Chuyện lạ: Sở Lao động, TB và XH không công nhận giấy kiểm định do Chi cục Đăng kiểm cấp

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Xã hội 17/08/2023 08:31

Thiết bị xếp dỡ tại nhà máy đóng tàu được Chi cục Đăng kiểm cấp chứng nhận kiểm định, song Sở Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ, TB&XH) không công nhận, yêu cầu phải có giấy của đơn vị đăng kiểm khác.

Chuyện lạ: Sở Lao động, TB và XH không công nhận giấy kiểm định do Chi cục Đăng kiểm cấp - Ảnh 1.

Theo Cục Đăng kiểm VN, các Chi cục Đăng kiểm ngành GTVT thực hiện kiểm định kỹ thuật phương tiện, thiết bị xếp dỡ có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại cơ sở đóng, sữa chữa tàu biển, phương tiện thủy là đúng quy định tại Nghị định số 44/2016 của Chính phủ - Ảnh: N.P

Tại Hội nghị An toàn hàng hải năm 2023 do Cục Đăng kiểm VN vừa tổ chức, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa, hoán cải tàu biển và phương tiện thủy nội địa phản ánh, nêu khó khăn về việc cơ quan quản lý an toàn lao động không công nhận giấy chứng nhận đăng kiểm do Chi cục Đăng kiểm cấp.

Trong đó, bà Ninh Thị Nhung, Phó giám đốc Công ty CP đóng tàu và vận tải biển Nam Phát (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, các thiết bị xếp dỡ tại cơ sở đóng tàu (thuộc diện phải kiểm định theo quy định về an toàn lao động) của đơn vị đã được Chi cục Đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm VN kiểm định, cấp chứng nhận kiểm định. Tuy nhiên, Sở Lao động, thương binh và xã hội địa phương yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểm định do đơn vị đăng kiểm hoạt động kiểm định trong lĩnh vực an toàn lao động cấp.

Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm VN được giao nhiệm vụ quản lý, kiểm định các thiết bị xếp dỡ  dùng trong GTVT có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm VN đã kiểm định kỹ thuật, cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật cho gần 1.400 thiết bị xếp dỡ, 2.200 thiết bị áp lực sử dụng trong GTVT.

Trước thông tin trên, Cục Đăng kiểm VN giao Chi cục Đăng kiểm số 15 (trực thuộc Cục Đăng kiểm VN, thực hiện kiểm định tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra, xác minh thông tin để có phản hồi chính thức với doanh nghiệp, cơ quan quản lý tại địa phương.

Ngày 16/8, trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 cho biết, theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, các phương tiện, thiết bị xếp dỡ có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chuyên dùng trong cảng hàng không, cảng thủy, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy, phương tiện đường sắt… phải có chứng nhận kiểm định.

"Hiện có các đơn vị, trung tâm kiểm định khác nhau thực hiện việc kiểm định kỹ thuật phương tiện, thiết bị theo quy định về an toàn lao động. Tuy nhiên, các bộ, ngành được giao thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý đối với phương tiện, thiết bị chuyên dùng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Đối với lĩnh vực GTVT, tại mục VII, Phụ lục Ib, Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều của Luật An Toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động) quy định rõ thẩm quyền của Bộ GTVT là: Các phương tiện, thiết bị xếp dỡ có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chuyên dùng trong cảng hàng không, cảng thủy, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy, phương tiện đường sắt (trừ phương tiện thiết bị phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh, tàu cá)".

Vì vậy, việc cơ quan quản lý an toàn lao động địa phương yêu cầu phải có chứng nhận đăng kiểm của trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn lao động do Sở Lao động, thương binh và xã hội trực tiếp quản lý là trái quy định, không đúng thẩm quyền", ông Đức cho biết.

Ông Đức cho biết thêm, tại Quyết định số 2836/QĐ-BGTVT ngày 5/10/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng kiểm VN), giao Cục Đăng kiểm VN tổ chức thực hiện: Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, container, nồi hơi, bình chịu áp lực và các phương tiện, thiết bị chuyên dùng khác sử dụng trong GTVT.

Để tổ chức thực hiện, ngày 27/10/2021, Cục Đăng kiểm VN có quyết định số 1497/QĐ-ĐKVN cấp giấy chứng nhận Chi cục Đăng kiểm VN đủ điều kiện hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật lao động. Vì vậy, Chi cục Đăng kiểm số 15 đủ điều kiện kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định cho các thiết bị xếp dỡ lắp đặt tại các cơ sở đóng mới sửa chữa tàu biển, phương tiện thủy nội địa.

"Những thiết bị xếp dỡ có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong các cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy phải được các đơn vị kiểm định được Cục Đăng kiểm VN chứng nhận kiểm định mới đúng quy định pháp luật", Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 Trần Minh Đức khẳng định và cho biết đơn vị đã gửi văn bản đến các công ty đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để giải thích rõ vấn đề trên.

PHÂN CÔNG THẨM QUYỀN CẤP, GIA HẠN, CẤP LẠI, THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN LAO ĐỘNG (Phụ lục Ib mục VII Nghị định số 44/2016 của Chính phủ), quy định thẩm quyền của Bộ GTVT:

Các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được lắp đặt, sử dụng trên phương tiện giao thông vận tải: tàu biển, phương tiện thủy nội địa, đường bộ, đường sắt, hàng không.

Các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động lắp đặt, sử dụng trên các công trình trên biển phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí; hệ thống đường ống dẫn dầu, khí đốt trên biển.

Các phương tiện, thiết bị xếp dỡ có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chuyên dùng trong cảng hàng không, cảng thủy, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy, phương tiện đường sắt (trừ phương tiện, thiết bị phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh, tàu cá).