Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 của Nga |
Trì hoãn vô thời hạn
Ấn Độ được cho là đã dừng hợp tác với Nga trong chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 (FGFA) vốn dĩ đã gặp không ít trục trặc. Đây là một nỗ lực chung giữa hai nước nhằm chế tạo một biến thể cải tiến của tiêm kích tàng hình Su-57 cũng gây nhiều lo ngại không kém.
Dù không phải là điều quá ngạc nhiên vì từ nhiều năm nay chính phủ Ấn Độ đã ngày càng tỏ rõ thất vọng với tiến độ dự án và các khả năng của loại máy bay này, nhưng quyết định trên vẫn có thể để lại những hậu quả to lớn cho cả hai nước.
Ngày 20/4/2018, Tạp chí Jane’s 360 dẫn các nguồn tin quan chức giấu tên cho biết, Không quân Ấn Độ đã ngưng chương trình FGFA vô thời hạn.
Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Bộ trưởng Quốc phóng Sanjay Mitra được cho là đã thông báo quyết định này với các quan chức Nga khi họ tới thăm New Delhi vào tháng 2/2018. Nhiều thông tin tương tự cũng đã xuất hiện trên các kênh truyền thông nội địa của Ấn Độ.
Các quan chức Nga và Ấn Độ vẫn chưa đưa ra bất kỳ phát biểu chính thức nào xác nhận việc chấm dứt chương trình, tuy phía chính giới Ấn Độ đã phát đi tín hiệu họ có thể sẽ xem xét lại dự án trong tương lai. Động thái này có thể cho phép cả hai quốc gia tránh được việc phải thừa nhận nỗ lực chung của họ đã sụp đổ - vấn đề đặc biệt nhạy cảm đối với Nga.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, dự án FGFA trên thực tế dường như đã "chết lâm sàng" sau hơn 1 thập kỷ đàm phán, trì hoãn và ngay cả Su-57 cũng gặp quá nhiều khó khăn.
Vẫn được biết đến với các tên gọi khác là T-50 hay PAK FA, tiêm kích tàng hình Su-57 được cho là nền tảng để Ấn Độ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5.
Đâu là nguyên nhân chính?
Theo thông tin từ tờ Business Standard của Ấn Độ, các đặc tính tàng hình thực tế của Su-57 chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất.
Nhưng tàng hình cũng không phải là vấn đề duy nhất của Su-57. Từ lâu đã xuất hiện nhiều mối lo ngại liên quan tới động cơ của nó. Một câu hỏi đặt ra là liệu động cơ AL-41F của nhà máy Saturn, hoặc biến thể tiên tiến hơn sau đó, có đủ để cung cấp năng lượng cho Su-57 hay không?
Độ tin cậy cũng như việc kiểm soát chất lượng sản xuất động cơ của Saturn cũng là một câu hỏi nữa còn để ngỏ.
AL-41F được phát triển dựa trên AL-31F, động cơ dùng cho các máy bay Su-30MKI của Ấn Độ. Các động cơ turbofan này có thời gian trung bình giữa hai lần đại tu (TBO) rất ngắn, chỉ khoảng 1.000 giờ, là thời điểm chúng cần phải đưa trở lại kho chứa để bảo dưỡng, có thể là ở Nga.
Theo nhà sản xuất thì các động cơ mới đã gia tăng đáng kể thời gian TBO nhưng mức độ chính xác của tuyên bố này đến đâu vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.
Nga thực tế đã thử nghiệm chuyến bay đầu tiên một nguyên mẫu Su-57 với động cơ mạnh mẽ hơn - Saturn Izdeliye 30, một biến thể khác của AL-31F vào tháng 12/2017. Nhưng thật không may, động cơ đó chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt, ít nhất cho tới 2020.
Thiết kế hiện tại của Su-57 cũng không được phát triển theo khái niệm "động cơ module" khiến cho việc bảo trì định kỳ rất tốn thời gian và chi phí.
Cuối cùng, đã có thông tin về những bất đồng lớn liên quan tới việc chia sẻ dữ liệu công nghệ gắn với phần mền và máy tính của Su-57. Kremlin liên tục từ chối cho phép các đối tác ở New Dehli được quyền tiếp cận đầy đủ code, yếu tố cho phép Nga có quyền kiểm soát bất cứ sản phẩm cuối cùng nào.
Hậu quả nào đối với Nga?
Với Nga, việc mất đi đối tác Ấn Độ thậm chí có thể còn gây ra nhiều vấn đề lớn hơn. Không có thêm nguồn thu từ Ấn Độ để duy trì chương trình Su-57, Kremlin có thể phải tiếp tục đẩy lùi kế hoạch hoàn thiện tiêm kích thế hệ 5 thêm nữa.
Ban đầu, Nga hy vọng đến năm 2020 có thể chế tạo được 150 chiếc Su-57 nhưng rồi lại điều chỉnh kế hoạch chỉ mua khoảng hơn chục chiếc, và đến tận cuối năm 2017 vẫn chưa tiếp nhận được đủ số máy bay này.
Kremlin tuyên bố, từ cuối năm 2018 sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt Su-57 và có thể mua tới tổng số 220 chiếc - một lời quả quyết đầy nghi vấn nếu xét tới những cắt giảm ngân sách quốc phòng hiện nay và sự tập trung ồ ạt cho các vũ khí chiến lược đắt đỏ khác.
Tháng 2/2018, Không quân Nga đã điều 2 nguyên mẫu Su-57 tới Syria nhưng khó có khả năng chúng đã thực hiện được bất kỳ sứ mệnh hữu ích nào ở đó, cho các mục đích thử nghiệm hay bất kỳ mục đích nào khác, khi chúng chỉ lưu lại đây chưa tới 2 ngày.
Hiện vẫn chưa rõ cả hai quốc gia sẽ quyết định tiếp tục theo hướng nào. Tiến trình mua sắm vũ trang của Ấn Độ vốn gặp không ít điều tiếng vì kéo dài, rối rắm và thường chịu nhiều điều tiếng liên quan tới tham nhũng.
Do đó, bất kỳ kế hoạch mới nào cho máy bay chiến đấu thế hệ 5 có lẽ cũng sẽ bị đẩy lùi lại tương lai.
Tiến trình của Nga với Su-57 cũng trì trệ chẳng kém và bất chấp những tuyên bố đầy lạc quan từ Kremlin và Sukhoi, không có bất cứ bảo đảm gì các máy bay này sẽ đạt được các đặc tính mong muốn hay sớm sản xuất đủ số lượng như Moscow kỳ vọng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.