5 dự án cao tốc khởi công trước 30/6/2023 đã chuẩn bị đến đâu?

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Đường bộ 14/03/2023 12:47

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh dự kiến khởi công trước ngày 30/6/2023.

5 dự án cao tốc khởi công trước 30/6/2023 đang triển khai thế nào? - Ảnh 1.

Phối cảnh cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng (QLĐTXD), năm 2023 dự kiến khởi công 5 dự án quan trọng quốc gia, gồm: Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh. Trong các dự án này, UBND các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản; Bộ GTVT có 2 dự án thành phần (DATP) cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đối với cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Cục QLĐTXD đã hoàn thành công tác thẩm định 3/3 DATP trong tháng 3/2023. Cục QLĐTXD kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk sớm xem xét phê duyệt các dự án.

Cùng với đó, Cục QLĐTXD đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật ngay sau khi các DATP được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ khởi công trong quý II/2023.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thuộc chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đi qua các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk với tổng chiều dài khoảng 117,5km, gồm 32,7km đi qua Khánh Hòa và khoảng 84,8km qua Đắk Lắk. Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 21.935 tỷ đồng.

Dự án sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026 và khai thác đồng bộ toàn tuyến vào năm 2027.
5 dự án cao tốc khởi công trước 30/6/2023 đang triển khai thế nào? - Ảnh 3.

Phối cảnh cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến nay đã phê duyệt 3/3 DATP, đang tập trung triển khai công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán.

Riêng đối với DATP1 đoạn qua tỉnh Đồng Nai, Cục QLĐTXD đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dự toán trước ngày 15/3/2023. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ khởi công trong quý II/2023.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 thuộc chương trình phục hồi và phát triển KT-XH với tổng chiều dài khoảng 53,7km đi qua các tỉnh 2 tỉnh Đồng Nai (khoảng 34,2km) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (19,5km).

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công. Theo tiến độ yêu cầu, dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.
Phối cảnh trạm dừng nghỉ trên cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ- Sóc Trăng

Phối cảnh trạm dừng nghỉ trên cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cục QLĐTXD đã phê duyệt 4/4 DATP, đang tập trung triển khai công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán.

Riêng DATP1 (Anh Giang), DATP2 (TP. Cần Thơ), DATP3 (Hậu Giang), Cục QLĐTXD đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dự toán trước ngày 15/3/2023. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ khởi công trong quý II/2023.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188,2 km, đi qua 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần vận hành độc lập, tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỷ đồng.

Trong giai đoạn phân kỳ, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc 4 làn xe cao tốc hạn chế, mặt cắt ngang 17m. Dự án sẽ hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.
Nút giao Tân Vạn trên tuyến đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh

Phối cảnh nút giao Tân Vạn trên tuyến đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh

Dự án đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh gồm 8 DATP (4 DATP xây lắp và 4 DATP GPMB). Theo Cục QLĐTXD, đến nay đã phê duyệt 4/4 DATP xây lắp, đang tập trung triển khai công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán.

Đối với riêng DATP3 (Đồng Nai), Cục QLĐTXD đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dự toán trước ngày 15/3/2023. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ khởi công trong quý II/2023.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài tuyến khoảng 76,34km (trong đó đoạn tuyến qua địa phận TP. Hồ Chí Minh là 47,51km; tỉnh Đồng Nai là 11,26km; tỉnh Bình Dương là 10,76km; tỉnh Long An là 6,81km).

Dự án thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026 với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.
Phối cảnh một nút giao trên tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội

Phối cảnh một nút giao trên tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 DATP (4 DATP xây lắp và 3 DATP GPMB). Đến nay đã phê duyệt 1/4 DATP xây lắp (DATP2.1 - TP. Hà Nội), đang tổ chức lựa chọn tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2023.

Còn lại 3/4 DATP xây lắp chưa phê duyệt, gồm: DATP2.2 (Hưng Yên) và DATP2.3 (Bắc Ninh). Cục QLĐTXD đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh công tác thẩm định, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án.

Đối với DATP3 (TP. Hà Nội) đầu tư theo phương thức PPP, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Ban QLDA, tư vấn thiết kế tích cực phối hợp làm việc với các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước, các bộ, ban, ngành liên quan để đẩy nhanh công tác thẩm định, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án. Dự kiến khởi công trong quý II/2023.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km gồm: 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, điểm đầu tại khoảng Km3+695 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối tại khoảng Km40+500 đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, trong đó đoạn trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 58,2km, đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km, đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.

Dự án có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 28.193 tỷ đồng (TP. Hà Nội là 23.524 tỷ; Hưng Yên là 1.505 tỷ; Bắc Ninh là 3.164 tỷ); Vốn BOT là 29.447 tỷ đồng.

Các cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền gồm UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Bắc Ninh. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào vận hành khai thác từ năm 2027.
Ý kiến của bạn

Bình luận