Giao thông nội đô TP. Điện Biên hôm nay |
Những con đường làm nên từ máu xương
Ngày 27/10/1962, Quốc hội Khóa II đã ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc gồm 3 tỉnh Lai Châu, Sơn La và Nghĩa Lộ. Ngày 26/11/2003, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
Một trong những dấu son chói lói của cả dân tộc là chiến thắng Điện Biên Phủ, mà trong đó GTVT là “xương sống” của chiến dịch. Giao thông là “mạch máu” lưu thông phục vụ cho thời chiến cũng như thời bình, xây dựng CNXH. Xác định rõ tầm quan trọng, những con người GTVT với gần 100% là cán bộ, chiến sỹ xung phong tình nguyện, kế tiếp nhau với hơn 4.000 thanh niên xung phong phục vụ mở đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên những kỳ tích vang dội địa cầu.
Tuy gặp nhiều khó khăn gian khổ, nhất là những đơn vị ban đầu, từ năm 1954 đến năm 1962, lực lượng GTVT tỉnh Điên Biên và Lai Châu đã vượt lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trong ba năm chống chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ, gần 13 ngàn tấn bom đạn tập trung dội vào đường giao thông, cầu cống.Những con người GTVT đã tháo gỡ, phá hủy 7.000 tấn bom nổ chậm để đảm bảo giao thông thông suốt, bắn rơi 14 máy bay; đã có 73 đồng chí hy sinh trên chiến trường và 45 đồng chí hy sinh vì ốm đau, bệnh tật, tai nạn do mìn của chiến trường cũ và máy bay Mỹ đánh phá.
Hơn 20 năm, lực lượng TNXP ngành GTVT đã làm mới và nâng cấp được 843km quốc lộ và tỉnh lộ với đường cấp 5 rải cấp phối và xây dựng được 70 cầu lớn nhỏ trên 1.300 cống các loại. Đường ngầm, đường tránh là 17km và 1.300m cầu phà phục vụ, với 10 đơn vị công trường và Tổng đội thanh niên xung phong ngành GTVT trên khắp các tuyến đường giao thông của tỉnh Lai Châu. Cùng với đó, thanh niên xung phong GTVT đã làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào làm được 49km đường Tây Trang đi Mường Khoa, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng CNXH ở Lai Châu.
Tạo bước chuyển mình mạnh mẽ và vững chắc
Chiến tranh đã khép lại 44 năm nhưng tinh thần kiên cường, quả cảm của những con người xả thân vì GTVT thời chiến vẫn luôn là “kim chỉ nam” cho công cuộc xây dựng GTVT tỉnh Điện Biên ngày nay. Trải qua 16 năm kể từ khi chia tách tỉnh, CB, CNVC, lao động Sở GTVT tỉnh Điện Biên đã và đang vượt qua mọi khắc nghiệt của thời tiết và khó khăn của đời sống, ra sức phấn đấu đảm bảo trọng trách là “lá cờ” tiên phong xây dựng hệ thống GTVT hiện đại, văn minh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đi lên từ sự đổ nát của chiến tranh, trong những năm qua nhiều tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp như: QL12 đoạn thị xã Mường Lay - Mường Chà, đoạn Cầu A1 - Bản Phủ, đoạn Núa Ngam - Ngã ba Trại Bò; QL6 đoạn Tuần Giáo - thị xã Mường Lay, QL279B, QL4H đoạn Na Pheo - Si Pha Phìn, Mường Nhé - Chung Chải - A Pa Chải; đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các tuyến đường tỉnh ĐT150, ĐT145B, ĐT141B… Bên cạnh đó, các hệ thống giao thông nông thôn ngày càng phát triển.
Tính đến hết năm 2018, tổng chiều dài đường giao thông toàn tỉnh hiện có 8.276,6km, gồm: 751km quốc lộ; 245,8km đường đô thị; 604,8km đường tỉnh; 1.093km đường huyện; 74,2km đường tuần tra biên giới; 5.336,4km đường xã, đường dân sinh thôn bản, đường nội đồng; 171,4km đường chuyên dụng. Toàn tỉnh có 130 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm. Hệ thống cầu dân sinh được quan tâm đầu tư giai đoạn 2015 - 2019 với 70 cây cầu treo và cầu bê tông cốt thép.
