Xe khách Thảo Châu "chiếm" luôn lòng đường để đón khách trong gần 15 phút (Ảnh chụp lúc 12 giờ 05 phút, ngày 18/10) |
Trước tình trạng bát nháo của nhiều xe khách tại khu vực công viên Hòa Bình, Phường 9, Quận 5, Tp.HCM, Tạp chí GTVt đã nhanh chóng tìm hiểu và phát hiện những "địa bàn" mang tính chất "đất vàng" đã được các doanh nghiệp vận tải Bến Tre áp dụng.
Những mánh khóe “lách luật”
Công viên Hòa Bình đã trở thành "điểm ngắm" của hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách hoạt động dưới hình thức "trá hình" khi UBND Tp.HCM ráo riết dẹp vấn nạn "xe dù, bến cóc". Hàng chục tuyến đường lớn nhỏ trên địa bàn Quận 5, quận 10 đã được gắn biển cấm dừng cấm đỗ khiến các nhà xe này nháo nhào tìm nơi "trú ngụ". Và hiển nhiên khu vực các công viên được hầu hết các "ông lớn" trong ngành vận tải hành khách đưa vào tầm ngắm.
Ngay tại công viên Hòa Bình, đã có các nhà xe lớn của tỉnh Bến Tre đặt cạnh nhau trong phạm vị chưa đến 200 mét. Có thể điểm danh các nhà xe này như: Hoàng Khải, Thảo Châu, Thịnh Phát, Minh Tâm... Các "ông lớn" này đặt văn phòng tại đây và sau đó thoải mái cho các phương tiện dưới danh nghĩa hợp đồng để đi xuyên tâm vào nội đô đón khách.
Vô tư đón khách và bốc xếp hàng hóa trong thời gian dài |
Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi ghi nhận được tình trạng dày đặc các xe khách đi từ Bến Tre lên Tp.HCM và ngược lại. Hầu hết các nhà xe này đều có lịch "xuất bến" 30 phút có một chuyến. Mục sở thị xe khách Hoàng Khải có trụ sở đặt tại 50, Nguyễn Chí Thanh, Phường 2, Quận 10, Tp.HCM. Các nhân viên ở đây quảng cáo rầm rộ và cho biết cứ 30 phút là có một xe xuất bến, đưa rước khách tận nơi trong khu vực Thành phố Bến Tre. Đối với chiều ngược lại, nhà xe này đưa ra các "chính sách" của hãng như: Mỗi ngày nhà xe có hơn 60 chuyến từ Bến Tre lên Sài Gòn và ngược lại. Tại Tp.HCM có đội ngũ xe ôm trung chuyển khách về văn phòng nhà xe, đặc biệt lộ trình xe đi qua các tuyến đường và bệnh viện lớn, thích hợp cho người dân khám bệnh......Cứ như thế, các nhân viên ở đây mải mê quảng cáo sự tiện nghi của nhà xe này. Mặc cho người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn Quận 5 và các khu vực lân cận "kêu gào" trước tình trạng kẹt xe, ùn tắc ngày càng nghiêm trọng.
Cách nhà xe này tầm 100 mét là nhà xe Thảo Châu, tại địa chỉ 70B Hùng Vương cũng hoạt động theo cách thức như nhà xe Hoàng Khải. Trưa ngày 18/10 chúng tôi vào khu vực nhà xe này để mua vé đi Bến Tre, sau khi nhận phiếu đặt chỗ thì đến 12 giờ 15 phút xe khách mang BKS 51B-242.97 bắt đầu xuất phát. Sau khi cho xe di chuyển chậm trên dọc các tuyến đường để bắt khách thì đến khu vực bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đón một khách nữ. Khi xe di chuyển qua khu vực đối diện bệnh viện Đại học Y dược Tp.HCM lại tiếp tục đón thêm 2 khách lẻ. Vị tài xế liên tục hỏi có đặt vé chưa và chỉ có một khách gật đầu. Liên tiếp chiêu trò của " xe dù thương hiệu", nhà xe liên tục đảo qua các khu vực đông khách như bệnh viện, bến xe…. để tìm khách. Khi đến trước khu vực bến xe Miền Tây nhà xe này lại có thêm được 2 hành khách nữa.
Tương tự nhà xe Thảo Châu thì ngày 25/9 trước đó chúng tôi cũng đã mục sở thị cách thức hoạt động của nhà xe Hoàng Khải. Sáng ngày 25/9, xe rời khỏi khu vực công viên Hòa Bình sau lưu thông theo hướng ra đường Kinh Dường Vương, Quốc lộ 1A. Tài xế xe khách liên tục nhá đèn, xi nhan và di chuyển với tốc độ "rùa bò" để kiếm thêm khách. Khi xe vừa đến khu vực ngã tư Sư Vạn Hạnh giao với Hùng Vương, đã đón thêm một hành khách. Tiếp tục đến khu vực trước trung tâm thương mại Parkson trên đường Hùng Vương, xe tiếp tục đón một khách khác. Khi ra đến đường Kinh Dương Vương, chúng tôi quan sát xem chiếc xe này có vào bến xe Miền Tây hay không? Vị tài xế vẫn tiếp tục cho xe chạy chậm, liên tục nhá đèn và cuối cùng đón thêm được một khách lẻ tại địa chỉ ô tô Phú Lâm (464, Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân). Và sau đó di chuyển thẳng ra Quốc lộ 1A về Nguyễn Văn Linh rồi cho xe dừng lại bắt khách và tiến hành thu tiền từng người một với giá vé 70.000 đồng.
