Diễu binh nhân Ngày Cộng Hòa của Ấn Độ tại New Delhi ngày 11/01/2018. Ảnh Reuters |
Với mức tăng trưởng hàng năm trên 7% từ 2014 đến nay, Ấn Độ được coi là quốc gia năng động nhất trong nhóm G20. Hơn nữa, sự phát triển của Ấn Độ rất cân đối và theo số liệu chính thức thì tỷ lệ thất nghiệp của nước này không quá 3,5%, nhờ vậy mà trong 10 năm qua đã góp phần giảm tỉ lệ nghèo đói từ 38% xuống còn 21% dân số.
Theo Le Point, tác nhân chính thúc đẩy tăng trưởng của Ấn Độ đó là các cải tổ do thủ tướng Narendra Modi tiến hành. Ông đã "chữa trị" kinh tế Ấn Độ bằng một liệu pháp cú sốc chưa từng có. Đầu tiên là cú sốc về sản xuất, với khẩu hiệu "Sản xuất tại Ấn Độ", nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp và tạo công ăn việc làm.
Tiếp đến là cú sốc tiền tệ, với việc chuyển tiền mặt thành các tài khoản ngân hàng. Rồi cú sốc thuế khóa, với việc ban hành một loại thuế quốc gia duy nhất, thay thế cho vô số loại thuế địa phương tại 29 bang của Ấn Độ.
Về tài chính, ông Modi đã cho bơm vốn vào các ngân hàng công tổng cộng 32 tỉ đôla trong vòng 2 năm, để gia tăng nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp. Thủ tướng Ấn Độ còn tự do hóa các khu vực tài chính, phát thanh truyền hình và quốc phòng, đồng thời mở các dự án cơ sở hạ tầng cho đầu tư nước ngoài.
Le Point dự báo là cứ theo đà này thì Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới vào năm 2032, thậm chí hàng đầu thế giới vào năm 2050. Nhưng để đối đầu với những thách thức to lớn, nước này phải thực hiện những chuyển đổi sâu rộng. Những nhược điểm của Ấn Độ cũng to lớn không kém.
Tỉ lệ tử vong trẻ em của nước này vẫn còn rất cao, ở mức 42%. Tỉ lệ nghèo khó giảm, nhưng tình trạng bất bình đẳng lại ngày càng trầm trọng. Hiện giờ, những người giàu nhất chiếm 10% dân số đang nắm đến 56% thu nhập quốc gia. Hệ thống giáo dục của nước này là thuộc loại yếu kém nhất thế giới.
Các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu lên tới 12% và đang cần phải được bơm thêm 90 tỷ đôla. Sự phát triển của Ấn Độ còn bị cản trở bởi tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng, nạn tham nhũng và việc chưa mở cửa nhiều ra thế giới.
Đó là chưa kể những nguy cơ về chính trị và địa chính trị. Tuy có công lao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, thủ tướng Modi cũng là người đã khiến chủ nghĩa dân tộc Hindu trở nên cực đoan hơn đối với thiểu số Hồi Giáo, chỉ chiếm 14% dân số.
Bên ngoài, Ấn Độ phải đối phó với láng giềng Trung Quốc, hiện vẫn thi hành chiến lược bao vây trên bộ và trên biển, đặc biệt là với hành lang kinh tế với Pakistan.
Căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á này đã leo thang đến mức nguy hiểm trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2017, với các vụ chạm súng trên vùng cao nguyên Doklam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.