Hàng chục hộ kinh doanh trại cá đang lo lắng vì sắp tới chính quyền sẽ di dời, giải toả nhưng không bố trí quy hoạch để mặt bằng để người dân tiếp tục làm ăn; việc di dời không được hỗ trợ, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và sản xuất, kinh doanh. |
Cảng cá thị trấn Long Hải, huyện Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu), gọi là ao Hải Hà có nhiều trại cá, đông đảo các hộ kinh doanh hải sản, phát triển từ hàng chục năm nay. Bà con sinh sống ổn định, thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ thuế nhà nước; chấp hành các quy định của địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng địa phương giàu mạnh.
Hiện nay các hộ kinh doanh rất bất an vì chính quyền địa phương đang triển khai các phương án di dời, giải toả, nhưng không đền bù, hỗ trợ; không quy hoạch khu đất khác để người dân tiếp tục có nơi mưu sinh, hàng nghìn lao động sẽ mất việc làm, nhiều hợp đồng thương mại sẽ bị phá vỡ, người kinh doanh đang đứng trước nguy cơ phá sản…
Ao Hải Hà, thị trấn Long Hải có hoạt động thương mại hải sản sôi động. Các tàu, thuyền cá ngoài khơi cập cảng chủ yếu ban đêm, đổ cá cho các tiểu thương, chủ trại cá. Sau đó tôm, cá được thương lái phân loại, xuất ra thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, cảng cá này hoạt động còn mang tính tự phát, các hộ tự đầu tư xây dựng nhà trại, ai có điều kiện thì xây dựng khang trang, hộ nào khó khăn thì dựng lán trại tạm. Công tác xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường còn hạn chế, ảnh hưởng đến đời sống khu dân cư.
Người lao động hoang mang vì sẽ bị thất nghiệp, đời sống sẽ khó khăn, nếu các trại cá bị di dời, sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ |
Thực hiện kế hoạch của UBND huyện Long Điền về bảo vệ môi trường năm 2015 – 2016, trong đó tập trung cải tạo môi trường các khu vực ô nhiễm trọng điểm trên địa bàn huyện, với mục tiêu: Chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo khu vực ao Hải Hà (cảng cá), kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Nhiệm vụ của Dự án, thực hiện di dời các cơ sở chế biến hải sản; sắp xếp lại khu neo đậu ghe thuyền và di dời các hộ dân sinh ven biển về các khu dân cư, tái định cư trên địa bàn huyện; thực hiện cải tạo môi trường ao Hải Hà: nạo vét ao, xây đụn cát lọc nhân tạo, thu gom rác, trồng cây xanh…
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, trước mắt phải di dời 49 hộ kinh doanh trại cá, trong đó 22 hộ thuê đất, diện tích 3.047,1m2; 27 trại cá bao chiếm 6.447,3 m2 đất nhà nước với diện tích xây dựng trại cá 4.362,7 m2. UBND thị trấn Long Hải đang phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện xây dựng phương án di dời 49 trại cá trong tháng 9/2016.
Để thực hiện công tác giải toả, di dời các trại cá, thay vì quy hoạch khu đất khác để người dân sinh kế thì chính quyền huyện Long Điền đã “gợi ý”, “động viên”, “định hướng” người dân vào thuê Cảng dịch vụ hậu cần thuỷ sản của một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn. Quan ngại là, cảng dịch vụ thuỷ sản này là nơi kinh doanh mặt bằng, diện tích chỉ bằng một phần nhỏ so với khu ao Hải Hà. Nếu 49 trại cá được thu nạp vào đây, việc quá tải là khó tránh khỏi và nước thải, rác thải sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Điều đáng nói là, cảng dịch vụ thuỷ sản này do Công ty Cổ phần dịch vụ Hàng Hải Dầu khí Hưng Thái đầu tư nhiều tỷ đồng từ vốn vay nhưng hiện nay đang trong tình trạng “vườn không, nhà trống”. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng Cảng dịch vụ là “sân sau” của cá nhân quyền lực nên đã khởi động bài toán “cứu doanh nghiệp”, khiến người dân buộc phải lựa chọn thuê mặt bằng khi bị giải toả, di dời?
Trong các báo cáo của UBND thị trấn Long Hải gửi UBND huyện thời gian qua đều nêu rõ: Các hộ trại cá đồng ý di dời, nhưng đề nghị nhà nước phải quy hoạch khu đất khác cho người dân tiếp tục sản xuất kinh doanh; đa số người dân trại cá không đồng ý tham gia đăng ký kinh doanh tại Cảng Dịch vụ hậu cần Hưng Thái vì giá thuê quá cao và có nhiều loại phí mà người dân phải trả, làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, không đảm bảo lợi nhuận. Như vậy, nguyện vọng của người dân, chính quyền đã biết rất rõ.
