Kẻ sát nhân Miyazaki Tsutomu |
Cả nước Nhật những ngày này đang rùng mình vì vụ giết hại và phân xác 9 nạn nhân vào thùng lạnh của tên sát nhân Takahiro Shiraishi. Đất nước Nhật Bản vốn có tỉ lệ tội phạm rất thấp, thế nhưng mỗi vụ trọng án của đất nước này đều không khỏi khiến người ta rùng mình với những tên tội phạm biến thái và bệnh hoạn.
1. Sát nhân Otaku Miyazaki Tsutomu
Vào khoảng 15h chiều, ngày 22/8/1988, Mari Konno, 4 tuổi, rời khỏi nhà để đến chơi nhà bạn của em ở khu căn hộ phức hợp Iruma Village, tỉnh Saitama. Bé gái sau đó đã mất tích.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Asahi Shimbun, một nhân chứng 38 tuổi cho biết bà nhìn thấy Mari đã bị dụ dỗ đi cùng một người đàn ông khoảng 40 tuổi, cao tầm 1m70, mặt tròn, dáng người đậm, tóc xoăn, mặc quần trắng và áo len mỏng màu trắng.
Không tìm thấy nạn nhân, cũng không có cuộc gọi tống tiền nào được gửi tới gia đình, việc tìm kiếm Mari Konno nhanh chóng đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, 6 tuần sau vụ mất tích của Mari, thêm một vụ bắt cóc bé gái xảy ra khiến dư luận thêm một lần hoang mang, lo lắng.
Ngày 3/10/1988, một bé gái khác tại Saitama tên Masami Yoshizawa, 7 tuổi cũng biến mất khi đang trên đường về nhà và được thông báo mất tích vào tối cùng ngày. Liền đó vào tối ngày 12/12/1988, cảnh sát tiếp tục nhận được tin báo mất tích của Erika Namba, 4 tuổi. Họ nhanh chóng nhận ra, đây là "tác phẩm" của một tên tội phạm chuyên nhắm đến các bé gái tại Saitama.
Đến tháng 2/1989, gia đình của nạn nhân đầu tiên – bé Mari, nhận được một bưu phẩm đặt trên thềm nhà. Khi mở ra, họ thấy bên trong chiếc hộp chứa một ít tro, xương, những bức ảnh và 10 chiếc răng nhỏ, kèm bức thư với nội dung: "Mari. Xương. Hỏa táng. Điều tra. Bằng chứng". Liền đó, tới giữa tháng 6/1989, một phần thân thể bé gái được xác định thuộc về em Ayako Nomoto, 5 tuổi, mất tích khoảng 1 tuần trước đó được tìm thấy tại nghĩa trang Miyazawa-ko. Lúc này, giới truyền thông Nhật Bản đã gọi hung thủ gây nên chuỗi vụ việc kinh hoàng trên là "Kẻ sát nhân các bé gái ở Tokyo".
Vào ngày 23/7/1989, tại Hachioji, Tokyo, một người đàn ông bị bắt gặp khi đang có hành động quấy rối tình dục một bé gái. Sau khi bị cha cô bé đuổi đánh, kẻ lạ mặt bỏ trốn rồi bị bắt ngay sau đó khi quay lại hiện trường để lấy xe ô tô. Tại cơ quan điều tra, người đàn ông khai nhận mình là Tsutomu Miyazaki, 26 tuổi, phụ tá tại 1 cửa hàng in ảnh cũ.
Ngay sau khi bắt được Miyazaki, cảnh sát đã tiến hành khám xét và tìm thấy trong phòng của hắn hơn 5.763 băng video với nội dung đồi trụy và bạo lực. Lẫn trong đó là băng và hình các nạn nhân. Ngoài ra, các nhà điều tra đã phát hiện cả những phần di thể còn sót lại của nạn nhân đầu tiên, cô bé Mari Konno.
Từ đây, Miyazaki đã thú nhận y là hung thủ gây nên 4 vụ bé gái mất tích trong thời gian qua. Cơ quan điều tra đã không khỏi rùng mình khi nghe tên sát nhân máu lạnh tường thuật lại tội ác của mình.
Chi tiết làm nên tên gọi "Sát nhân Otaku" của Miyazaki nằm ở sở thích sưu tầm một số lượng cực lớn tranh ảnh, băng đĩa anime đồi trụy trong nhà của hắn. Vốn là một học sinh sáng giá với ước mơ trở thành giáo viên nhưng những mặc cảm bản thân đã khiến Miyazaki trượt dài và sa ngã. Gã vùi đầu vào đọc truyện tranh và lánh xa các mối quan hệ xã hội bình thường. Miyazaki đồng thời cũng mắc chứng rối loạn đa nhân cách - một trong những tác nhân quan trọng đẩy gã vào con đường tội lỗi. Ngày 17 tháng 3 năm 2008, Tòa án Nhật Bản đã thi hành lệnh tử hình đối với Miyazaki Tsutomu.
