Áp dụng công nghệ bảo đảm an toàn hàng hải

Tác giả: VĂN THẮNG

saosaosaosaosao
Ứng dụng 26/06/2016 06:07

Hàng loạt đề tài nghiên cứu đưa công nghệ áp dụng vào thực tiễn, giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành và sản xuất thuộc lĩnh vực Bảo đảm an toàn hàng hải.

h2
Phao báo hiệu hàng hải trên luồng Vũng Tàu - Thị Vải

Với vai trò là doanh nghiệp công ích nhà nước, Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam ( VMS-South) được giao nhiệm vụ thiết lập và duy trì môi trường an toàn về hàng hải phía Nam (từ tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Kiên Giang và khu vực quần đảo Trường Sa), cung cấp các dịch vụ hỗ trợ bảo đảm an toàn hàng hải, hoa tiêu dẫn tàu, trục vớt cứu hộ, kỹ thuật ngầm... làm tiền đề cho các ngành kinh tế biển phát triển, góp phần xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc...

Công tác vận hành hệ thống luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải là một trong những tuyến luồng hàng hải quan trọng nhất của cả nước với mật độ tàu thuyền dày đặc, đặc biệt là tập trung các cảng biển lớn có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải lên tới 160.000 DWT. Do đó, trên tuyến luồng có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn về công tác bảo đảm an toàn hàng hải. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác đảm bảo an toàn hàng hải, VMS-South đặc biệt quan tâm và chú trọng đến công tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là những đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng thực tiễn trong việc quản lý, điều hành, sản xuất thuộc lĩnh vực Bảo đảm an toàn hàng hải.

Cụ thể, VMS-South là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tự sản xuất thành công hải đồ điện tử các tuyến luồng hàng hải. Sản phẩm đã được nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả ngày 17/12/2007. Đến nay, VMS-South đã sản xuất được 46 mảnh hải đồ cho 17/22 tuyến luồng trong khu vực phía Nam và hàng năm đều phát hành phiên bản cập nhật thông tin.

Bên cạnh hải đồ điện tử, năm 2015, VMS-South bắt đầu triển khai sản xuất hải đồ giấy cho toàn bộ vùng nước cảng biển và luồng hàng hải trong khu vực quản lý gồm 48 mảnh. Tháng 8/2015, VMS-South đã sản xuất 8 mảnh cho 5 tuyến luồng quan trọng: Sài Gòn - Vũng Tàu, Vũng Tàu - Thị Vải, Soài Rạp - Hiệp Phước, Đồng Nai và Quy Nhơn. Ngày 11/01/2016, Bộ GTVT đã phê duyệt và cho phép công bố chính thức sản phẩm hải đồ giấy của VMS-South.

Sản phẩm hải đồ giấy và hải đồ điện tử do VMS-South sản xuất được ứng dụng trong thực tế, hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý, điều hành của các đơn vị như: Cảng vụ, hoa tiêu, trục vớt cứu hộ, các hãng tàu... Đặc biệt, sản phẩm ENC hiện đã được sử dụng làm bản đồ nền cho hệ thống VTS của Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh, giúp tăng cường công tác quản lý, vận hành tàu biển ra vào khu vực Sài Gòn - Vũng Tàu, giảm thiểu nhiều nguy cơ đâm va và các tai nạn tiềm ẩn khác. Trong tương lai, các sản phẩm hải đồ còn có thể hỗ trợ các địa phương trong việc kết hợp với hệ thống thông tin địa lý GIS để quản lý tài nguyên khoáng sản, phòng chống ô nhiễm môi trường biển và hỗ trợ công tác giám sát các phương tiện nạo vét trong khu vực.

Ngoài ra, đề tài thiết kế chế tạo đèn biển cấp 3 dùng công nghệ LED siêu sáng tiết kiệm năng lượng dùng hệ thống pin năng lượng mặt trời thay thế cho đèn biển thế hệ cũ bóng Halogen cho các trạm hải đăng khu vực Trường Sa - mã số NL142008 đã được Bộ GTVT nghiệm thu.

Đèn được bố trí hai tầng chiếu sáng có tâm sáng đồng trục theo phương thẳng đứng và có đặc tính kỹ thuật tương đương nhau. Cả hai tầng chiếu sáng được điều khiển và hoạt động độc lập, đồng thời tích hợp hệ thống giám sát từ xa sử dụng công nghệ GSM và phần mềm giám sát dựa trên ứng dụng web, vận hành theo mô hình hàng hải điện tử mà Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO đề ra.

Trong trường hợp hệ thống chiếu sáng 1 có sự cố không hoạt động, bộ GSM nhắn tin về số trung tâm báo cáo và 1 phút sau bộ xử lý trung tâm sẽ kích hoạt cho hệ thống chiếu sáng 2 hoạt động. Điều này vừa giúp giảm chi phí vận hành, chủ động hơn trong việc bảo trì, sửa chữa với một số thiết bị, linh kiện trong nước có thể tự sản xuất, không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của các tàu, thuyền trên biển.

h3
Vận tải đường thủy trên sông Sài Gòn

Ông Phạm Quốc Súy - Tổng giám đốc VMS-South cho biết: “Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh quá trình hội nhập các tổ chức hàng hải thế giới như IHO, IMO, EAHC, IMPA..., tham dự các hội thảo, hội nghị về lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải có điều kiện nắm bắt thông tin và khoa học công nghệ tiên tiến nhất, VMS-South sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tiên tiến thế giới như: DGPS, VTS, AIS, LRIT, RACON, triều ký tự động... làm nền tảng cho việc phát triển những công nghệ mang tầm quốc tế. Bên cạnh đó, VMS-South tiếp tục tăng cường triển khai những thành quả khoa học công nghệ đã đạt được như: Hải đồ điện tử ENC, kiểm soát báo hiệu hàng hải từ xa qua GSM/GPRS... làm tiền đề phát triển cho những công trình khoa học tiếp theo, đồng thời xây dựng, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng bảo đảm an toàn hàng hải hiện đại, hướng tới môi trường hành hải điện tử E-Navigation theo tiêu chuẩn của IMO và IALA.”

Ý kiến của bạn

Bình luận