đề nghị tăng hiệu suất, hiệu lực để thẩm định các dự án, đồng thời kiểm soát chặt vấn đề làm dự án của của các nhà đầu tư và xây dựng tiến độ cụ thể với mỗi một dự án, không phải dự án nào cũng 45 ngày, 35 ngày. Đồng thời phải đề xuất ra giả pháp về vấn đề liên quan đến đấu thầu quốc tế, các dự án không liên quan đến nguồn vốn ODA trong PPP thì chỉ đấu thầu trong nước để rút ngắn thời gian, nếu cần thiết thì có danh mục trình Chính phủ xin đấu thầu trong nước các dự án đó. Ban PPP phải tham mưu cho bộ những giải pháp cụ thể, chi tiết để đẩy nhanh tiến độ các dự án BOT và ban PPP tham mưu đưa ra một số cơ chế để xin Chính Phủ trong vấn đề triển khai nhanh các dự án BOT.

Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông có trách nhiệm quản lý trong quá trình đầu tư, có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, Ban QLDA, về vấn đề vai trò, trách nhiệm chỗ nào chưa rõ thì phải làm cho rõ kể cả về thẩm định. Một số ban QLDA đề xuất uỷ quyền thì cho uỷ quyền với một số vấn đề năm trong phạm vi không ảnh hưởng lớn đến vấn đề quản lý chất lượng.

Đối với Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Thứ trưởng yêu cầu phải vào cuộc sâu hơn nữa các dự án này, đặc biệt là về vốn nội ứng cho PPP, tham mưu cho Bộ xây dựng Chương trình làm việc với Chính phủ,  Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính về vấn đề vốn đối ứng cho PPP sắp tới. Đồng thời, chủ động hơn trong vấn đề tạo nguồn vốn đối ứng trong các dự án PPP đặc biệt là những dự án triển khai trong năm 2016.

Vụ KHCN cũng như các đơn vị liên quan đến thẩm định phải xây dựng tiêu chuẩn đường cao tốc rõ ràng và hoàn thiện để khi ban hành ra không bị ảnh hưởng đến quá trình khai thác. Thứ trưởng cũng yêu cầu Vụ tài chính nghiên cứu  vấn đề thu phí để vừa khuyến khích được BOT và không ảnh hưởng đến yếu tố xã hội.

Ý kiến của bạn

Bình luận