2. Matsunaga Futoshi - sát nhân tẩy não biến thái
Matsunaga Futoshi hồi bé được đánh giá là một cậu bé ngoan. Gã lập gia đình vào năm 19 tuổi nhưng vẫn qua lại với 10 người phụ nữ khác nhau trong đó có một người là Ogata Junko, về sau trở thành đồng phạm với gã. Năm 1992, bị truy nã do những cáo buộc cưỡng hiếp và lừa đảo, Matsunaga bị cảnh sát truy nã, bắt đầu cuộc sống trốn tránh pháp luật.
Trong quá trình chạy trốn, Matsunaga quen biết và chiếm được lòng tin của một người đàn ông tên Kumio Toraya. Ngày qua ngày gã ép người đàn ông nhẹ dạ uống rượu say lên say xuống rồi giam cầm luôn Kumio Toraya và cô con gái 10 tuổi của anh.
Mỗi lúc lên cơn thú tính, Matsunaga lại dùng phương pháp giật điện để tra tấn tinh thần và cơ thể người đàn ông tội nghiệp. Tháng 2/1996, Kumio Toraya chết do suy tim. Matsunaga chặt xác người đàn ông và ném xuống biển để phi tang chứng cứ đồng thời vẫn giam cầm và thuyết phục con gái nạn nhân rằng cô bé mới chính là kẻ giết cha của mình.
Đến năm 1997, Matsunaga bắt đầu chuyển mục tiêu sang gia đình của người tình Ogata Junko. Sau đó, hắn tìm cách khống chế cả gia đình người tình và tra tấn họ.
Bị khống chế tinh thần, khi Matsunaga ra lệnh cho mọi người trong gia đình Ogata Junko giết hại lẫn nhau, họ thực sự đã làm theo mệnh lệnh của hắn. Các phương pháp Matsugana ưa dùng là giật điện và siết cổ và không biết bằng cách nào gã đã khiến cả gia đình nạn nhân dùng những phương pháp đó để giết hại lẫn nhau.
Matsugana Futoshi và Junko Ogata khi bị bắt giữ |
Sự khống chế gia đình Ogata kéo dài tới 5 năm. Tới năm 2002, tội ác của Futoshi mới bị bại lộ. Gã nhận bản án tử hình vào ngày 12/12/2011.
3. Gã sát nhân hoang tưởng Satoshi Uematsu
Sáng 26/7/2016, đất nước Nhật Bản rúng động vì vụ thảm sát hàng loạt khi Satoshi Uematsu - 26 tuổi - dùng dao giết chết 19 người ở trung tâm người khuyết tật Tsukui Yamayuri En tại thành phố Sagamihara. Vào khoảng 2 giờ sáng, kẻ sát nhân lái xe từ nhà tới trung tâm chăm sóc y tế dành cho người khuyết tật Tsukui Yamayuri En. Tại đây Satoshi dùng búa đập cửa, đột nhập vào bên trong, dùng dao giết hại 9 người đàn ông, 10 phụ nữ và khiến 25 người khác bị thương. Sau đó, gã thản nhiên quay về xe ô tô và tới đồn cảnh sát gần nhất để đầu thú.
Nụ cười có phần ghê rợn của Satoshi Uematsu |
"Ta đã làm được rồi", y nói tại sở cảnh sát lúc 3 giờ sáng. "Ta sẽ giết sạch những kẻ khuyết tật trên thế giới", nghi phạm lạnh lùng tuyên bố.
Satoshi Uematsu từng làm việc tại chính trung tâm hỗ trợ người khuyết tật này nhưng đã bị đuổi việc. Gã sát nhân này dường như có ác cảm với những người khuyết tật khi từng viết thư đề nghị Hạ Viện Nhật Bản thông qua một đạo luật cho phép người khuyết tật sẽ được "chết một cách êm ái".
Giải thích về động cơ gây ra hành vi vô cùng tàn bạo này, Uematsu viết trong lá thư cho biết y đã ước mơ về "một thế giới mà ở đó những người tàn tật chịu nhiều khó khăn và thiệt thòi trong xã hội sẽ được chết một cách nhân đạo, hòa bình".
Ngoài đời Uematsu lại được đánh giá là một người hòa đồng và thân thiện, rất lễ phép với những người xung quanh. Thật khó hiểu lý do khiến một người như vậy lại trở thành một ác quỷ máu lạnh.
Thảm kịch mà Uematsu đã gây ra khiến dư luận Nhật Bản phẫn nộ đồng thời đặt ra câu hỏi rằng, cảnh sát và chính quyền địa phương liệu đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của Uematsu chăng khi gã đã có những biểu hiện về tâm thần và bạo lực từ trước đó? Vụ việc xảy ra có phải một lỗ hổng của an ninh Nhật Bản, ở một đất nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất nhì thế giới?
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.