UTGT ở TP. Hồ Chí Minh đã trở thành vấn nạn |
UTGT đang đe dọa sự phát triển
PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa - Trưởng Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết: TP. Hồ Chí Minh là một trong 5 thành phố lớn nhất và đông dân nhất của Đông Nam Á. Diện tích hiện nay của Thành phố là 2.100km2, dân số thường trực là 8,7 triệu dân. TP. Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ là cục nam châm tỏa sức hút mạnh mẽ, vì vậy việc cư dân tiếp tục đổ về là điều khó tránh khỏi. Mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh tăng thêm dân số cơ học 1,5% và dự báo đến năm 2030 dân số nơi đây sẽ là 15 triệu người. Bên cạnh đó, diện tích TP. Hồ Chí Minh tuy lớn nhưng mọi hoạt động chủ yếu tập trung ở 10 quận nội thành, khu vực ngoại thành vẫn ít dân sinh sống và làm việc gây ra tình trạng ùn tắc nội đô.
TP. Hồ Chí Minh hiện có 3.583 tuyến đường với tổng chiều dài là 3.668km, tổng diện tích mặt đường là 26 triệu m2. Tỉ lệ đất dành cho giao thông rất thấp, chỉ khoảng 1,7% đến 02% trên tổng diện tích đất đô thị. Diện tích mặt đường tính trên đầu người là 2,2m2 (chỉ tính dân số thường trực). Chính vì vậy, tình trạng kẹt xe rất khủng khiếp, đe dọa sự phát triển của chính thành phố và gây thiệt hại lớn cho người dân.
Cách đây 5 năm, ùn tắc chỉ xảy ra tại các cửa ngõ, điểm giao nhau của các trục đường chính và vào giờ cao điểm nhưng đến nay tình trạng đó hầu như diễn ra vào bất cứ thời gian nào, thời gian ùn tắc lâu hơn. Thông thường, mỗi lần ùn tắc tại các cửa ngõ kéo dài từ 02 - 3 giờ, các cây cầu huyết mạch, giao lộ và trục chính có thể lên đến 6 giờ. Trong đó, kỷ lục ùn tắc lâu nhất tại TP. Hồ Chí Minh là 11 giờ và hàng xe dài 40km kéo sang các tỉnh khác.
Theo TS. Nguyễn Hữu Nguyên - Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính sách Quốc gia, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, yếu tố quyết định đối với việc giải quyết giao thông đô thị gồm 3 vấn đề cơ bản, đó là: Phải nâng cao được tỷ lệ đất giao thông lên mức trên 20%, phải hạ thấp dân số và mật độ cư trú và phải tăng được tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng. Nhưng ngay khi đã đạt được 3 vấn đề đó thì TP. Hồ Chí Minh cũng khó giải quyết được vấn nạn ùn tắc trong nội đô. Vì vậy, Thành phố phải có khả năng tổ chức giao thông khoa học và xây dựng văn hóa giao thông.
Việc tổ chức giao thông phải dựa vào các yếu tố, tính chất mạng giao thông, số lượng và chủng loại phương tiện, luật giao thông và lực lượng thi hành luật. Các yếu tố này có mối quan hệ tương tác nên đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng. TS. Nguyên dẫn chứng thêm: Chỉ đơn cử việc đầu tư mạng lưới xe buýt cũng không thể đáp ứng và người dân không mặn mà bởi vì phương tiện này không đáp ứng được nhu cầu mưu sinh của số đông người lao động, nhất là những nhóm đông cư dân ở những hẻm phố. Trong khi đó, đa số cư dân Thành phố là người lao động, học sinh, sinh viên, nhu cầu đi lại hằng ngày không phải là từ điểm A đến điểm B mà là đi nhiều nơi, nhiều tuyến đường khác nhau. Trong khi đó, tỷ lệ đường nhỏ hẹp của Thành phố chiếm 2/3 chiều dài nhưng phương tiện giao thông công cộng chủ yếu là xe buýt cỡ lớn chiếm trên 50%. Tồn tại nhiều bất cập, phát triển chưa tương xứng
Bắt đầu từ năm 2009, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng chiến lược giảm tải cho khu vực trung tâm, các hoạt động bao gồm: Không cho xây dựng thêm các cao ốc ở trung tâm và khuyến khích các nhà đầu tư phát triển ở khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, giải pháp này gặp khó khăn vì các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà do cơ sở hạ tầng ở khu vực trung tâm tốt và đã có sẵn. Thực tế thời gian gần đây, các khu dân cư, cao ốc vẫn mọc lên đều đặn trong khu vực trung tâm.
