Bà Rịa - Vũng Tàu: Khơi thông nhiều tuyến đường để địa phương “cất cánh”

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Thị trường 22/06/2021 07:41

Là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, kinh tế biển, du lịch..., tuy nhiên giao thông kết nối với địa phương đang gặp sức ép lớn. Trước tình hình đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định chủ trương ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để xóa các “điểm nghẽn” cản trở kết nối của tỉnh cũng như khu vực.


 

Vungtau
Đường ven biển đoạn đèo Nước Ngọt, nơi giáp ranh hai huyện Long Điền và Đất Đỏ. Ảnh: Trường Hà

 

Thời gian qua, nhờ liên tục có nhiều quyết sách thúc đẩy việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, đồng bộ. Các tuyến QL51, 55, 56 qua địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển của người dân. Các tuyến đường giao thông trong tỉnh như tuyến tránh QL51, đường vào Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn, đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường 991B, đường Phước Hòa - Cái Mép cũng từng bước được đầu tư.
Khi nhắc đến “điểm nghẽn” về giao thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì cái tên QL51 gây lo ngại đối với người tham gia giao thông trong khu vực. Theo thống kê, năm 2020, trên tuyến xảy ra 93 vụ TNGT, làm 39 người chết, 82 người bị thương, hàng trăm xe hư hỏng. Trong dịp lễ 30/4 vừa qua có gần 50.000 lượt xe/ngày đêm lưu thông qua trạm thu phí trên tuyến đường này. Do đây là tuyến đường chính nên luôn có lượng xe lớn đổ dồn từ các hướng về tỉnh trong khi dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (chia sẻ giao thông với QL51) lại chưa thể triển khai sau nhiều năm quy hoạch. Sự ùn tắc làm tăng chi phí vận chuyển, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian dài.
Ông Trần Thượng Chí - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình Chính phủ, Dự án Xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư dự án hơn 19.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và vốn huy động (khoảng hơn 12.000 tỷ đồng). Dự án xây dựng 7 nút giao liên thông, 13 cầu vượt dòng chảy, 4 cầu vượt đường ngang và 19 cầu đường ngang vượt đường cao tốc. 
Tháng 10/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tờ trình đề xuất Thủ tướng Chính phủ cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để tổ chức thực hiện dự án, đồng thời phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và giao Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án. Trên cơ sở đề xuất của địa phương và ý kiến các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).Bên cạnh đó, địa phương cũng đang nghiên cứu xem xét xây dựng các cầu vượt nút giao trên tuyến QL51 để giảm ùn tắc cho tuyến trong thời gian xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đang thực hiện dự án Tỉnh lộ 994 (đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu), với điểm đầu là tuyến giao Đường 991B (thị xã Phú Mỹ) và điểm cuối là tuyến giao QL55 - huyện Xuyên Mộc, với tổng chiều dài gần 78 km. Hiện tại, tuyến Tỉnh lộ 994 đang thi công đoạn từ Long Sơn đi Cái Mép với chiều dài 3,72 km; đoạn từ cầu Cửa Lấp tới ngã ba Lò Vôi (huyện Long Điền) dài hơn 3 km. Riêng đoạn đường ven núi Minh Đạm, đoạn từ khu du lịch Thùy Dương đến ngã ba Long Phù có chiều dài 5,57 km đang giải phóng mặt bằng; đoạn từ Tỉnh lộ 997 đến cuối tuyến là QL55 dài 33,53 km, quy mô mặt cắt ngang 28 m đã được tỉnh phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện. Sở GTVT đang đề xuất mở rộng mặt cắt ngang đoạn đường này lên 42 m, quy mô 6 làn xe. Tổng mức đầu tư nâng cấp toàn tuyến khoảng 7.150 tỷ đồng và phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn.
Đối với dự án cầu Phước An, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, khi hoàn thành, dự án sẽ thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống cảng, khu trung tâm logistics Cái Mép Hạ, các khu công nghiệp hai bên tuyến đường cùng nhiều dự án khác trong khu vực. Dự án sẽ do Ban QLDA giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải làm chủ đầu tư, thời gian dự kiến xây dựng là 5 năm (2021 - 2025). Cầu có chiều dài khoảng 4,3 km, điểm đầu tuyến giao với đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, điểm cuối tuyến giao với đường vào cảng Phước An. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.879 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh khoảng 2.879 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng.

Như vậy, trong thời gian tới, việc hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ và linh hoạt sẽ giúp địa phương xóa được các “điểm nghẽn”, đồng thời kết nối đường bộ đến các cảng, cụm công nghiệp, tạo đà phát triển cho địa phương, nhất là kêu gọi thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, là một tỉnh có thế mạnh về du lịch, tiếp giáp TP. Hồ Chí Minh và các địa phương phát triển như Bình Dương, Đồng Nai, do đó Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đề cao việc kết nối vùng đồng bộ hơn, hiệu quả hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận