Kiên định và sáng tạo: Quan điểm xuyên suốt, mang tính nguyên tắc
Đây là quan điểm hàng đầu có ý nghĩa xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đổi mới. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu phải “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
Có thể coi đây là quan điểm về “bốn kiên định”, đồng thời đi liền với kiên định, Đảng ta cũng yêu cầu phải vận dụng và phát triển sáng tạo. Đảng ta xác định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua là nhờ Đảng ta kiên định, trung thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trải qua chặng đường hơn 90 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Đảng ta luôn kiên trì, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kết hợp độc lập dân tộc với CNXH là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng, nhờ đó tạo ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tùy theo từng giai đoạn cách mạng cụ thể, Đảng ta đã đề ra chiến lược, sách lược, bước đi, mục tiêu phù hợp để giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH, giữa dân tộc và giai cấp, giữa dân tộc và quốc tế, giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chỉ rõ, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng. Vì vậy, phải kiên định và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc xây dựng Đảng Cộng sản trong sạch, vững mạnh, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng nào xa rời những nguyên tắc đó sẽ không tránh khỏi rơi vào suy thoái, biến chất, tan rã, đánh mất vai trò lãnh đạo của mình.
Quan điểm chỉ đạo trên được Đại hội XIII của Đảng nêu ra là những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
Lấy dân làm gốc
Tại Đại hội XIII, tư tưởng dân làm gốc đã được đúc kết thành bài học riêng, với những nguyên tắc cơ bản, định hướng mọi sách lược, chủ trương của Đảng trong giai đoạn tới.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng, tư tưởng “Lấy dân làm gốc”, đổi mới dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân tiếp tục được khẳng định và bổ sung thêm một số nội dung mới “... trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN”, “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ XHCN, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”.
Những "cánh tay" đường cao tốc đang vươn xa đến mọi vùng miền của Tổ quốc |
Như vậy, so với văn kiện các kỳ đại hội trước, bên cạnh phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì Đại hội lần này đã bổ sung thêm nội dung “Dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thực tế cho thấy, ở bất kỳ đâu, ở thời điểm nào nếu phát huy được sức mạnh của quần chúng, tổ chức lãnh đạo được quần chúng nhân dân thì việc gì dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng giành thắng lợi. Người dân chỉ thật sự hăng hái tham gia vào công việc chung khi họ có niềm tin vào cấp ủy, chính quyền, khi họ biết rằng những việc ấy mang lại lợi ích cho chính bản thân và cộng đồng của họ.
Niềm tin là sợi dây liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Muốn có niềm tin trong nhân dân thì Đảng phải “lấy dân làm gốc”, “lấy nhân dân làm trung tâm”, đổi mới dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, “lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” như Đại hội XIII đã xác định. Nhân dân làm trung tâm có nghĩa là mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; coi nhân dân là nguồn lực, động lực của đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Giao thông: Lĩnh “sứ mệnh” tiên phong
Văn kiện Đại hội XIII đặc biệt chú trọng việc xác định các đột phá chiến lược phù hợp với điều kiện, yêu cầu 5, 10 năm tới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 với mục tiêu: “Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Đại hội xác định một trong ba đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện trong 5 năm tới là “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Đối với ngành GTVT, nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được chỉ rõ, trong đó dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông nổi lên là một “đại công trình” không chỉ mang tầm cỡ về quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư mà còn mang giá trị, ý nghĩa vô cùng lớn trong kết nối vùng miền, thông thương các khu vực, mở ra cơ hội “vươn mình” cho nhiều địa phương có dự án đi qua.
Các lĩnh vực khác của Ngành như: hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa và đường sắt, tất cả đều đang tập trung cao độ cho những mục tiêu trước mắt và lâu dài đã được định hướng trong bản đồ quy hoạch ngành GTVT. Toàn ngành GTVT đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xứng đáng sứ mệnh “Đi trước mở đường”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.