TP. Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch chuyển các trường cao đẳng, đại học ra ngoại thành. Hiện nay, ở khu vực trung tâm có 55 trường cao đẳng, đại học với hơn 700.000 sinh viên, nếu chuyển được số sinh viên này ra ngoại thành thì tình hình giao thông sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc di chuyển này gặp khó khăn vì không có nguồn tài chính nào để xây dựng cơ sở mới. Hơn nữa, bản thân các trường này cũng không muốn di dời vì như thế sẽ mất thị phần giáo dục. Hiện nay, đa số trường đều có hai cơ sở, tình trạng này làm cho việc di chuyển của sinh viên phải tăng lên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc ngày càng trầm trọng.
Ngoài ra, việc xây dựng các khu dân cư mới ở phía Tây Bắc và khu vực phía Nam như Cần Giờ, Nhà Bè vẫn còn hạn chế, một phần vì giao thông kém, phần vì người dân nội đô cũng không muốn chuyển đi vì chiến lược kinh doanh, các dịch vụ như y tế, giáo dục ở trung tâm sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh đã từng có chủ trương chuyển hơn 5.000 nhà máy, công xưởng gây ô nhiễm ra bên ngoài, hình thành các khu công nghiệp lớn như Tân Phú Trung, Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Linh Trung. Tuy nhiên, kế hoạch này được thực hiện từ năm 2000 và khá thành công nhưng lại gây ra hiệu ứng tiêu cực là người lao động đã không chuyển gia đình ra cư trú bên ngoài theo nhà máy mà sáng đi làm ở ngoại thành, chiều trở về nội thành. Do vậy, tần số và tần suất của hiện tượng “dao động con lắc” trở nên dày hơn và dài hơn khiến cho việc tắc nghẽn giao thông trở thành vấn nạn.
Đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư
Để giải quyết vấn nạn UTGT, những năm qua TP. Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thành nhiều dự án giao thông, phát triển các khu đô thị như Thủ Thiêm, Trung Sơn, Phú Mỹ Hưng…, các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng…
Định hướng phát triển không gian đô thị của Thành phố đến 2020 và sau 2025 là tập trung kết hợp với đa cực. Theo đó, khu vực nội thành cũ sẽ là trung tâm tổng hợp và mở rộng đa cực về 4 hướng là: Hai hướng chính về phía Đông và Nam hướng ra biển, hai hướng phụ là hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam…
Với định hướng giao thông hiện đại, Thành phố đã và đang xây dựng 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) và tuyến đường sắt một ray (monorail) với tổng chiều dài gần 220km. Về định hướng xây dựng các khu đô thị, công nghiệp, dân cư mới sẽ bao gồm: Khu công nghệ cao tại quận 9; Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 rộng 737 ha; Khu đô thị mới Nam Sài Gòn; Khu đô thị Nam Thanh Đa; Khu đô thị Tây Bắc Thành phố rộng 6.000 ha; Khu đô thị cảng Hiệp Phước - Công nghiệp Nhà Bè rộng 3.900 ha…Từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cần khoảng 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên như những năm qua, ngân sách Thành phố chỉ có thể đáp ứng khoảng hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm. Nếu kể cả nguồn vốn ODA và ngoài ngân sách thì cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 8.500 tỷ đồng. Do vậy việc kêu gọi thu hút đầu tư, huy động nguồn vốn bằng hình thức xã hội hóa cần phải được đẩy mạnh vì ngày càng trở nên cấp thiết
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.