Về vận tải, toàn tỉnh hiện có 8 bến xe khách, 285 xe khách và 206 xe taxi với tổng số 93 tuyến, trong đó có 66 tuyến liên tỉnh, 21 tuyến nội tỉnh và 6 tuyến vận tải quốc tế; so với năm 2015 đã tăng 32 tuyến liên tỉnh và 6 tuyến nội tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng mới Trung tâm Đăng kiểm với 02 dây chuyền kiểm định hiện đại, đáp ứng và phục vụ nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức đầu tư hiện đại cơ sở hạ tầng như đầu tư xây dựng cải tạo Trung tâm Sát hạch cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, đầu tư phương tiện xe khách hiện đại; đào tạo, giáo dục đội ngũ lái xe có tay nghề cao, ý thức đạo đức phục vụ tốt.
Ông Nguyễn Đình Giang - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên khẳng định: “Nỗ lực “thay da đổi thịt” của GTVT tỉnh những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh - quốc phòng. Công tác quản lý GTVT đã được quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, hạn chế TNGT”.
Cần được thúc đẩy phát triển
Theo ông Nguyễn Đình Giang, Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản còn yếu kém, chưa đồng bộ, nhất là ở các xã vùng cao, biên giới. Mặc dù đã có bước phát triển nhưng tình hình kinh tế chung của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng huy động, bố trí vốn cho các dự án, công trình trong lĩnh vực GTVT vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Hệ thống quốc lộ đã được Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN quan tâm đầu tư sửa chữa bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, do cơ chế nên giao kế hoạch vốn rất chậm, nhiều dự án từ năm 2018 đến nay vẫn chưa được giao kế hoạch vốn, ảnh hưởng đến công tác thực hiện quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, có tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Sở GTVT có hai dự án xây dựng cơ bản đang thực hiện thì bị dừng không được cấp vốn tiếp, gây lãng phí vốn đã đầu tư và không đảm bảo ATGT. Trong khi đó, tình hình thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại nặng nề đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, công tác tổ chức thi công và đảm bảo giao thông trên các tuyến, đặc biệt là các tuyến đường vừa nâng cấp cải tạo, vừa khai thác gặp nhiều khó khăn...
Trong giai đoạn tới, để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung tuyến đường cao tốc Sơn La - Điện Biên và đề nghị quy hoạch kết nối đường cao tốc Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đặc biệt, Sở GTVT tỉnh cũng đề nghị Bộ GTVT sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không Điện Biên nhằm tháo gỡ nút thắt về GTVT, nâng cao năng lực vận tải hàng không và tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là về du lịch. Trước mắt, địa phương đề nghị nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ theo quy hoạch đã được phê duyệt để máy bay A320 - A321 cất và hạ cánh được.
Trong giai đoạn 2021 - 2026, hệ thống giao thông đường bộ cũng rất cần được Bộ GTVT, Chính phủ quan tâm đối với các dự án dở dang gồm: Thảm tăng cường lớp bê tông nhựa mặt đường, cải tạo các đường cong bán kính nhỏ, kiên cố hóa các công trình phòng hộ, thoát nước và chỉnh lý hướng tuyến tránh các đoạn sụt trượt trên QL12 đoạn km102 - km139+650; Dự án cải tạo, nâng cấp QL279B, tỉnh Điện Biên; Dự án thành phần 2 đoạn Điện Biên - Tây Trang thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp QL279 đoạn Tuần Giáo - Điện Biên - Tây Trang; Dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Tuần Giáo - Lai Châu (km405+300 - km501+00).
Cùng với đó là hai dự án đã có quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp QL4H đoạn km00 - km47, tỉnh Điện Biên; Dự án cải tạo, nâng cấp QL4H đoạn km147+200 - km184+200 (bao gồm cả nhánh ra cửa khẩu A Pa Chải), tỉnh Điện Biên.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.