5 nông dân vay tiền ngân hàng xây cầu qua sông Thạch Hãn để dân đi lại thuận tiện

Tác giả: Đức Tài

saosaosaosaosao
Xã hội 21/08/2023 09:54

Vào thời điểm kinh tế khó khăn, có 5 người nông dân ở xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) tự nguyện đứng ra vay tiền ngân hàng, góp kinh phí xây cầu phao vượt sông Thạch Hãn cho dân đi lại.

Năm nông dân xây cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn - Ảnh 1.

Cầu phao Triệu Độ bắc qua sông Thạch Hãn

Bán vàng, vay ngân hàng làm cầu 

Vững chãi nối đôi bờ dòng sông Thạch Hãn, cây cầu phao dân sinh được người dân các xã Triệu Độ, Triệu Đại, Triệu Phước...xem như là tuyến đường huyết mạch nối với trung tâm huyện Triệu Phong và TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).

Ngoài người dân địa phương, ít ai biết được cây cầu xây dựng từ ý tưởng và đóng góp từ 5 nông dân Lê Văn Diện, Lê Đình Uynh, Lê Văn Quý, Trương Đăng Duệ, Phan Khắc Minh.

Nói về ý tưởng xây cầu, ông Phan Khắc Minh (57 tuổi, xã Triệu Độ) nhớ lại, năm 2000, trong một lần tình cờ xem ti vi thì thấy một người quê Quảng Bình làm đoạn cầu bằng phao vận chuyển hải sản vào đất liền. Từ đó ông cùng với các nông dân khác nảy sinh ý tưởng xây dựng cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn.

"Thời điểm đó chưa có cầu, để qua sông người dân phải đi trên những con đò chở đầy người, xe máy, hàng hóa… rất nguy hiểm. Thấy bà con vất vả, đi lại khó khăn, chúng tôi quyết định ra Quảng Bình để học hỏi kinh nghiệm về xây dựng cầu phao phục vụ người dân", ông Minh nói. 

Năm nông dân xây cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn - Ảnh 2.

Cầu phao rút ngắn thời gian lưu thông lên trung tâm huyện Triệu Phong và TP. Đông Hà

Với sự quyết tâm làm bằng được cây cầu, nhóm ông Minh bắt đầu tự mày mò, bàn bạc, rồi vẽ bản thiết kế cho cây cầu gửi các cấp thẩm quyền ở Quảng Trị xin phép xây cầu. Tuy nhiên, do không đúng quy định nên Sở GTVT tỉnh Quảng Trị đã không đồng ý và yêu cầu gửi cho Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) trình bày ý tưởng. Một loạt thủ tục, hồ sơ phức tạp, như lớp lớp rào cản đối với những người nông dân lớn tuổi.

Không bỏ cuộc, các nông dân lại bắt xe ra tận Hà Nội để thuyết phục, xin ý kiến của Cục Đường thủy nội địa. "Lúc cán bộ Cục về khảo sát thực địa, vẽ thiết kế cây cầu phao chúng tôi rất vui. Mọi cố gắng của cả nhóm cũng được cơ quan chức năng đồng tình và ủng hộ", ông Minh chia sẻ.

Mất hơn một năm, các thủ tục và bản thiết kế hoàn thành, năm nông dân thuê thợ cơ khí thi công lắp ráp cầu. Sau 3 tháng thi công, tháng 7/2003, cây cầu phao chính thức được đưa vào sử dụng. Cầu có chiều dài 180m, rộng 2,5m, được làm từ 534 chiếc phao nhựa, 35m3 gỗ, 18 tấn sắt và được thiết kế chịu lực là 150kg/m2.

Lúc mới làm, nhóm ông Minh ước tính vốn khoảng 750 triệu đồng nhưng khi hoàn thành đội lên hơn 1,2 tỷ đồng. Thời điểm đó số tiền này rất lớn, mỗi người phải góp 270 triệu đồng, số tiền đều được các gia đình vay từ ngân hàng, có người bán cả vàng mà dành dụm trước lúc trước.

"Những ngày đầu vào hoạt động, nhìn bà con đi lại trên cầu qua sông, cả nhóm ai cũng vui. Trước đây khi chưa có cầu, các cháu học sinh xe đi học mất 34km, giờ chỉ đi 4km. Các tiểu thương thì rút ngắn thời gian, quãng đường vận chuyển hàng hoá, ai cũng mừng thầm", ông Minh hồi tưởng.

Chiếc cầu của lòng dân

Sau khi xây cầu, để có tiền bù đắp khoản nợ ngân hàng và dự phòng kinh phí tu sửa, bảo trì cầu, năm nông dân làm thủ tục xin thành lập hợp tác xã cầu phao Triệu Độ. Mức phí qua cầu tùy thuộc vào từng loại xe, cụ thể: Xe máy 3.000 đồng/lượt, xe đạp và người đi bộ là 2.000 đồng/lượt, còn học sinh chỉ thu mỗi cháu 15.000 đồng/tháng. Năm gia đình luân phiên nhau đứng ra thu phí, mỗi gia đình 1 ngày, còn kinh phí sửa sang, tu bổ hàng năm do 5 gia đình góp lại để thực hiện.