Như vậy sau gần một tháng theo dõi, lịch trình của các nhà xe này chính là đi thẳng từ Văn phòng Tp.HCM về tới Văn phòng Bến Tre dưới dạng "hợp đồng", thậm chí nhiều doanh nghiệp trên thực tế có lộ trình đăng ký từ bến xe Miền Tây. Thế nhưng các xe này thỏa sức tung hoành nội đo đón khách và trên xe toàn là những vị "khách lẻ" được tài xế bắt dọc đường, cộng thêm chúng tôi...Tất cả đều không hề thực hiện một hợp đồng giao dịch nào. Vậy mà nhà xe này vẫn hoạt động trót lọt, dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các lực lượng CSGT, Thanh Tra giao thông và các cơ quan liên quan của hai địa phương Tp.HCM và Bến Tre.
Xây dựng một "đế chế" hoành tráng
Sau khi đến địa bàn tỉnh Bến Tre, chúng tôi ngỡ ngàng vì ngay trung tâm thành phố này là một bến xe khách liên tỉnh được xây dựng hoành tráng và quy mô rộng lớn. Theo tìm hiểu, đây là bến xe loại 1 trực thuộc Sở GTVT tỉnh Bến Tre.
Thế nhưng có một điều đặc biệt là bến xe này hầu như chỉ phục vụ xe hợp tác xã, các tuyến xe đường dài và xe buýt… Còn các xe khách từ Bến Tre đi Tp.HCM hình như bị “ngó lơ”. Trong khi đó đây chính là tuyến đường quan trọng nhất cho sự phát triển của dịch vụ vận tải hành khách tại địa phương này.
Doanh nghiệp Thịnh Phát, một trong những đơn vị được người dân điểm chỉ "chạy dù" |
Qua nhiều ngày tìm hiểu thì người dân ở đây cho biết, khách trong tỉnh đi Tp.HCM chủ yếu được các nhà xe lớn như Thịnh Phát, Thảo Châu, Minh Tâm, Hoàng Khải… đưa đón tận nhà. Bằng hình thức này, các nhà xe lôi kéo khách tập trung về tại văn phòng công ty và hoạt động theo kiểu “tự thu tiền, tự hoạt động” và ít chịu sự quản lý nào của các cơ quan ban ngành địa phương.
Trong vai một hành khách xuống Bến Tre và đang chuẩn bị về lại Tp.HCM, chúng tôi được một người dân ở đây điểm chỉ : Ngay trên đại lộ Đồng Khởi nhà xe Thịnh Phát có hẳn "bến xe" riêng, vừa có bãi giữ xe, chỗ bốc hàng hóa, văn phòng bán vé...
Bãi đổ xe để các phương tiện lên tài |
Theo lời chỉ của người dân, chúng tôi đến địa chỉ 82A, Đại lộ Đồng Khởi, phường Phú Khương, Tp. Bến Tre để tham quan “bến xe” này. Nhìn ngoài không lớn nhưng bên trong lại phình ra hết sức hoành tráng với bến bãi, phương tiện đậu đỗ, khu vực bán vé, sảnh chờ…Bên cạnh đó hành làng kéo dài phía sau là nhà vệ sinh, bãi giờ xe, khu vực bốc xếp hàng hóa. Khung cảnh nhộn nhịp chẳng khảng nào một bến xe loại 3 của các địa phương khác.
Hành khách sau khi lấy phiếu bước lên xe đậu sẵn và trả tiền trực tiếp trên xe |
Một tờ phiếu ghi rõ thông tin ngày giờ "xuất bến" của phương tiện |
Một bãi gửi xe quy mô cho khách ngang ngửa các bến xe loại 2, loại 3 của các địa phương khác |
5 giờ chiều ngày 25/9, chúng tôi lên xe mang BKS 71B-004.35, xe xuất phát tại khu vực nhà xe và bên trong chỉ có khoảng 8 khách. Khi xe đến gần khu vực showroom Quang Trường ở địa chỉ 185A Đồng Khởi thì đón thêm 4 người nữa. Tiếp tục đi vào khu vực thị trấn Châu Thành tại đây nhà xe này tiếp tục đón thêm khách lẻ. Cứ như vậy dọc theo tuyến đường, tài xế liên tục dừng đón khách, mặc dù loại hình vận tải mà các nhà xe này đăng ký là xe hợp đồng.
Câu hỏi đặt ra với Bến Tre có đang dung túng cho các nhà xe này hay không? Khi liên tục trong thời gian dài các nhà xe thực hiện việc đón khách dọc đường vô tội vạ, gây bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải cũng như gây mất an toàn giao thông trên địa bàn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.