Ngày 7/6, Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT) cho biết, Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) được khởi công từ ngày 6/1/2024. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.155 tỷ đồng, nhằm xây dựng 9 cầu mới, cải tạo 1 cầu và tháo dỡ 1 cầu để tạo thuận lợi giao thông thủy, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Dự án chia thành 2 gói thầu xây lắp. Gói số 1: Xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày, cải tạo cầu Giồng Găng, tháo dỡ cầu Măng Thít; gói số 2: xây dựng các cầu Vàm Xáng – Thị Đội, Ô Môn, Thới Lai, Đông Bình, Đông Thuận. Phạm vi thực hiện dự án thuộc địa bàn các tỉnh: Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang và TP. Cần Thơ.
Đến nay, sau hơn 5 tháng khởi công, mới có 8/11 cầu đang thi công, còn 3 cầu: Thới Lai, Đông Bình, Đông Thuận (huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) chưa thể triển khai thi công do địa phương chưa bàn giao mặt bằng.
"Công tác GPMB rất chậm, đến nay cả 3 công trình cầu Thới Lai, Đông Bình, Đông Thuận đều chưa có bất kỳ phần mặt bằng nào nên chưa thể triển khai thi công. Nút thắt lớn nhất là chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương tham mưu để UBND TP. Cần Thơ phê duyệt Tiểu dự án GPMB nên chưa triển khai các công việc tiếp theo. Để đảm bảo tiến độ dự án, địa phương cần đẩy nhanh công tác lập, thẩm định và phê duyệt Tiểu dự án GPMB để làm cơ sở thực hiện các bước công việc tiếp theo, để hoàn thành và bàn giao mặt bằng không muộn hơn 15/7/2024", theo Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT).
Trong khi đó, tiến độ GPMB các cầu khác tích cực hơn nhưng đều trong tình trạng bàn giao một phần mặt bằng (nhiều nhất là bàn giao được 40% mặt bằng) và có mặt bằng đến đâu thi công đến đó.
Cũng theo Ban Quản lý các dự án đường thủy, hạng mục GPMB các công trình cầu được giao cho các địa phương làm chủ đầu tư (UBND cấp huyện và Trung tâm phát triển quỹ đất). Nguyên nhân chậm GPMB một phần do kế hoạch vốn được bố trí cho dự án năm 2024 không còn đủ để chi trả cho công tác GPMB và giải ngân đối với khối lượng hoàn thành xây lắp của dự án.
Cụ thể, năm 2023, dự án đã chuyển 514 tỷ đồng kinh phí GPMB cho các địa phương. Năm 2024, dự án được bố trí vốn hơn 198 tỷ đồng và đến nay đã giải ngân đạt hơn 139 tỷ đồng, số còn lại được Bộ GTVT phân khai cho các địa phương để chi trả công tác GPMB cấp bách của dự án.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chậm mặt bằng do một số công trình cầu phải lập phương án di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, đường ống cấp nước) nên phải lập phương án và thẩm định của các cơ quan quản lý của địa phương.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc GPMB, Ban Quản lý các dự án đường thủy đã đề nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung kế hoạch vốn cho dự án và có văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện công tác GPMB. Về phía Ban QLDA, tăng cường phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh công tác GPMB (đặc biệt đối với việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện phương án bồi thường; sớm chi trả và bàn giao mặt bằng…) đảm bảo triển khai thi công các cầu còn lại thuộc dự án trước ngày 30/6/2024.
Theo Ban Quản lý các dự án đường thủy, các cầu Mộc Hóa (trên tuyến QL62, tỉnh Long An), cầu Mỏ Cày (trên tuyến QL57, tỉnh Bến Tre), cầu Ô Môn (trên tuyến QL91, TP. Cần Thơ) và cầu Hồng Ngự (trên tuyến QL30 cũ, TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) thuộc phạm vi dự án trước đây đều do Cục Đường bộ VN quản lý. Hiện nay, các cầu này đã được bàn giao về các tỉnh, thành phố để quản lý, khai thác. Tuy nhiên, Cục Đường bộ VN chưa thực hiện bàn giao tài sản của các cầu nêu trên cho các địa phương theo quy định.
Do đó, để đảm bảo việc bàn giao vật tư, vật liệu và tài sản thu hồi từ việc tháo dỡ các cầu cũ theo quy định, Ban Quản lý các dự án đường thủy vừa có văn bản đề nghị Cục Đường bộ VN, Khu Quản lý đường bộ IV bàn giao cầu cũ cho Ban và đơn vị thi công để tổ chức tháo dỡ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.