Ông Đỗ Văn Nghĩa (35 tuổi, xã Triệu Độ) cho biết, xã cách trung tâm huyện và TP. Đông Hà khoảng 4km. Lúc chưa có cầu người dân chủ yếu lưu thông bằng đò hoặc đi đường vòng đến tận 34km. Đầu năm 2013, cầu Đại Lộc (xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong) đưa vào sử dụng thì khoảng cách có rút ngắn đi một chút.

"Đi qua cầu phao chỉ có hơn 5km, giảm được chi phí tiền xăng và thời gian. Dù mất tiền để qua cầu nhưng bà con chúng tôi mừng lắm, tiền này cũng giống nhưng bà con góp lại để bảo dưỡng cầu", ông Nghĩa nói.

Năm nông dân xây cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn - Ảnh 3.

Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe máy đi qua cầu

Bà Nguyễn Thị Lan (40 tuổi, trú xã Triệu Độ) chia sẻ, do bản thân là tiểu thương nên hàng ngày phải lên thành phố để buôn bán, lấy hàng. Từ khi có cầu phao việc đi lại của bà trở nên thuận tiện hơn, không còn vất vả hơn trước nữa.

"Chúng tôi biết ơn. Nhờ vào hiểu rõ mong muốn của người dân, mà các ông ấy đã quyết tâm làm được cây cầu vào thời điểm cấp thiết như vậy. Có cầu, người dân nơi đây thoát khỏi cảnh chia cắt đôi bờ, khó khăn trong việc đi lại, giao thương", bà Lan nói.

Sau gần 20 năm hoạt động, năm 2020 trận lũ lịch sử cuốn trôi hoàn toàn cây cầu. Lúc đó trong hợp tác xã có 3 người có ý định bỏ cuộc, không muốn xây lại cầu. Họ cho rằng bản thân đã già và sắp đến Nhà nước sẽ có dự án xây cầu kiên cố bắc qua sông Thạch Hãn.

Nhưng thấu hiểu ý nghĩa của chiếc cầu phao, ông Minh đi từng nhà thành viên nhóm, thuyết phục họ quay trở lại. "Đây là cây cầu của ký ức, mà còn là cây cầu của khát vọng vượt khó, sự quyết tâm không khuất phục trước gian khổ của con người vùng khói lửa chiến tranh tàn phá. Nhờ đó, anh em tôi quyết chí xây lại cầu", ông Minh kể.

Năm nông dân xây cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn - Ảnh 4.

Cầu mới được cả nhóm xây dựng vào đầu năm 2021, nhưng do bờ sông bị sạt lở nên chiều dài của cầu tăng lên 300m. Cầu làm bằng sắt nên chi phí đầu tư 2,7 tỷ đồng. Với số tiền 2,7 tỷ đồng, ông Minh dự kiến khoảng 7 năm sau mới thu hồi đủ số vốn đã bỏ ra và lần đầu tư này khả năng cao, 5 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án cầu qua sông Thạch Hãn ngay tại xã Triệu Độ đang được triển khai.

"Việc lời lãi đã không còn là thứ cốt yếu, chúng tôi chỉ muốn phục vụ bà con một cách tốt nhất, để lại những dấu ấn cho quê hương, sau này có mất đi thì con cháu vẫn biết mình đã làm một việc ý nghĩa. Hy vọng cầu mới hoàn thành, cầu phải sẽ không bị dỡ bỏ, nếu bị tháo dỡ chúng tôi sẽ nhớ nó vô cùng", ông Minh bộc bạch.

Bà Trương Thị Kim Cúc - Chủ tịch UBND xã Triệu Độ cho hay, việc làm của 5 nông dân rất nghĩa, không chỉ giúp đỡ bà con trong việc đi lại, cầu còn giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vào thời điểm hết sức bức thiết, cần có 1 cây cầu như thế.

"Giờ đây khi nhiều cây cầu bê tông chắc chắn bắc qua sông được dựng lên, nhưng với bà con cầu phao Triệu Độ mãi là niềm tự hào của người dân trong vùng. Cầu phao Triệu Độ vẫn được người dân ưu tiên lựa chọn đi lại qua sông mỗi ngày", bà Cúc nói.

>>> Một số hình ảnh tại cây cầu phao xã Triệu Độ 

Năm nông dân xây cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn - Ảnh 5.

Cầu phao có chiều dài hơn 300m được xây mới vào năm 2021

Năm nông dân xây cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn - Ảnh 6.

Phần giữa của cầu được bê tông hóa

Năm nông dân xây cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn - Ảnh 7.

Hệ thống đèn chiếu sáng cũng được nhóm ông Minh lắp đặt trên cầu

Năm nông dân xây cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn - Ảnh 8.

Hệ thống dây cáp giữ ổn định cho cây cầu

Năm nông dân xây cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn - Ảnh 9.

Khi qua cầu người dân phải đóng phí tại trạm

Năm nông dân xây cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn - Ảnh 10.

Nhiều tiểu thương chọn cầu phao là con đường để lên thành phố

Năm nông dân xây cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn - Ảnh 11.

Dự án cầu bắc qua sông Thạch Hãn đang được triển khai thi công