62 năm Viện KH&CN GTVT: Đắp bồi truyền thống, kiến thiết tương lai

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Ứng dụng 28/09/2018 16:44

Trải qua 62 năm xây dựng và trưởng thành, Viện đã có nhiều thành tích, đóng góp vào các hoạt động KH&CN của đất nước nói chung và ngành GTVT nói riêng.


Viện KH&CN GTVT 1
 

Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập và hoạt động từ năm 1956 đến nay. Với chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học; phát triển công nghệ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực... và thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ của ngành GTVT. 

Dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Ngành

Trong suốt quá trình hoạt động, Viện đã tích cực triển khai các hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) xuất phát từ thực tế sản xuất của Ngành để kịp thời góp phần khắc phục những khó khăn về kỹ thuật trong xây dựng, sửa chữa và bảo trì các cơ sở hạ tầng giao thông. Kết quả hoạt động KHCN từ năm 2017 đến nay trên các lĩnh vực của Viện đã để lại dấu ấn khá rõ nét trong các lĩnh vực hoạt động của toàn ngành. Các hoạt động KHCN của Viện trong năm 2018 đã đạt được các yêu cầu quản lý nhà nước của ngành GTVT, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn trong xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động của ngành GTVT.

Viện đã tổ chức thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ KHCN quan trọng có hàm lượng KHCN cao, qua đó khẳng định Viện hoàn toàn đủ năng lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ Bộ GTVT giao, cũng như các yêu cầu của khách hàng trong và ngoài ngành GTVT. Với mỗi lĩnh vực, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đều có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, đạt kết quả thực tiễn cao: Nghiên cứu chế tạo hệ thống giám sát tự động và điều khiển tập trung cho thiết bị tín hiệu đường ngang; nghiên cứu các phương pháp tính toán thiết kế mặt đường mềm của các nước trên thế giới và đề xuất hướng áp dụng phù hợp trong điều kiện của Việt Nam; ứng dụng công nghệ mặt đường bê tông nhựa ấm trong xây dựng và bảo trì đường bộ tại Việt Nam; nghiên cứu công nghệ bê tông xi măng tiêu nước và định hướng áp dụng cho đường giao thông thành phố, đường giao thông có tải trọng nhẹ; nghiên cứu, đề xuất các dạng kết cấu trụ chống va xô phù hợp cho trụ cầu có thông thuyền đang khai thác ở Việt Nam; nghiên cứu ứng dụng vật liệu CFRP (tấm sợi Polimer carbon ứng suất trước) trong sửa chữa, tăng cường cầu bê tông cốt thép ở Việt Nam; nghiên cứu đánh giá, lựa chọn loại vật liệu thép chịu thời tiết phù hợp cho xây dựng cầu ở các vùng có đặc điểm môi trường khác nhau ở Việt Nam...

Các nghiên cứu khác như: Nghiên cứu áp dụng phương pháp thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa nóng SuperPave phù hợp điều kiện Việt Nam; nghiên cứu đánh giá các chỉ tiêu của nhựa đường 40/50, 60/70 và các loại nhựa đường polymer đang áp dụng tại Việt Nam theo tiêu chuẩn phân cấp nhựa đường PG (Superpave)... Ngoài những kết quả nêu trên, theo yêu cầu của thực tiễn, Viện cũng đã nghiên cứu và đạt được các kết quả như: Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của một số loại phụ gia tăng khả năng dính bám cho bê tông nhựa phù hợp với đặc thù cốt liệu và khí hậu tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên; nghiên cứu ứng dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện trong xây dựng kết cấu nền, móng và mặt đường giao thông nông thôn ở Việt Nam; nghiên cứu bước đầu về ứng dụng xỉ của nhà máy sản xuất thép trong xây dựng mặt đường bê tông nhựa ở Việt Nam; nghiên cứu ứng dụng bê tông nhựa Asphaly Cement nhằm nâng cao chất lượng kết cấu mặt đường tại Việt Nam; nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy thử mỏi tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực phục vụ sửa chữa nâng cấp hệ thống đường sắt Việt Nam...

Viện KH&CN GTVT 2
 

Từ năm 2017 đến nay, Viện đã biên soạn và được công bố 17 tiêu chuẩn quốc gia, 3 qui định kỹ thuật, trong đó nhiều tiêu chuẩn và qui định kỹ thuật đã đáp ứng tốt cho công tác quản lý và kiểm soát chất lượng trong ngành GTVT; đã nghiên cứu và hoàn thiện thử nghiệm đánh giá 5 vật liệu mới, công nghệ mới từ nước ngoài vào Việt Nam: Thử nghiệm vật liệu nhựa đường đá Buton - BRA của Indonexia; thử nghiệm công nghệ Micro-surfacing theo công nghệ của tập đoàn Colas (Cộng hòa Pháp); thử nghiệm vật liệu tái chế nguội tại chỗ sử dụng hỗn hợp polymer PT2A; đánh giá tổng kết việc áp dụng thí điểm lớp phủ siêu mỏng tạo nhám tại các dự án mở rộng QL1 (km1125+00 - km1265+00) qua địa bàn tỉnh Bình Định, Phú Yên; thử nghiệm công nghệ tái sinh nguội bê tông nhựa tại chỗ bằng bi-tum bọt và xi măng...

Ngoài đường bộ, các lĩnh vực khác như cầu hầm, đường sắt, cảng đường thủy, vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình, ATGT, cơ khí, tự động hóa và đo lường, bảo vệ môi trường, thí nghiệm kiểm định, Viện đều có những cán bộ, chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm phụ trách. Nhiều công trình đã được Viện nghiên cứu, ứng dụng thành công, khẳng định vị thế của một cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín đầu ngành GTVT.

Địa chỉ tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định hàng đầu

Với năng lực và kinh nghiệm, Viện đã triển khai các dịch vụ tư vấn giám sát (TVGS), tư vấn kiểm định cũng như đánh giá nguyên nhân cho nhiều dự án trọng điểm có hàm lượng KHCN cao, điển hình như: Dự án đường ô tô cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án cầu Vàm Cống - Cao Lãnh, dự án cầu Bạch Đằng, dự án đường ô tô cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Hoàng Văn Thụ - Hải Phòng, khu đô thị Bắc Sông Cấm... Kết quả hoạt động của Viện qua các dự án này được Bộ GTVT, chủ đầu tư đánh giá cao.

Đối với lĩnh vực đường bộ, đường sân bay, trong thời gian qua Viện đã thực hiện nhiều nhiệm vụ KHCN quan trọng đảm bảo tiến độ và yêu cầu đề ra, qua đó khẳng định được Viện hoàn toàn có đủ năng lực đáp ứng tốt các yêu cầu đối với các nhiệm vụ chính trị được các cơ quan quản lý giao, cũng như các yêu cầu của khách hàng đối với Viện, điển hình như: TVGS nhiều đoạn tuyến trong dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL20, dự án Thái Nguyên - Chợ mới; dự án đường ô tô cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; dự án đường Vành đai III - giai đoạn 2 - TP. Hà Nội; dự án mở rộng QL1 tuyến tránh Vĩnh Long... Ngoài ra, Viện đã có những kinh nghiệm trong thực hiện nhiều dự án tư vấn kiểm định và TVGS về lĩnh vực sân bay như sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay Chu Lai, sân bay Thọ Xuân, Đồng Hới, Phú Bài, Phù Cát, Pleiku, Phú Quốc.

Viện KH&CN GTVT 3
 

Đối với lĩnh vực cầu hầm, ngoài những hoạt động KHCN tiêu biểu nêu trên, Viện đã tiến hành nhiều hoạt động phục vụ sản xuất theo yêu cầu của Bộ GTVT, của địa phương và nhiều cơ quan tổ chức khác trên khắp đất nước, điển hình như: TVGS, thí nghiệm kiểm định thuộc Đề án đầu tư xây dựng 186 cầu treo dân sinh; TVGS cầu Bạch Đằng - Hải Phòng; TVGS cầu Phật Tích - Bắc Ninh; kiểm định cầu Vàm Cống - Cao Lãnh; tư vấn kiểm định, đánh giá chất lượng, khả năng chịu lực của một số hạng mục kết cấu gói thầu J2 và đánh giá gói thầu J1, J3 Bến Lức - Long Thành; kiểm định hầm đường bộ Đèo Cả; thẩm tra quy trình bảo trì hầm sông Sài Gòn...

Đối với lĩnh vực đường sắt, Viện đã và đang thực hiện các nhiệm vụ: TVGS phần xây lắp dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; TVGS gói thầu CP3 dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Hiện nay, các dự án trên đây đang gấp rút để hoàn thành theo tiến độ đề ra, nhiều hạng mục đã được xây dựng đảm bảo chất lượng, tiến độ. Qua dự án này, Viện đã khẳng định được khả năng làm chủ hoạt động TVGS, cố vấn kỹ thuật đối với các dự án đường sắt đô thị.

Đối với lĩnh vực cảng - đường thủy, Viện được giao TVGS thi công luồng lạch sông Hậu; TVGS và kiểm định cảng Hải Phòng... Viện đã nghiên cứu tổng kết công tác quản lý chất lượng trong thi các dự án cảng - đường thủy để làm cơ sở tham mưu theo các yêu cầu của Bộ GTVT.

Đối với lĩnh vực ITS, trong thời gian qua, Viện được giao thẩm tra Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống quản lý giao thông đô thị thông minh TP. Hải Phòng - Giai đoạn 1; Viện đã thực hiện thẩm tra bản vẽ thiết kế thi công và dự toán Dự án Nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu phục vụ công tác điều hành giao thông đô thị gói thầu. Hiện tại, Viện đang thực hiện tư vấn giám sát thi công Dự án Đầu tư hệ thống camera giám sát tại các nút giao thông trọng điểm và TVGS (các gói thầu Tổng thầu EPC; mua sắm phần mềm, điều tra và xây dựng mô hình mô phỏng giao thông) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh... Đây là một trong những cơ sở để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành GTVT.

Viện KH&CN GTVT 4
 

 Từ kết quả hoạt động của Viện thông qua các dự án lớn nhỏ của ngành GTVT, có thể khẳng định Viện có đủ khả năng thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải quyết các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong xây dựng, duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng GTVT trong mọi cấp công trình.

Trong thời gian tới, Viện chủ động và tập trung giải quyết những vấn đề kỹ thuật, nghiên cứu giải mã những công nghệ trọng yếu phát sinh trong thực tế sản xuất của trong cả 5 lĩnh vực của Ngành, đặc biệt chú trọng tới giải pháp tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực ITS, đường sắt đô thị, cảng biển và hàng không. Ngoài ra, Viện tiếp tục nghiên cứu những công nghệ mới, thử nghiệm các loại vật liệu mới trong xây dựng, bảo trì, sửa chữa tăng cường kết cấu công trình giao thông phù hợp với từng vùng miền...; biên soạn các tiêu chuẩn, qui chuẩn, xây dựng các qui trình, chỉ dẫn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng của ngành GTVT.

Ý kiến của bạn

Bình luận