Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, thu hút đầu tư tại các tỉnh, vùng đang theo kiểu "mạnh ai nấy làm, thi nhau rải thảm đỏ". Ảnh: Q.H |
Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội trên nghị trường ngày 2/11, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhấn mạnh chiến lược phát triển kinh tế vùng cần được phân tích rõ hơn trong báo cáo của Chính phủ.
Theo ông Sơn nói, quy hoạch kinh tế vùng hiện nay chỉ là sự ghép nối các tỉnh thành, một số nơi là sự “nối ghép cơ học”, chưa có sự liên kết thực sự.
“Cả nước có 63 tỉnh thành, 245 bến cảng, 29 cảng biển, 21 sân bay trong đó 10 sân bay quốc tế. Gần như tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn có sân bay, cảng biển.... khiến đầu tư dàn trải, lãng phí. Thu hút đầu tư mạnh ai nấy làm, thi nhau rải thảm đỏ”, ông Sơn nói và cho rằng lãnh đạo các tỉnh cần xoá bỏ tư duy khép kín, cục bộ về phát triển ngành, cơ cấu hạ tầng.
Tham gia thảo luận, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần phát triển thế mạnh của địa phương trên cơ sở quy hoạch của toàn vùng; phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn; xóa bỏ tư duy khép kín, không để 63 địa phương là 63 nền kinh tế riêng lẻ.
Bàn thêm về vấn đề này, đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, trong quy hoạch phát triển vùng Nhà nước phải là chủ thể thực hiện quy hoạch tổng thể, không nên để mỗi tỉnh, mỗi địa phương tự quy hoạch.
Lấy ví dụ về Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (Ethanol) ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, đại biểu Cao Đình Thưởng cho biết, dự án này ra đời do sự đánh giá không đầy đủ và thiếu thận trọng trong quy hoạch vùng nguyên liệu sắn ở rất nhiều tỉnh, trong đó có Phú Thọ. Dự án khởi công quý III/2008 và dự kiến đi vào hoạt động từ quý III/2010 với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.385 tỷ đồng. Đến nay dự án đã qua 4 lần điều chỉnh với số vốn "đội" lên gần 2.490 tỷ, nhưng vẫn chưa hoàn thành.
“Có thể nói đây là dự án nguy cơ phá sản cao, để lại nhiều hệ lụy”, ông Thưởng nhận xét và đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và chủ đầu tư sớm có giải pháp.
Mục tiêu tăng trưởng phải dựa trên "tiền tươi, thóc thật"
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đánh giá niềm tin vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy, nhưng doanh nghiệp, nền kinh tế vẫn còn vô vàn khó khăn.
Nhắc lại bài học trước đây đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô, đại biểu Lộc cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017 là tương đối cao.
“Từ góc độ nào đó, việc đặt ra những mục tiêu cao tạo động lực để cả hệ thống vươn xa hơn. Tuy nhiên, những mục tiêu quá tầm với lại thể hiện tính chủ quan, duy ý chí, bỏ qua các quy luật khách quan... ”, Chủ tịch VCCI phát biểu.
Theo ông Lộc, vấn đề chính nằm ở chỗ có "rất nhiều thứ" như kế hoạch thu/chi ngân sách, nợ công…, được lập trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Áp lực tăng trưởng kinh tế những năm tới là rất lớn, nhưng mọi kế hoạch đều phải được tính toán trên cơ sở "tiền tươi, thóc thật" và phải "liệu cơm gắp mắm".
Chủ tịch VCCI đề nghị nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, đồng thời cố gắng bảo đảm cải thiện chất lượng tăng trưởng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.