Đến thời điểm này, người dân rất hoang mang bởi cơ quan chức năng đang tiến hành các bước di dời, cắt điện, nước, hoạt động sản xuất kinh doanh không thể thực hiện. Trong khi đó, các ý kiến, kiến nghị chính đáng của người dân chưa được đáp ứng; nhà trại cá đầu tư nhiều kinh phí xây dựng, nếu không được đền bù, hỗ trợ sẽ thiệt hại kinh tế; nguy cơ thất nghiệp của hàng nghìn lao động đang hiện hữu, cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Ông Phạm Trần Ninh, Chủ tịch UBND thị trấn khẳng định: Việc di dời chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các hộ kinh doanh. Lãnh đạo thị trấn rất trăn trở và đã báo cáo, kiến nghị huyện cần có chính sách hỗ trợ, đảm bảo đời sống dân sinh.
Tiếp xúc với người dân kinh doanh nghề cá ở cảng cá Long Hải, chúng tôi ghi nhận: Người dân trên địa bàn cơ bản đồng thuận với chủ trương di dời, cải tạo môi trường, song chưa đồng thuận với phương án thực hiện. Họ kiến nghị với chính quyền, mấy chục năm, cả gia đình kinh doanh hải sản, gắn bó với biển; mong muốn được tiếp tục công việc để nuôi sống gia đình và tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Hàng nghìn lao động ở khu vực ao Hải Hà mong muốn nhà nước tạo điều kiện để sản xuất kinh doanh ổn định, người dân có công việc để mưu sinh |
Trao đổi với phóng viên, bà Giàu, chủ trại cá ở Long Hải, cho biết: Trước đây khu vực này là sinh lầy, ao vũng, đường dân sinh lầy lội. Người dân đầu tư kinh phí thuê đổ đất và hình thành nên khu vực trại cá có cơ sở hạ tầng khá vững chãi như hiện nay. Công sức của người dân bồi đắp, xây dựng khu cảng cá là rất lớn. Khi nhà nước di dời cảng cá, cần đánh giá, ghi nhận công sức của nhân dân, có chính sách đền bù, hỗ trợ để người dân đỡ bị thiệt thòi. Hiện tại gia đình hợp đồng với nhiều tàu cá cung ứng dịch vụ nghề cá, cung cấp cá; đầu tư nhiều lán trại, nếu di dời không được hỗ trợ sẽ lâm vào phá sản, hàng chục lao động không biết kiếm sống bằng nghề gì. Mỗi năm gia đình nộp thuế cho 20 – 40 triệu đồng. Chúng tôi chấp hành chủ trương di dời để cải tạo môi trường, nhưng phải bố trí mặt bằng hợp lý để người dân tiếp tục làm ăn, sinh sống.
Bà Hương, thị trấn Long Hải cho biết: Xưa kia nhà nước động viên người dân cải tạo mặt bằng ao Hải Hà để kinh doanh. Gần 20 năm qua người dân tự bảo nhau bồi đắp, thuê xe chở đất, đá tôn nền, đắp đất chắn sóng biển, bây giờ cơ sở hạ tầng khang trang thì nhà nước thu hồi, không hỗ trợ dân. Cảng dịch vụ hậu cần thuỷ sản Hưng Thái do tư nhân xây dựng, vào đó kinh doanh chi phí rất cao, tính toán ban đầu, mỗi tháng gia đình chúng tôi phải bỏ hàng chục triệu thuê mặt bằng, không đủ lợi nhuận để chi trả. Mặt khác, các khoản dịch vụ điện, nước, xe chở hàng ra vào cảng… tất cả đều chi phí cao hơn hiện tại, kinh doanh sẽ không thể đáp ứng dịch vụ. Các trại cá đang rất lo lắng, không biết sẽ duy trì kinh doanh theo hướng nào.
Cảng dịch vụ hậu cần thuỷ sản Hưng Thái đang ở tình trạng vắng khách. Đa số người dân trại cá không đồng ý tham gia đăng ký kinh doanh tại Cảng vì giá thuê quá cao và có nhiều loại phí mà người dân phải trả, làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, không đảm bảo lợi nhuận. |
Cải tạo môi trường khu cảng cá Hải Hà là vấn đề cấp bách theo tinh thần “không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”. Cảng cá Hải Hà, thị trấn Long Hải là “khu đất vàng” thương mại nghề cá trên địa bàn. Tiểu thương, lái buôn hải sản hoạt động tiêu thụ cá tôm chính là tiếp sức cho những con tàu vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thiết nghĩ, huyện Long Điền cần gắn việc cải tạo môi trường với giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, tránh tình trạng lợi ích nhóm, đẩy ngư dân vào cảnh khốn khó, hoạt động kinh doanh bị đảo lộn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.